30% thuốc trên thị trường là vô ích!
(Dân trí) - Tái bản lần đầu tiên sau 4 năm công bố, cuốn sách “Guide des 4 000 médicaments utiles, inutiles ou dangereux-Hướng dẫn sử dụng 4000 loại thuốc hữu ích, không hữu ích hoặc nguy hiểm” của Giáo sư Philippe Even và Bernard Debré tiếp tục chỉ ra 1/3 thuốc được cung cấp bởi các Công Ty Dược phẩm là không cần thiết.
Giáo Sư Philippe Even đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc sử dụng nhiều loại thuốc điều trị trong cuốn sách sẽ được tái bản lần này.
Giáo sư Philippe Even dựa trên sự phân tích và tổng hợp của 20.000 nghiên cứu để phân loại thuốc theo hiệu quả và những nguy cơ, rủi ro của chúng. Đây là cơ sở để Giáo sư Bernard Debré và Giáo sư Philippe Even viết nên cuốn sách “Guide des 4 000 médicaments utiles, inutiles ou dangereux” và cuốn sách đã được tái bản. Lần xuất bản đầu tiên vào năm 2012 và doanh số bán ra khoảng 160.000 ấn phẩm.
Trong lời mở đầu của cuốn sách, Giáo sư Philippe Even đã đề cập rằng “Cuốn sách hướng dẫn thuốc này không phải là sách thuốc VIDAL, cũng không phải là những trang web mới được tài trợ bởi các công ty, nó hoàn toàn độc lập và đem lại những thông tin hữu ích và khách quan có thể cho người sử dụng…”.
Cuốn sách này đã dấy lên nhiều tranh cãi giữa các đồng nghiệp. Theo Giáo sư, việc tái bản sách lần này nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, lần xuất bản trước đã đem lại những thành công đáng kể nhưng kể từ năm 2012 đã có rất nhiều thuốc mới lưu hành, đây là vấn đề thật đáng quan ngại. Vì vậy cần cập nhật những kiến thức liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc!
Chúng tôi đã xem xét tất cả mọi mặt, điều mà Giáo sư rút ra là 1/3 các loại thuốc thật là “vô ích”. Theo Giáo sư Philippe Even, trong điều trị các bệnh lý tai mũi họng tỷ lệ không hiệu quả lên đến 78%, bệnh lý dạ dày-ruột là 62%. Trong điều trị các trường hợp dị ứng hoặc trong thuốc ‘bổ dưỡng” thì 50% thuốc không mang lại ích lợi gì cho bệnh nhân, thực sự là “vấn đề cần quan tâm” và cần có sự thay đổi!
Giáo sư đã đưa ra ví dụ để minh họa đó là loại thuốc chống nghẹt mũi-bệnh lý thường gặp vào mùa đông, có chứa thành phần pseudoéphédrine đang được bán rộng rãi ở Pháp, nguy hại cho sức khỏe vì vậy cần “loại bỏ”. Trong trường hợp dị ứng thì nhiều thuốc kháng histamin có tác dụng không đáng kể. Đối với bệnh cúm, việc sử dụng Relenza và Tamiflu đem lại hiệu quả thấp.
Trong những trường hợp bệnh nặng như thế nào? Theo Giáo sư việc dùng nhiều loại thuốc điều trị Alzheimer không hẳn là hiệu nghiệm. Tuy nhiên một số thuốc đem lại hiệu quả điều trị nhất định, ví dụ như kháng sinh giúp chống nhiễm trùng, Paracetamol có tác dụng giảm đau. Cortisone là “thuốc tuyệt vời” miễn sao đừng lạm dụng! Thuốc điều trị cao huyết áp hoặc Insulin đều là những phương thuốc cần thiết thật sự!.
Trước đó, năm 2012, khi cuốn sách này lần đầu tiên được xuất bản, con số thuốc tại Pháp vô ích hoặc nguy hiểm khi đó là 50% và là “thủ phạm” gây ra 20.000 ca tử vong và 100.000 ca nhập viện mỗi năm. 2 tác giả cũng cho rằng tình trạng này do các công ty Dược tại Pháp đã chi phối và nếu loại bỏ các thuốc này khỏi hệ thống sẽ tiết kiệm được 10 tỷ euro.
Đáng chú ý, trong danh sách này có statin mà 2 tác giả cho rằng là “hoàn toàn vô dụng” trong việc giảm cholesterol xấu. 58 loại thuốc khác xếp vào nhóm nguy hiểm bao gồm các loại chống viêm chỉ định cho bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, loãng xương.
Và khi trả lời phỏng vấn 1 tờ báo lớn tại Anh, GS Philiipe đã không ngần ngại chỉ ra: “Ngành công nghiệp dược phẩm là ngành hấp dẫn nhất, hoài nghi nhất và phi đạo đức nhất trong các ngành công nghiệp. Nó giống như một con bạch tuộc, có các xúc tu thâm nhập vào tất cả các quyết định, các tổ chức y tế trên thế giới, các chính phủ, quốc hội, các bệnh viện và cả các chuyên gia y tế”.
Bs Ái Thủy