6 bệnh viện tại Hà Nội bị tố để taxi độc quyền “chặt chém” người dân

(Dân trí) - 6 bệnh viện gồm gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn bị người dân “tố” để tình trạng taxi độc quyền, gây khó và “chặt chém” người dân khi phải sử dụng phương tiện này.

Chiều 26/10, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã kí công văn khẩn gửi đến 6 bệnh viện này yêu cầu kiểm tra, báo cáo rõ, sau khi thông tin báo chí phản ánh nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đang chấp thuận cho một số hãng taxi vào khai thác theo hình thức độc quyền.

Cảnh dễ dàng gặp trong khuôn viên các bệnh viện, chỉ độc quyền duy nhất 1 loại taxi khiến người dân không có nhiều sự lựa chọn khi di chuyển bằng phương tiện này.
Cảnh dễ dàng gặp trong khuôn viên các bệnh viện, chỉ độc quyền duy nhất 1 loại taxi khiến người dân không có nhiều sự lựa chọn khi di chuyển bằng phương tiện này.

Theo như phản ánh, vì duy trì hình thức độc quyền nên người dân đến bệnh viện không có sự lựa chọn, đành phải dùng dịch vụ taxi giá cao, chất lượng phục vụ thấp. Thậm chí, các hãng taxi ký hợp đồng độc quyền với các bệnh viện còn ép khách trả tiền theo giá thỏa thuận...

Vì thế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc 6 bệnh viện nêu trên khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; mặt khác, báo cáo công tác tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế và dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế, đồng thời nêu rõ thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển người bệnh tại bệnh viện. Báo cáo cần được gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 2/11.

Theo ông Khuê, dịch vụ vận chuyển bằng taxi là một trong các dịch vụ thuê khoán ngoài tại bệnh viện, gồm các dịch vụ có mục đích phục vụ cho công tác quản lý bệnh viện, nhu cầu người bệnh và gia đình người bệnh trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Dịch vụ này được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bên ngoài bệnh viện để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ.

Các dịch vụ thuê khoán ngoài chủ yếu hiện nay gồm: Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; Dịch vụ vệ sinh công nghiệp và vệ sinh ngoại cảnh; Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh tử vong trong bệnh viện; Dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế; Dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế; Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện; Dịch vụ trông giữ xe; Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán cho người bệnh; Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị mini; Dịch vụ bưu chính viễn thông… đều được quy định rõ ràng và các điều khoản ràng buộc nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Dù được quyền tự thuê khoán, nhưng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm năng lực cung cấp dịch vụ với đầy đủ tư cách pháp nhân, bảo đảm chất lượng dịch vụ và chịu trách nhiệm dịch vụ do mình cung cấp…

Nếu các đơn vị cung cấp dịch vụ kém chất lượng so với cam kết trong hợp đồng trách nhiệm; Không đáp ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật về cung cấp dịch vụ; Thu không đúng với giá niêm yết, hoặc cao hơn giá thị trường với cùng chủng loại hàng hóa dịch vụ và điều kiện phục vụ; Người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ tùy theo mức độ vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần không được xử lý; Chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh viện trong trường hợp mất mát, hư hỏng do nhân viên của đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra…cần phải có hình thức xử lý, chấm dứt hợp đồng.

Hồng Hải