3 vấn đề cần lưu ý chăm sóc sức khỏe ngày Tết

Quan Thế Dân

(Dân trí) - Ngày Tết là một kỳ nghỉ dài với nhiều hoạt động khác thường nhật, như ăn nhiều món ăn, ăn không đúng giờ, uống rượu bia, thức đêm, di chuyển nhiều... vì thế có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thậm chí nếu không chú ý, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Để cho ngày Xuân được vui trọn vẹn, mong mọi người chú ý những điểm sau:

Chú ý đến bữa ăn

Ngày Tết là dịp chúng ta thưởng thức các món ăn ngon, ngày thường ít có dịp ăn. Vì thế có thể lượng ăn vào lớn, gây ra đầy bụng khó tiêu. Nên ta cần chú ý ăn có chừng mực, tránh làm quá tải cho hệ tiêu hóa. Những người có bệnh lý về tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng càng cần phải chú ý hơn, không để những bữa ăn gây khởi phát một đợt cấp tính của bệnh.

3 vấn đề cần lưu ý chăm sóc sức khỏe ngày Tết - 1

Mâm cỗ ngày Tết với nhiều món ăn giàu đạm (Ảnh: Getty).

Chú ý các thực phẩm giàu chất béo làm chậm tiêu, gây đầy bụng, ấm ách khó chịu, mất vui cả ngày. Những thực phẩm có nhiều chất béo chúng ta nên ăn kèm với chất chua và chất xơ như dưa góp, dưa chua... để giúp cho tiêu hóa tốt hơn. Người già, người có bệnh lý tim mạch nên hạn chế ăn thức ăn giàu chất béo. Người có bệnh gút nên hạn chế thức ăn giàu chất đạm.

Cần chú ý hiện tượng dị ứng khi ăn thức ăn lạ, nhất là ở những người có tiền sử dị ứng. Các thức ăn dễ gây dị ứng là các loại hải sản, hoặc những thực phẩm lạ chưa ăn bao giờ. Dị ứng thực phẩm nhẹ thì nổi sẩn đỏ ở da, ngứa; nặng thì co thắt đường tiêu hóa gây nôn, đau bụng, co thắt đường thở gây khó thở tím tái, nặng nữa có thể gây sốc, trụy mạch. Vì vậy khi có dấu hiệu sớm của dị ứng thức ăn ta phải ngừng ăn ngay và tìm sự trợ giúp y tế.

Cần chú ý tai nạn trong khi ăn, nhất là ở trẻ em và người già, gây dị vật đường thở, có tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp. Ngoài ra còn hóc xương gây tổn thương thực quản. Nguy hiểm nhất ở trẻ em là sặc cháo sữa vào đường thở, nuốt phải thức ăn quá to làm lấp tắc đường thở. Người già có khi không còn răng nên thức ăn không nhai nuốt luôn, hoặc vừa ăn vừa nói chuyện không chú ý... gây lấp tắc đường thở.

Gặp các trường hợp trên người bên cạnh nên làm ngay nghiệm pháp Heimlich, đó là ép vào vùng bụng trên để bật thức ăn bị hóc hoặc sặc ra, có thể làm lại vài lần, động tác dứt khoát. Với trẻ nhỏ thì cần dốc ngược trẻ lên và vỗ vào lưng nhiều lần để thức ăn bật ra khỏi đường thở. Nếu làm vài lần mà không hiệu quả thì cần vừa ép tim vừa chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Chú ý khi uống bia rượu

Ngày Tết hay sử dụng rượu bia trong các buổi gặp mặt. Rượu bia nếu sử dụng nhiều có thể gây nên một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đầu tiên rượu có tác dụng lên hệ thần kinh theo hai giai đoạn, giai đoạn đầu gây kích thích, khiến người uống thấy hưng phấn vui vẻ hoạt bát. Giai đoạn hai gây ức chế, nhẹ thì buồn ngủ, giảm phản xạ, nặng thì hôn mê. Vì thế sau khi uống rượu bia không được lái xe vì giảm phản xạ, dễ gây tai nạn.

3 vấn đề cần lưu ý chăm sóc sức khỏe ngày Tết - 2

Rượu uống vào chỉ có một phần nhỏ là thải trừ qua hơi thở, còn phần lớn là thải trừ qua gan. Gan một ngày chỉ có thể chuyển hóa một lượng cồn bằng một lon bia hoặc một ly rượu trắng. Nên trong một cuộc vui ta dùng một lượng rượu bia như vậy thì an toàn cho sức khỏe. Khi ta dùng lượng rượu bia nhiều hơn như vậy thì gan sẽ phải làm việc nhiều hơn và lượng rượu trong người thải trừ sẽ chậm hơn. Người có bệnh gan càng chuyển hóa rượu chậm hơn.

Người uống nhiều, bị ngộ độc ta nên gây nôn để loại trừ phần rượu chưa kịp hấp thu. Cho uống nước đường để tránh biến chứng hạ đường huyết ở người say rượu. Cho nằm nghiêng để tránh hít sặc phải chất nôn. Nếu thấy tình trạng hôn mê, hoặc chân tay lạnh, huyết áp hạ thì cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.

Các biện pháp dân gian như uống nước chanh, bôi vôi gan bàn chân bàn tay... đều không có tác dụng. Ngoài ra còn cần chú ý ngộ độc do rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp (methanol), rượu ngâm các loại rễ củ gây độc...

Chú ý một số bệnh tật trong ngày Tết

Ở trẻ nhỏ trong những ngày Tết ở phía Bắc có gió rét, hay theo bố mẹ đi chúc Tết, đi chơi... dễ bị nhiễm lạnh gây nên viêm đường hô hấp. Trẻ em phía Nam thì cũng dễ bị bệnh do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra dịp Tết trẻ hay tiếp xúc nhiều người lạ, dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm như cúm, adeno virus... Vì vậy người lớn cần chú ý phòng tránh cho trẻ.

Người lớn vào dịp Tết do ăn uống thất thường, có nhiều thứ gây hại cho sức khỏe như vừa phân tích ở trên, dễ làm nặng thêm các bệnh nền. Người có bệnh gan, bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, hạn chế chất béo. Người có bệnh đái tháo đường nên hạn chế bánh kẹo, chất đường. Người có bệnh dạ dày, ruột nên hạn chế chất chua, cay, chất béo. Người có bệnh gút nên hạn chế chất đạm. Người có tiền sử dị ứng nên hạn chế thức ăn lạ.

Người có bệnh lý mạn tính, đang uống thuốc điều trị bệnh thì cần duy trì uống thuốc đều đặn, không bỏ thuốc. Người có bệnh huyết áp, đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, kiểm tra đường máu để có sự điều chỉnh kịp thời. Trước Tết cần tích trữ đủ lượng thuốc dùng trong mấy ngày nghỉ. Nếu có bất thường cần đến bệnh viện khám cấp cứu kịp thời, tránh quan niệm sai lầm là đầu năm kiêng không đi khám bệnh.

BS Quan Thế Dân