1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 bước tự tin với vóc dáng “quá khổ”

(Dân trí) - Việc thỉnh thoảng đánh giá thấp ngoại hình bản thân không có gì to tát? Thực ra những ý nghĩ như vậy sẽ ăn mòn sự tự tin và giá trị bản thân.

3 bước tự tin với vóc dáng “quá khổ” - 1

Tuần 1: Hình thành sự gần gũi và riêng tư

Sự thù ghét cơ thể có thể rõ ràng, ví dụ như “Trông mình béo quá”. Nhưng nó cũng biểu hiện theo những cách tinh vi hơn.

Do đó, tuần đầu tiên cần học cách nói về chuyện béo với tất cả các hình thức có thể.

Nhìn vào gương: Hãy nhìn hình ảnh của bạn trong gương và lưu ý mọi suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình nảy ra trong đầu bởi chúng ta có xu hướng tập trung vào những khiếm khuyết khi nhìn vào gương.

Phát hiện cuộc nói chuyện thầm lặng về béo: Tiếp theo, theo dõi thói quen thù ghét cơ thể âm thầm diễn ra hàng ngày (thót bụng, véo cánh tay). Tên gọi của việc làm này là “kiểm tra cơ thể".

Phát hiện những khoảnh khắc nhỏ quan trọng: Có thể khi lướt qua thực đơn, bạn đã tự nhủ "Mình thực sự không nên ăn burger". Hoặc lúc khác bạn nghĩ “Mình ước gì có thể chui vừa chiếc quần jean bó như cô gái kia.

"Nói về chuyện béo không chỉ là "Tôi cảm thấy béo", mà là tất cả những cách chúng ta đánh giá cơ thể của mình, từ qui định về lượng calo đến so sánh ngoại hình của mình với người khác.

3 bước tự tin với vóc dáng “quá khổ” - 2

Tuần 2: Bắt tay vào hành động!

Trong tuần này, hãy thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ lành mạnh hơn – bao gồm cả những lời khen. Hãy dành cho mình những bình luận tích cực về cơ thể giống như bạn có cặp kính mới. Lúc đầu sẽ có vẻ hơi gượng ép, nhưng rồi bạn sẽ quen với nó và bắt đầu cảm thấy nó giống như một phần của bạn.

Chơi trò “Mình sẽ không bao giờ”: Điểm lại danh sách những nhận xét của bạn về chuyện béo mà bạn đã ghi lại trong tuần trước và tự hỏi xem bạn có nhận xét như vậy về bạn bè hoặc con gái mình hay không.

Thật bất ngờ, câu trả lời hầu như luôn là “không bao giờ”. Đó là một lời cảnh tỉnh cho thấy bạn đang xử tệ với bản thân như thế nào và việc tự nhủ lòng một cách tiêu cực sẽ vô ích như thế nào.

Hãy trung lập với cơ thể: Bắt mọi người chuyển từ cái nhìn tiêu cực về cơ thể sang tích cực ngay lập tức là không thực tế. Bạn được phép có những giây phút dễ bị tổn thương, nhưng bạn phải thay đổi sự chỉ trích.

Thay vì tự nhủ "Mình trông thật phì nộn trong trang phục này", hãy thử nói "Mình không phì nộn; chỉ là mình không cảm thấy tự tin lắm ngay lúc này, và điều đó không sao".

Xây dựng một thư viện: Hãy đưa ra một danh sách những ý nghĩ tử tế về bản thân. Sau đó, khi một ý nghĩ tự chỉ trích xuất hiện trong tuần này, hãy gắn nó với một cái gì đó từ danh sách. (Những lời khen không nhất thiết phải liên quan đến cơ thể, ví dụ việc tự nhủ "Mình đưa ra lời khuyên thật tuyệt" cũng có hiệu quả như "Mình có bộ ngực thật tuyệt").

Tuần 3: Truyền đi lòng tốt

Nói về chuyện béo là rất dễ lây. Nó lây lan như một thứ vi rút của năng lượng tiêu cực. Hãy trau dồi suy nghĩ tích cực hơn về cơ thể đối với những người khác bằng những lời khuyên dưới đây.

Thiết lập một vùng "không nói về chuyện béo": Nhiều quan hệ xã hội sử dụng việc “tám” chuyện về cơ thể như một cơ chế gắn kết. Hãy ngăn chặn vấn đề ngay từ đầu khi ai đó bắt đầu bằng cách nói "Này, tối nay không ai được nhắc đến chuyện béo đâu đấy".

Đừng vội vã phán xét: Tự cắt ngang ngay bất cứ khi nào bạn mở một tạp chí và nảy ra ý nghĩ phê phán, hoặc bất cứ khi nào bạn đi trên phố và thầm chê bai dáng dấp hoặc ngoại hình của một người lạ. Chúng ta vốn dĩ luôn thầm nhận xét về người khác, do đó hãy lôi mình ra sau mỗi ý nghĩ độc ác, và tự nhắc rằng: "Đây là kiểu ý nghĩa khiến cho việc bình phẩm về chuyện béo diễn ra không dứt. Không tốt tí nào".

Nhấm nháp những lời động viên: Hãy dành cho mình ít nhất một lời khen chân thật mỗi ngày. Mục đích của việc này là nhằm phát huy những ý nghĩ thông cảm đối với bản thân và những người khác. Nó có thể làm thay đổi sắc màu hàng ngày của bạn.

Cẩm Tú

Theo Health