2 bệnh viện đầu tiên giải trình về “độc quyền taxi”

(Dân trí) - Chiều 27/10, lãnh đạo hai bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y đã lên tiếng trước thông tin phản ánh, cho rằng có tình trạng “độc quyền taxi”, ép khác trả tiền theo giá thỏa thuận.

Giao thông bệnh viện cũng tắc nghẽn vì quá tải

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ngay sau khi có yêu cầu làm rõ thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bệnh viện đã họp, kiểm tra thông tin.

Trong buổi làm việc trả lời về những thông tin này tại BV Bạch Mai còn có sự tham gia của Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, công an phường Phương mai và đại diện hai hãng taxi Mai Linh, Việt Thanh.

Theo ông Hiền, mỗi ngày có đến hơn 20 nghìn lượt người qua lại tại BV Bạch Mai (với hơn 6.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 bệnh nhân nội trú, kèm theo đó là hàng nghìn người nhà đi kèm, hơn 3.000 cán bộ công nhân viên, 2.000 học sinh, sinh viên đến học tập.


Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai thông tin về việc không thể để nhiều taxi ra vào bệnh viện sẽ gây hỗn loạn giao thông. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai thông tin về việc không thể để nhiều taxi ra vào bệnh viện sẽ gây hỗn loạn giao thông. Ảnh: T.B

“Với con số hàng vạn người mỗi ngày, điều phối giao thông trong bệnh viện là vô cùng khó khăn để vừa đảm bảo yêu cầu của người bệnh và hoạt động chuyên môn. Trước đây tại BV đã xảy ra tình trạng taxi dù tranh giành khách, lừa đảo khách…”, ông Hiền nói.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết thêm, tình trạng taxi nán lại đỗ để đón khách vẫn thường xuyên gây ách tắc giao thông tại hai cổng Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Bạch Mai phải nhờ tới sự hỗ trợ của công an giao thông và công an phường Đồng Tâm, Phương Mai để duy trì trật tự an toàn giao thông ở hai điểm nóng này.

Vì thế hiện BV Bạch Mai ký kết với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh với số lượng mỗi hãng có 2 xe đỗ thường trực tại hai cổng Bạch Mai và Phương Mai để đón khách. Mỗi tháng, hai hãng taxi này nộp chi phí là 6 triệu đồng/tháng.

Ông Hiền cho biết, 2 đơn vị trên được chọn bởi họ cam kết công khai bảng giá, cam kết có điều phối viên thường trực điều xe theo quy định; cam kết phục vụ mọi đối tượng tốt nhất.

“BV cũng có quy định nếu bệnh nhân phản ánh đến lãnh đạo BV về việc taxi hai hãng này có thái độ phục vụ không tốt, chèn ép, tăng giá sẽ thì sau ba lần bị phạt, sẽ chấm dứt ký hợp đồng vận chuyển. Tuy nhiên, qua hệ thống giám sát của BV Bạch Mai, đến nay hai hãng taxi chưa bị người dân nào phản ánh tới ban giám đốc có bằng chứng”, ông Hiền nói.

BV Đại Học Y Hà Nội cũng là đơn vị Bộ Y tế yêu cầu trả lời thông tin "độc quyền taxi, chặt chém người bệnh".

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Đức Huấn- Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, khuôn viên bệnh viện quá chật không thể để cho nhiều hãng taxi cùng hoạt động. Còn nếu không cho taxi vào thì người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển.

“Vì thế, BV Đại học Y hiện ký hợp đồng với hãng taxi ABC và có giám sát hoạt động. Nếu hãng taxi ABC không thực hiện tốt dịch vụ, để người bệnh phàn nàn BV sẽ cắt hợp đồng ngay”, ông Huấn khẳng định.

Theo PGS Huấn, BV Đại học Y cho dịch vụ taxi hoạt động không đặt vấn đề lợi nhuận mà đảm bảo chủ trương thuận lợi cho bệnh nhân. Hiện taxi ABC phải trả 40 triệu để được độc quyền xếp lốt 2 xe tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.

Tiền bãi đỗ taxi dành cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, số tiền 6 triệu đồng/tháng thu từ hai hãng taxi này. Số tiền thu này cũng đúng quy định của Bộ tài chính về giá đỗ xe 100.000 đồng/ngày/xe đỗ trong bệnh viện. Đặc biệt, số tiền này bệnh viện đều nộp vào Quỹ hỗ trợ người nghèo của viện.

2 bệnh viện đầu tiên giải trình về “độc quyền taxi” - 2

Tại BV Bạch Mai, Quỹ hỗ trợ người nghèo giúp đỡ các bệnh nhân lên tới 10 tỷ đồng/năm cho các trường hợp khó khăn.

Ông Hiền cũng khẳng định, bệnh viện không có định hướng ép bệnh nhân sử dụng dịch vụ. Người bệnh hoàn toàn có quyền chọn taxi khác nhau vì chỗ đỗ của hai hãng taxi và taxi ngoài cổng viện chỉ cách nhau có 5m.

“Bệnh viện cấm taxi vào trong khuôn viên để không gây tình trạng hỗn loạn, ách tắc giao thông nhưng luôn mở cửa cho các phương tiện chở người đi cấp cứu để bảo đảm tính mạng con người là trên hết”, ông Hiền khẳng định.

Tại BV Đại học Y Hà Nội, PGS Huấn cho biết số tiền 40 triệu thu từ hãng taxi là do Tổ công đoàn của Bệnh viện điều tiết để chia sẻ, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khó khăn và chi trả cho tổ điều hành 2 chiếc xe điện vận chuyển bệnh nhân miễn phí trong bệnh viện.

“Người bệnh cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp. Không muốn đi taxi ABC, họ có thể gọi hãng khác đến đón và xe của các hãng đó hoàn toàn được vào đón khách. BV cũng tính đến 2 phương án, một là có thể tiếp tục duy trì 1 hãng taxi, hoặc thêm 1 hãng nữa vào hoạt động nhưng dù là một hay hai hãng, khuôn viên của Bệnh viện cũng chỉ đủ cho 2 xe taxi dừng đỗ để đón khách”, ông Huấn nói.

Hồng Hải