3 cháu bé bị kẻ ngáo đá chém trọng thương, phơi nhiễm HIV

(Dân trí) - Liên tiếp 3 cháu nhỏ vừa phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu sau khi bị người lạ dùng dao chém vào vùng mặt. Sau khi nhận thông tin hung thủ có thể bị nhiễm HIV, các bé đang được điều trị theo phác đồ chống phơi nhiễm.

Ngày 2/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và đang theo dõi điều trị cho 3 bệnh nhi ngụ tại quận 6 bị đối tượng lạ mặt bị ngáo đá tấn công trọng thương.

3 cháu bé bị kẻ ngáo đá chém trọng thương, phơi nhiễm HIV - 1
Nhiều vụ việc thương tâm do những kẻ ngáo đá đang đe dọa tính mạng những người không có khả năng phòng vệ (ảnh minh họa)

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 1/12 cậu bé Đ.T.Q. (11 tuổi) được Bệnh viện Quận 6 chuyển tới trong tình trạng bị thương tích nặng ở vùng mặt với vết thương hở làm gãy xương hàm phải. Ngoài ra, bé còn bị một vết thương hở vùng thái dương. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cháu bị người lạ có biểu hiện bị ngáo đá tấn công. Bệnh nhi được tiếp nhận chuyển về khoa Răng Hàm Mặt, khâu vết thương, theo dõi điều trị.

Khi các bác sĩ và nhân viên y tế đang hỗ trợ chuyên môn cho bé T.Q. thì bệnh viện tiếp nhận thêm 2 trường hợp khác là bé L.V.P.N. (4 tuổi) và bé N.V.B. (6 tuổi) cũng được xác định là nạn nhân bị kẻ ngáo đá dùng dao tấn công. Cháu bé 4 tuổi bị chém một nhát ở vùng trán kéo dài xuống mắt trái sượt qua vành tai trái. Bé 6 tuổi nhập viện với vết thương hở ở bàn tay.

Sau khi tiếp nhận, chăm sóc y tế cho các bệnh nhi, phía bệnh viện tiếp nhận thông tin hung thủ là kẻ ngáo đá có thể bị nhiễm HIV. Ngay lập tức, các bệnh nhi đã được bệnh viện tiến hành các bước điều trị phơi nhiễm theo phác đồ của Bộ Y tế.

Vấn nạn từ những kẻ loạn thần do sử dụng ma túy đang đe dọa sức khỏe và tính mạng cộng đồng với nhiều vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra. Vào tháng 4/2019, ít nhất 10 người đã phải tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM điều trị phơi nhiễm HIV sau khi bị kẻ lạ mặt nghiện ma túy dùng vật nhọn tấn công trên đường.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Khi bị người lạ mặt hoặc người được xác định bị nhiễm HIV tấn công bằng kim tiêm, vật sắc nhọn gây vết thương hở hoặc những tổn thương có chảy máu, cộng đồng không nên quá hoang mang bởi thời gian ủ bệnh của vi rút HIV từ 6 tuần đến 3 tháng. Khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV, người bệnh không nên hoảng sợ, không chích lể, nặn bóp vết thương gây dập mô, sẽ tạo điều kiện cho virus HIV tấn công.

Nếu là vết thương nhỏ chỉ cần sơ cứu bằng cách rửa dưới vòi nước sạch, dùng thuốc sát trùng, đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị dự phòng. Người bệnh cần chủ động thông báo bệnh sử, tình huống xảy ra để cơ sở y tế tiếp nhận có tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời ngăn chặn những hành động nguy hiểm cho cộng đồng. Các bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm từ trước đến nay đều chưa phát hiện bị nhiễm bệnh.

Vân Sơn