16 nghìn trẻ Việt mắc tim bẩm sinh mỗi năm
(Dân trí) - Con số phát hiện tim bẩm sinh mỗi năm tại Việt Nam hiện là khoảng 16 nghìn trẻ. Tuy nhiên số được phát hiện sớm, điều trị hiện nay còn rất hạn chế bởi đa phần trẻ bị tim bẩm sinh còn được phát hiện muộn.
Thông tin trên được PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết tại Hội nghị đánh giá các bệnh van tim và chức năng tim ở trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 13/1.
Các dị tật tim hay gặp ở gồm các bệnh thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, hẹp van động mạch phổi, không lỗ van ba lá, tứ chứng Fallot… Trẻ em sinh non, nhẹ cân thì có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh cao hơn. Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm nhưng hầu hết các bệnh loại này nếu được can thiệp sớm sẽ chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội trở lại với cuộc sống khỏe mạnh.
Theo TS Hải, trong các bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý van tim là một trong những bệnh lý phức tạp và gặp nhiều nhất, đây cũng là bệnh lý gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Lý do vì kích thước tim của trẻ em nhỏ hơn từ 2-3 lần so với tim người trưởng thành, đặc biệt là ở những trường hợp cân nặng thấp. Trong khi đó, việc đánh giá chính xác thương tổn, xác định khả năng can thiệp và phương pháp can thiệp sẽ góp phần quyết định vào thành công của ca phẫu thuật.
Ngoài ra, cấu trúc tim của trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn không giống với tim người bình thường, do đó vấn đề xác định chức năng tim ở trẻ mắc tim bẩm sinh bằng phương pháp siêu âm là đặc biệt quan trọng trong tiên lượng kết quả điều trị.
TS Lê Thanh Hải chia sẻ, hiện bệnh viện đã triển khai các biện pháp và chiến dịch sàng lọc giúp phát hiện tim bẩm sinh ngay từ khi mang thai, tiến tới trong tương lai sẽ có thể can thiệp tim mạch cho những trẻ mắc tim bẩm sinh ngay từ khi trong bào thai.
Mục tiêu đặt ra là để phát hiện sớm các bệnh lý tim bẩm sinh, bởi các bệnh lý này được can thiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 5 tuổi. Thực tế có những dạng tim bẩm sinh phải mổ ngay từ những tháng đầu sau sinh nếu không sẽ tử vong. Nhưng nếu không được mổ có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi do thừa máu hoặc suy tim do thiếu máu, cả hai có thể là nguyên nhân gây tử vong sớm ở trẻ. Hơn nữa, trẻ bị tim bẩm sinh khiến thường xuyên mắc bệnh, dinh dưỡng kémcơ thể sẽ bị suy nhược trong thời gian dài, khiến trẻ chậm phát triển.
TS Hải cho biết, trong 10 năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã mổ tim hở cho trên 3.100 trẻ mắc tim bẩm sinh, trong đó có 59 trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong chung trong các ca mổ này vẫn ở mức 6%
Hồng Hải