2 vợ chồng mắc ung thư giai đoạn cuối vì "nghiện" hạt dưa

Minh Nhật

(Dân trí) - Dấu hiệu của loại ung thư này có thể bao gồm máu trong phân, giảm cân, có sự thay đổi trong nhu động ruột và luôn cảm thấy mệt mỏi.

Mắc ung thư vì món ăn vặt khoái khẩu

Ông Zhang (67 tuổi) và vợ của mình là bà Wang (65 tuổi), sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, thường ở nhà xem TV sau khi nghỉ hưu.

Đầu tháng 9 năm nay, hai cụ phát hiện trong phân có máu nên cùng nhau đến bệnh viện gần nhà để thăm khám. Sau khi nội soi, các bác sĩ chẩn đoán đôi vợ chồng lớn tuổi này cùng mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.

2 vợ chồng mắc ung thư giai đoạn cuối vì nghiện hạt dưa - 1

Sau khi loại trừ một loạt các yếu tố gây ung thư, BS He Weihua, người trực tiếp thăm khám cho vợ chồng ông Zhang, tin rằng căn bệnh ung thư có liên quan đến thói quen ăn uống không tốt thường ngày của họ.

BS He Weihua cho biết: “khi xem TV, hai vợ chồng có thói quen ăn hạt dưa tẩm gia vị bán sẵn. Trong các loại hạt dưa này thường có nhiều muối, chất tạo ngọt saccharin và đáng chú ý là phụ gia thực phẩm safrole. Nếu ăn với lượng vừa phải thì chúng vô hại. Tuy nhiên, ông Zhang và bà Wang lại ăn quá nhiều, khiến chất độc bị tích tụ dần và dẫn đến ung thư”.

2 vợ chồng mắc ung thư giai đoạn cuối vì nghiện hạt dưa - 2

Cũng theo chuyên gia này, không loại trừ khả năng hai vợ chồng cũng đã mua phải loại hạt dưa kém chất lượng và bị ẩm mốc. Thực phẩm bị mốc sẽ có chứa độc tố aflatoxin có thể gây ung thư.

Safrole là một chất lỏng dạng dầu không màu hay có màu vàng nhạt. Thông thường nó được chiết ra từ thực vật trong dạng tinh dầu xá xị, hoặc được tổng hợp từ các hợp chất methylenedioxy liên quan khác.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố các nghiên cứu chỉ ra rằng, safrole là nguyên nhân gây ung thư gan ở chuột. Kết quả cho thấy, thêm 0,04% đến 1% safrole trong thức ăn của chuột, có thể khiến chuột bị ung thư gan trong vòng 150 ngày đến hai năm. Hiện nay ở Hoa Kỳ, safrole không còn được phép dùng làm phụ gia thực phẩm. Safrole cũng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm 2B trong bảng các chất có thể gây ung thư

Duy trì lối sống lành mạnh để phòng ung thư đại trực tràng

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, chúng ta nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Theo các bác sĩ, người trẻ tuổi có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng bằng việc điều chỉnh lối sống.

2 vợ chồng mắc ung thư giai đoạn cuối vì nghiện hạt dưa - 3

Giữ trọng lượng chuẩn bằng cách tăng cường vận động; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại rau và trái cây, ngũ cốc, tránh thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, thịt chế biến sẵn.

Bạn nên tránh xa và hạn chế tối đa các chất kích thích gây hại như rượu bia, thuốc lá...

Tìm hiểu về bệnh sử của gia đình, chẳng hạn như trong gia đình có người từng bị chẩn đoán ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư vú, buồng trứng; hoặc tiền sử gia đình có hội chứng đa polyp tuyến có tính gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch.

Bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nếu có, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về độ tuổi bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng.

Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào khác thường như thấy máu trong phân, hoặc sự thay đổi về hình dạng, màu sắc bất thường của phân, thay đổi thói quen đại tiện… bạn cần đi khám sớm vì đó có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng.