4 giờ cấp cứu người phụ nữ đứt gần lìa ngón tay tại công ty

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đang làm việc tại công ty, người phụ nữ bị một chiếc máy đập vào bàn tay phải gây vết thương nặng tại 3 ngón tay. Trong đó, có một ngón gần đứt lìa.

Đó là trường hợp của một bệnh nhân 51 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh. Khai thác bệnh sử, khi đang làm việc tại công ty thời điểm cuối tháng 2, người phụ nữ không may bị một chiếc máy đập vào bàn tay phải, gây vết thương nặng tại 3 ngón tay vùng trung tâm.

Ngay sau sự việc, bệnh nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, khoa Cấp Cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng vết thương phức tạp, đứt gần lìa đốt giữa ngón 3, gãy hở đốt xa ngón 4 và có vết thương đứt gân duỗi ngón 2 của bàn tay phải.

4 giờ cấp cứu người phụ nữ đứt gần lìa ngón tay tại công ty - 1

Ảnh chụp X-quang đánh giá các vết thương ở bàn tay của người phụ nữ (Ảnh: BV).

Sau khi có kết quả cận lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, ekip chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình thống nhất chỉ định nối lại ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân. Sau gần 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã nối thành công ngón giữa, đồng thời xử lý các tổn thương của các ngón tay còn lại.

Sau 7 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ngón tay được nối đã hồng, cảm giác tốt, các ngón còn lại cũng hồng ấm. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Triệu Quốc Ngọc, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, đứt lìa chi khi làm việc trực tiếp với máy cắt, máy cuốn, máy ép… là những tai nạn được đơn vị tiếp nhận cấp cứu thường xuyên. Nhờ thực hiện thành thạo các kỹ thuật vi phẫu hiện đại, nơi này đã thực hiện nối thành công rất nhiều trường hợp nêu trên.

4 giờ cấp cứu người phụ nữ đứt gần lìa ngón tay tại công ty - 2

Các ngón tay bệnh nhân sau khi được mổ và xử trí đã dần lành lại (Ảnh: BV).

Bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất để mang lại thành công cho các ca nối chi thể là việc phần đứt lìa phải được bảo quản đúng cách, cũng như bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để xử lý và can thiệp kịp thời.

Cụ thể, phần cơ thể đứt lìa nên dùng khăn hoặc gạc bọc lại, bỏ vào túi xốp chống thấm, sau đó ngâm vào nước đá. Tuyệt đối không ngâm trực tiếp chi thể bị đứt lìa vào nước đá, sau đó chuyển theo bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, cũng như đầy đủ trang thiết bị, nhân lực (đặc biệt là đội ngũ vi phẫu) để xử lý kịp thời.