1.500 người mắc căn bệnh ung thư "top 10" thoát cảnh ôm túi chứa nước tiểu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Với bệnh nhân mắc loại ung thư này, khi bước vào giai đoạn xâm lấn cơ phải phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải mang bên mình túi nước tiểu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nặng nề.

Ngày 20/2, Sở Y tế TPHCM cho biết, các bác sĩ tại một bệnh viện của địa phương đã hoàn thiện kỹ thuật chuyên sâu tạo hình bàng quang từ ruột ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới, trong điều trị ung thư bàng quang.

Theo thống kê từ GLOBOCAN (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2020, ung thư bàng quang là một trong 10 ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Với những bệnh nhân ung thư bàng quang giai đoạn xâm lấn cơ, phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc là phương pháp điều trị ưu tiên. Phẫu thuật này bao gồm cắt toàn bộ bàng quang kèm theo tuyến tiền liệt và túi tinh đối với nam giới hoặc kèm theo cắt 2 phần phụ, tử cung và một phần âm đạo ở nữ giới.

Với việc không còn bàng quang do phải cắt bỏ vì ung thư, bệnh nhân sẽ không còn cơ quan chứa nước tiểu. Do đó, bệnh nhân phải mang ống thông niệu quản dẫn nước tiểu từ 2 thận hoặc chuyển lưu nước tiểu qua một đoạn ruột. Dù là cách nào thì bệnh nhân vẫn phải mang bên mình túi nước tiểu, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, làm ảnh hưởng nặng nề chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Để giải quyết tình trạng trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã cố gắng học tập và tìm tòi cách phẫu thuật để tạo hình bàng quang mới, thay thế bàng quang đã cắt bỏ do ung thư, giúp người bệnh có thể đi tiểu tự chủ.

Từ năm 1995, Bệnh viện Bình Dân chính thức bắt đầu triển khai phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột, với nhiều phương pháp tạo hình khác nhau (như phương pháp Camey I, II, phương pháp Studer, Hautmann, Padova).

1.500 người mắc căn bệnh ung thư top 10 thoát cảnh ôm túi chứa nước tiểu - 1

Một ca phẫu thuật tạo hình niệu quản, bàng quang cho bệnh nhân bị ung thư bàng quang (Ảnh: BV).

Trải qua 28 năm, bệnh viện đã xây dựng được trên 20 ekip có thể thực hiện phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột, với những ứng dụng công nghệ hiện đại, như phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot. Đồng thời, nơi đây cũng chuyển giao phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột đến các bệnh viện khác trên cả nước qua chương trình chỉ đạo tuyến, các khóa huấn luyện phẫu thuật nội soi chuyên sâu…

Theo Sở Y tế TPHCM, phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang bằng ruột thuộc hàng "đỉnh cao" của chuyên ngành Tiết niệu, đòi hỏi bác sĩ phải vừa tỉ mỉ chọn đoạn ruột phù hợp, vừa khâu tạo hình bàng quang và lập lại lưu thông niệu đạo. Sau khi tạo hình xong, các bác sĩ phẫu thuật và điều dưỡng lại phải đồng hành với người bệnh để chăm sóc, luyện tập sau mổ giúp bàng quang mới có thể làm tốt được chức năng chứa nước tiểu.

Tính đến nay, các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công trên 1.500 trường hợp tạo hình bàng quang mới, giúp nhiều người bệnh ung thư bàng quang cải thiện được cuộc sống, sinh hoạt đáng kể.

Hiện tại, Bệnh viện Bình Dân đang xây dựng khu điều trị kỹ thuật cao mới. Sở Y tế TPHCM nhận định, khi khu điều trị này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để bệnh viện trở thành trung tâm chuyên sâu trong lĩnh vực Ngoại khoa, ngang tầm các nước trong khu vực.