2 trẻ ngộ độc botulinum "vô tình nằm cùng phòng" mới biết ăn chung bữa tiệc

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, trong vụ ngộ độc botulinum mà Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị, 2 trẻ khác gia đình và khác quê, nhưng vô tình nằm cùng phòng nên bác sĩ mới phát hiện đã ăn chung 1 bữa tiệc.

Chiều 14/10, tại HĐND TPHCM đã diễn ra buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) đối với các ngành chức năng về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Thành phố.

Nỗi lo về kiểm soát an toàn thức ăn gánh hàng rong

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở ATTP TPHCM chia sẻ, Sở ATTP đã quyết liệt phối hợp với các quận huyện để thanh kiểm tra rộng khắp trong lĩnh vực ATTP, tránh bỏ sót, chồng chéo trên các địa bàn.

Sở cũng tổ chức đào tạo cho đội ngũ thanh tra ATTP các khu vực, phối hợp với các Sở, ban ngành tập huấn, phòng ngừa, giám sát đảm bảo ATTP ở các lễ hội.

Bên cạnh đó, Sở ATTP tiếp tục tập trung truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng gia cầm, phối hợp với các tỉnh và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân Thành phố.

2 trẻ ngộ độc botulinum vô tình nằm cùng phòng mới biết ăn chung bữa tiệc - 1

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM điều hành buổi giám sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố (Ảnh: Hoàng Lê).

Hiện tại, quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành về công tác đảm bảo ATTP và xử lý ngộ độc của TPHCM đã được góp ý lần thứ 2.

Bên cạnh các kết quả đạt được, lãnh đạo Sở ATTP TPHCM cho biết, hiện nay theo Quyết định 19/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, đối tượng bán hàng rong trước cổng trường được giao cho quận huyện quản lý, Sở ATTP không phụ trách.

Đối tượng này có đặc thù di chuyển khắp nơi, không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát đối tượng trên để đảm bảo vấn đề ATTP.

Trước ý kiến của Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM về việc đề nghị Sở ATTP công bố danh sách các cơ sở chế biến thức ăn trên địa bàn để các trường học nắm rõ và thuận tiện lựa chọn, ông Hải nói việc này đã được đơn vị thực hiện.

Tuy nhiên sắp tới, Sở ATTP sẽ đổi mới giao diện website, để việc truy xuất thông tin chi tiết tại các cơ sở (thể hiện cả tên lẫn quy mô chế biến suất ăn) được dễ dàng hơn.

2 trẻ ngộ độc botulinum vô tình nằm cùng phòng mới biết ăn chung bữa tiệc - 2

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM kiến nghị tiến đến thực hiện giai đoạn 2 về đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, thành lập sàn giao dịch thịt heo…

Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM chia sẻ, việc đảm bảo ATTP ở môi trường học đường còn nhiều khó khăn. Trong đó, trước cổng các trường học vẫn còn tình trạng bán hàng rong, rất khó kiểm soát.

Khó khăn trong việc phát hiện các ca ngộ độc liên quan

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, sau thời gian chuyển giao nhiệm vụ cho Sở ATTP, hiện Sở Y tế chỉ còn phối hợp trong công tác xử lý hậu quả các vụ việc mất ATTP, truy vết, điều tra, xét nghiệm tìm tác nhân gây ngộ độc.

Về công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành, Sở Y tế có 3 đầu mối chính, là các bệnh viện, Trung tâm y tế quận huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC)…

Trong năm 2024, đã có 2 vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm được ngành y tế phối hợp xử lý. Đầu tiên là vụ việc xảy ra vào giữa tháng 5, liên quan đến hàng chục sinh viên tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Gần nhất vào tháng 10, có 6 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau bữa ăn ở trường.

2 trẻ ngộ độc botulinum vô tình nằm cùng phòng mới biết ăn chung bữa tiệc - 3

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ tại buổi giám sát (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo ông Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân ăn thực phẩm gánh hàng rong hay của những đơn vị buôn bán nhỏ lẻ, nhập vào các bệnh viện khác nhau, nên để xác định liên quan trong cùng một vụ ngộ độc rất khó.

Ông Nam dẫn chứng, vào đầu năm, có 2 trẻ thuộc hai gia đình khác nhau tham gia bữa tiệc tất niên, có dùng món chả lụa, 1 trẻ về Bình Dương và 1 trẻ về Nghệ An. Sau đó, các em ngộ độc phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2, được bác sĩ đã xử trí theo hướng ngộ độc botulinum.

"Tình cờ, các trẻ đều nhập vào Nhi đồng 2, lại nằm chung một phòng. Nhờ vậy qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ mới phát hiện 2 em cùng ăn chung một bữa tiệc", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

Ông Nam cũng chia sẻ, nhiều loại ngộ độc ở Việt Nam không có thuốc điều trị, phải mua ở nước ngoài giá rất đắt, có loại lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, cần có cơ chế dự trữ các thuốc quý hiếm.

2 trẻ ngộ độc botulinum vô tình nằm cùng phòng mới biết ăn chung bữa tiệc - 4

Một trường hợp trẻ ngộ độc botulinum từng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: BV).

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM nhận định, trước đây người dân TPHCM khi nghe đến chất cấm trong thịt heo là "khủng hoảng tinh thần". Sau đó, TPHCM đã có các biện pháp kiểm soát rất tốt, từ trang trại đến chợ đầu mối.

Ông Bình đề nghị các ngành chức năng đánh giá đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo giai đoạn 1, để tiếp tục tiến đến giai đoạn 2 như đề xuất.

Ngoài ra, ông mong muốn được nghe rõ về mục đích của việc thành lập sàn giao dịch thịt heo do Sở Công thương trình bày. Đặc biệt, khi thành lập sàn phải có 2 chữ "an toàn", vào sàn phải nắm rõ nuôi ở đâu, ai quản lý, nếu vi phạm trên sàn sẽ xử phạt thế nào…

Bên cạnh đó, ông Bình đặt vấn đề việc hoạt động của chợ truyền thống hiện còn hiệu quả không, để tiến đến khai thác các quỹ đất và quản lý phù hợp, chợ nào phù hợp thì giữ lại, nếu không tính đến việc liên doanh và triển khai các dịch vụ mới.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM nhận định, việc xử phạt cần có tính răn đe, cũng như có công cụ thanh kiểm tra và xử lý đủ mạnh, để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến phải tuân thủ trong việc đảm bảo ATTP.