1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

15 năm chữa bệnh… trái phép!

Theo biên bản của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đăng Xiêng chữa bệnh không có bằng cấp, không giấy chứng chỉ hành nghề. Thật lạ là dù hoạt động trái phép từ 15 năm nay nhưng phòng khám này chưa từng được ngành chức năng quận kiểm tra dù có phản ánh.

Bệnh gì cũng chữa

 

“Thầy” Xiêng rất lạ, chỉ khám bệnh vào thứ ba, thứ năm hàng tuần, từ 19h30 trở đi. Tối ngày 31/7, có mặt tại nhà “thầy” từ 19h, nhưng đến trước tôi là hơn 10 người đã chờ sẵn. Bà N. T. Tâm, 62 tuổi, ngụ tại Q8, cho biết mình bị bệnh tim, cao huyết áp, đến chữa lần thứ hai. Bà đã uống được 10 ngày thuốc, chưa thấy bớt, nhưng nghe “thầy” nói phải chữa kiên trì nên đi chữa tiếp. Ngồi trong góc, ông T. V. Sáu, 65 tuổi, xanh xao, mệt mỏi. Người nhà cho biết ông bị ung thư phổi, bệnh viện “chê”, nên đến “thầy” Xiêng chữa.

 

Đúng giờ, từ trên lầu “thầy” bước xuống, ngồi trước một chiếc bàn, bệnh nhân xúm xít chung quanh, xem “thầy” chữa bệnh công khai. Cách chữa của “thầy” Xiêng thật đơn giản: dùng một dụng cụ như cây súng có đầu nhọn bằng kim loại dí vào một số điểm trên đầu, mặt, bàn tay, sau đó kê toa bằng cách ghi vào mẩu giấy nhỏ một số ký hiệu đưa cho bệnh nhân, bệnh nhân cứ thế vòng ra sau nhà lấy thuốc, trả tiền rồi ra về. Khi tôi thắc mắc về cách chữa bệnh, “thầy” trả lời: “Đây là châm cứu bằng xung điện, không làm chảy máu nên rất an toàn”.

 

Một bệnh nhân nữ 45 tuổi khai bị rối loạn kinh nguyệt, vừa châm cứu, “thầy” vừa nói: “Cơ thể chị bị hàn, huyết ứ, tôi sẽ cho chị dùng thuốc tán hàn, hoạt huyết. Chuyện nhỏ, có gì đâu mà sợ”. Một phụ nữ khác khai từ 3 tháng nay lên cân quá nhiều, hỏi có cách nào giảm cân không. Châm điện chưa được 2 phút, “thầy” dừng tay, mỉm cười: “Can uất khí trệ làm chị lên cân, chị còn bị mất ngủ nữa phải không?”. Không chờ bệnh nhân trả lời, “thầy” nói ngay: “Tôi sẽ bán cho chị một loại bột thuốc. Bảo đảm dùng một tuần là xuống được 5 ký”. Người phụ nữ này không đi một mình, mang theo đứa con trai trạc 12 tuổi, xin thầy cho thuốc uống để lên cân và tăng chiều cao. Châm cứu cậu bé xong, “thầy” Xiêng trấn an người mẹ: “Tôi cho nó một loại bột, bảo đảm uống xong nó cao 2 tấc!”. Người mẹ không tin hỏi lại: “Hai phân hay hai tấc?”. Thầy quả quyết: “Hai tấc!”.

 

Đang khám dở dang, từ ngoài cửa một người đàn ông chạy vào hỏi thăm: “Ba tôi bị ung thư gan, bệnh viện mới cho về chiều nay, thầy chữa được không?”. “Thầy” phán ngay: “Nếu bụng chưa to thì cứ mang đến đây, tôi đã chữa nhiều người khỏi, cứ yên tâm”.

 

“Kỳ nhân” “phát tâm” chữa bệnh!

 

Chữa bệnh bán thuốc thì có gì mà giúp người, nhưng nếu nói hành nghề vì cái tâm thì càng phải xem lại. Khi đoàn kiểm tra hỏi thuốc bán cho bệnh nhân lấy ở đâu, “thầy” Xiêng cho biết nhờ một số người gia công các bài thuốc rồi mang đến bỏ mối. “Vậy ông có kiểm tra cách họ chế biến, đủ lượng, đủ chất, có bỏ thêm chất gì vào và bảo đảm vệ sinh không?”, một thành viên trong đoàn hỏi. “Thầy” trả lời tỉnh rụi: “Có kiểm tra bao giờ mà biết, nhưng bán cho bệnh nhân mấy năm nay có ai bị gì đâu!”.

 

Nhưng đó chưa phải là tất cả những chuyện lạ về “thầy” Xiêng. Thật vậy, “thầy” khoe mình biết chữa bệnh từ nhỏ, khi chưa qua trường lớp nào và chữa được rất nhiều bệnh, kể cả những bệnh khó chịu nhất trong người. “Thầy” nói: “Tôi chỉ cần bấm huyệt là có thể làm khối u trên người tiêu mất!”. Một thành viên đoàn kiểm tra hỏi: “Nếu có tài như vậy, sao ông không đăng ký làm nghiên cứu khoa học, khi thẩm định xong người ta cho ông chữa bệnh đàng hoàng?”. “Thầy” giả lả: “Xiêng cũng muốn lắm, nhưng có ai hướng dẫn Xiêng bao giờ đâu. Kỳ này cán bộ nhớ chỉ Xiêng đăng ký nghiên cứu nhé!”.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị