4 ca tử vong vì “bệnh đô thị” sốt xuất huyết

(Dân trí) - Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 8.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và đã có 4 trường hợp tử vong. Các chuyên gia lo ngại vì căn “bệnh đô thị” SXH vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng ở nhiều khu vực.

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương đánh giá, dù thời điểm hiện tại, số ca mắc, tử vong vì SXH không cao như cùng kỳ năm ngoái, nhưng các yếu tố gây ra bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng ở nhiều khu vực. Hơn nữa, SXH thường bùng phát theo chu kỳ lặp lại, cứ khoảng 3-5 năm bệnh lại có một giai đoạn tăng cao số ca mắc nên năm nay, các chuyên gia rất lo ngại cho khả năng bùng phát lại của bệnh SXH.

Trung bình một năm cả nước có 50.000 ca sốt xuất, 40 tử vong, tập trung tại 42 địa phương nguy cơ cao nhất. Trong đó miền núi phía Bắc ít, tập trung tại các thành phố lớn Như Hà Nội, TPHCM, những nơi có mật độ dân số cao, tình trạng đô thị hóa đang mạnh mẽ, môi trường sống với nhiều nước đọng (trong túi nilon, vỏ lon bia vứt bừa bãi ngoài đường, vườn, trong lọ hoa cảnh…) là những điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi phát triển và truyền bệnh. Vì thế, SXH còn được gọi là bệnh đô thị. Đáng nói, chủng vi rút gây bệnh SXH cũng có sự thay đổi về chu kỳ sinh thái, tập quán, xuất hiện gene kháng hóa chất diệt nên tiếp tục song hành và gây bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 8.100 ca mắc sốt xuất huyết, tại 41 tỉnh/thành phố,  trong đó đã có 4 tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 38%, tử vong giảm 6 trường hợp. Tuy nhiên, có 18 tỉnh/thành phố đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.

Theo TS Dương, Việt Nam thuộc đới nóng ẩm thuận lợi cho các véctơ truyền bệnh phát triển, trong đó có sốt xuất huyết. Bệnh lại chưa có vắc xin vì thế nếu muốn không có ca bệnh thì thực sự khó khăn mà chỉ có thể hạn chế số ca mắc cũng như tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết tác động của biến đổi cộng thêm mùa mưa đang tới là thời điểm rất quan trọng, người dân cần nâng cao kiến thức phòng bệnh. Tháng 8 thường là đỉnh dịch hàng năm. Miền núi phía Bắc trước đây không có giờ cũng bắt đầu ghi nhận các ca mắc.

Các chuyên gia cũng lo ngại một khả năng đợt dịch bùng phát rong năm nay, dựa trên căn cứ về diễn biến dịch 3 – 5 năm một lần. Hơn nữa, vi rút gây bệnh SXH không có miễn dịch chéo (cùng lúc một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút gây bệnh) và không có miễn dịch suốt đời, đã mắc SXH vẫn có thể mắc lại, tập quán sinh hoạt, vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại… là những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch SXH trong năm 2014.

TS Nga cũng chính thức phát động chiến dịch hướng tới tháng hành động phòng chống sốt xuất huyết do Soffell và Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y Tế) tổ chức hôm 14/5.  TS Nga khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong.

Hồng Hải