15 bác sĩ phối hợp cứu sống cô gái trẻ bị tai nạn giao thông nguy kịch

Phạm Tâm

(Dân trí) - Ngày 29/7, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện huy động 15 bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa để cứu bệnh nhân đa chấn thương

15 bác sĩ  phối hợp cứu sống cô gái trẻ bị tai nạn giao thông nguy kịch - 1
Ê kip bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân

Trước đó, lúc 15 giờ 15 phút ngày 23/7/2020, bệnh nhân Phan Thị Kim C., (29 tuổi), ngụ ở Thới Lai, Cần Thơ nhập viện ĐKTƯ trong tình trạng nguy kịch do tai nạn giao thông với biểu hiện lơ mơ, da xanh, niêm trắng bệch, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp khó đo.

Nhận thấy đây là trường hợp đa chấn thương nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, các bác sĩ cấp cứu đã tiến hành quy trình báo động đỏ nội viện và tiến hành hồi sức tích cực chống sốc: kiểm soát chảy máu, thở oxy, giảm đau, truyền dịch chảy nhanh, truyền máu...và nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm, siêu âm bụng cấp cứu tại giường, Chụp X.quang tại giường…

Kíp mổ đã huy động cùng lúc 15 bác sĩ của 5 khoa liên quan gồm: Ngoại Tổng hợp, Ngoại Thận- Tiết niệu, Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Sản, Chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc mất máu do đa thương. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Lượng huyết sắc tố giảm rất nặng.

Ê Kíp gây mê hồi sức tiên lượng bệnh nhân rất nặng, đe dọa tử vong nên tiến hành khẩn trương cấp cứu, hồi sức tích cực và khởi mê nhanh theo phác đồ bệnh nhân sốc.

Các bác sĩ đã tiến hành thám sát vết thương, phát hiện bệnh nhân gãy ngành ngang vào tận ổ cối lộ động mạch đùi, chảy máu nhiều.

Bác sĩ tiếp tục, mở bụng đường giữa dưới rốn, lấy ra 5000ml máu loãng và 1kg máu cục, tử cung đứt rời, phía trên cổ tử cung còn dính dây chằng tử cung 2 bên, vỡ toác toàn bộ phúc mạc, thành sau, vỡ bàng quang, máu dâng lên liên tục.

15 bác sĩ  phối hợp cứu sống cô gái trẻ bị tai nạn giao thông nguy kịch - 2
Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật

Bác sĩ khoa Khoa Lồng ngực mạch máu, thực hiện cầm máu. Bác sĩ sản khoa sĩ xử trí tử cung bị đứt ngang thân, trình cầm máu rất khó khăn.

Các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình cắt lọc vết thương, rửa sạch, nhét gạc cầm máu, khâu da thưa; Bác sĩ Ngoại Thận-Tiết niệu, khâu lỗ thủng bàng quang; Cuối cùng, bác sĩ Ngoại Tổng hợp kiểm tra và đóng bụng. Sau gần 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công.

Đến sáng nay, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, sinh tồn ổn định đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.

Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào- Trưởng Khoa Gây mê hồi sức cho biết: Sốc do chấn thương là tình trạng suy sụp các chức năng sống của cơ thể, rất thường gặp trong cấp cứu, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không xử lý kịp thời.

“Bệnh nhân này mất máu rất nặng, trong quá trình phẫu thuật huyết áp giảm liên tục, các bác sĩ gây mê phải lắp 3 đường truyền máu liên tục, sử dụng thuốc vận mạch...Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu và phẫu thuật có sự phối hợp nhịp nhàng với Bệnh viện Huyết học truyền máu TP Cần Thơ nên trong quá trình cấp cứu và điều trị bệnh nhân được cung cấp máu kịp thời, đầy đủ”, bác sĩ Đào cho biết.