2 kịch bản để kết thúc đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Thế giới bước sang năm thứ ba của cuộc chiến Covid-19 với nhiều thách thức. Khi "làn sóng Delta" vẫn chưa được kiểm soát, Omicron - "siêu biến thể" với khả năng lây lan mạnh - lại xuất hiện.
Cách đây 2 năm, dịch "viêm phổi lạ" được phát hiện tại Trung Quốc đã bắt đầu lan rộng, trở thành đại dịch toàn cầu và được biết đến với cái tên: Covid-19.
Thế giới bước sang năm thứ ba của cuộc chiến Covid-19 với nhiều thách thức. Khi "làn sóng Delta" vẫn chưa được kiểm soát thì Omicron - "siêu biến thể" với khả năng lây lan mạnh - lại xuất hiện.
Tuy nhiên, các chiến dịch bao phủ vaccine Covid-19 được thực hiện thần tốc ở quy mô toàn cầu đã giúp mang lại niềm hy vọng về sự kết thúc của đại dịch.
Trong cuộc họp báo ngày 31/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tin rằng, đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm 2022 nếu thế giới giải quyết được vấn đề bất bình đẳng vaccine.
"Đại dịch Covid-19 sẽ được kết thúc như thế nào?", chính là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong thời điểm này.
2 kịch bản để kết thúc đại dịch Covid-19
Trao đổi với Dân trí, TS.BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay, thông thường có 2 kịch bản để các đại dịch kết thúc.
Kịch bản thứ nhất là dịch bệnh đó lây nhiễm cho toàn bộ dân số và sẽ có một số lượng người nhất định tử vong vì dịch bệnh.
"Xét theo trường hợp của Covid-19. Theo ghi nhận thực tế, có khoảng 80% người mắc bệnh không triệu chứng/triệu chứng nhẹ; 20% còn lại bị bệnh lý cần phải điều trị và chỉ có một nửa số đó có nguy cơ diễn tiến nặng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu để nhiễm và khỏi theo tự nhiên, không có vaccine hay các biện pháp điều trị thì 5-10% dân số, tương đương với khoảng 400-800 triệu người trên toàn cầu sẽ tử vong và khi đó đại dịch kết thúc", TS Thái cho hay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, kịch bản thứ nhất chỉ phù hợp với các dịch bệnh xảy ra vào thời xa xưa, khi con người chưa có vaccine hay thuốc điều trị.
Kịch bản thứ hai phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại. Theo đó, qua quá trình lây lan, virus sẽ tự biến đổi và các biến thể sau giảm dần độc lực. Khi độc lực được giảm dần đến mức nào đó khiến tỷ lệ tử vong rất thấp, nó sẽ trở thành dịch bệnh lưu hành và chung sống với chúng ta.
TS Thái phân tích: "Thông thường các làn sóng dịch đầu tiên, độc lực virus còn cao sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Sau đó, virus sẽ giảm dần độc lực thì những làn sóng tiếp theo dù lây nhiễm nhiều nhưng tỷ lệ tử vong sẽ thấp dần".
Theo chuyên gia này, hiện có 7 loại virus corona gây bệnh ở người đã được biết đến. Ngoài SARS-CoV (gây dịch SARS), MERS-CoV (gây dịch MERS) và gần đây nhất là SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19), thì 4 loại virus corona đầu tiên có khả năng cũng đã gây ra các vụ dịch thời xa xưa.
"Bằng chứng khoa học cho thấy, khả năng cũng đã từng có các đại dịch của các chủng virus corona khác đã xảy ra hàng ngàn năm trước đây. Rồi sau khi giảm độc lực chúng sẽ sống cùng con người, hàng năm sẽ gây tình trạng cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi", TS Thái nói, "Trong cả 2 kịch bản, cuối cùng đại dịch cũng sẽ kết thúc. Ví dụ như đại dịch cúm 1918, đã kết thúc sau 4 năm sau khi giết chết 50 triệu người và nhiễm 500 triệu người (1/3 dân số toàn cầu lúc đó) cho đến năm 1919 và chỉ thực sự thành cúm mùa sau năm 1921. Lúc đó, mặc dù vẫn có các vụ dịch với số mắc nhiều nhưng số ca tử vong rất thấp. Nó sẽ không còn là đại dịch".
Khi nào có thể khẳng định Covid-19 không còn là đại dịch?
Theo TS Thái, khi tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm xuống mức rất thấp, thế giới có thể tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19.
Chuyên gia này lấy dẫn chứng về bệnh cúm mùa. Theo đó, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này hiện chỉ ở mức 0,04% - 0,1%.
"Bản thân cúm mùa hàng năm vẫn có một số lượng bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, với các bệnh nhân này, chúng ta thường chẩn đoán tử vong do viêm phổi hay những bệnh cơ hội khác, trong khi đó nguyên nhân sâu xa và ban đầu vẫn là cúm mùa", TS Thái chia sẻ.
Với Covid-19, nếu để dịch bệnh hoành hành, lan tràn thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 2%. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine đầy đủ, tỷ lệ tử vong sẽ được giảm đi nhiều chỉ còn khoảng dưới 0,4%, tức là 1.000 người đã tiêm đủ mũi vaccine mắc Covid-19 thì chỉ có chưa tới 4 người tử vong, thay vì 20 hoặc hơn nếu không tiêm vaccine.
Omicron có phải là chìa khóa để kết thúc đại dịch?
Theo TS Thái, hiện tại còn quá sớm để nhận định Omicron là vaccine tự nhiên có thể giúp kết thúc đại dịch Covid-19.
Tại Nam Phi, Omicron lây nhiễm chủ yếu trên những trường hợp đã từng nhiễm biến thể khác hoặc người đã tiêm vaccine, dẫn đến việc tỷ lệ tử vong rất thấp, chỉ khoảng 0,1 - 0,4%. Con số này gần tương đương với cúm mùa. Về cơ bản, những quốc gia như vậy hàng ngày cũng sẽ ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 nhưng sẽ rất ít.
"Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta có thực sự muốn điều đó xảy ra hay không?", TS Thái nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, nếu muốn điều đó xảy ra thì toàn dân sẽ phải bị lây nhiễm Omicron và sẽ phải có rất nhiều bệnh nhân tử vong và kể cả không Covid-19, vẫn tử vong do quá tải hệ thống y tế, để có thể có được kết quả như ở Nam Phi.
"Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn đang phải kiểm soát chặt sự xâm nhập của biến thể Omicron, song song với đó là đẩy mạnh bao phủ vaccine Covid-19", TS Thái cho hay.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định, còn quá sớm và mạo hiểm để cho rằng, Omicron có thể trở thành vaccine tự nhiên để chấm dứt đại dịch.
Theo TS Kidong Park, ngay cả khi triệu chứng có vẻ nhẹ, nhưng nó có thể gây nên số lượng bệnh nhân lớn do khả năng lây nhiễm gia tăng, gây quá tải hệ thống y tế và cướp đi sinh mạng của những người dễ bị tổn thương.
"Chúng ta cần thận trọng và tiếp tục các biện pháp 5K để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, bao gồm cả biến thể Delta và Omicron", TS Kidong Park nhấn mạnh.