100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn vào năm 2020

(Dân trí) - Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, tăng tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn là mục tiêu của đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.

Mục tiêu của đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc. Qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.

Cụ thể, đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn vào năm 2020 - 1

Họp báo diễn ra tại Hà Nội ngày 22/11 với nội dung quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai. 

Bên cạnh đó cần tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc. Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Trong thời gian, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông cho cộng đồng, doanh nghiệp, thầy thuốc... về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, hậu quả của kháng kháng sinh… Đồng thời, các Sở Y tế tiến hành tập huấn cho người bán lẻ thuốc các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê đơn…

Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều đoàn đi giám sát tiến độ triển khai đề án. Một trong những giải pháp quyết liệt khác được triển khai là kết nối mạng các nhà thuốc. Điều này sẽ giúp kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc, hạn chế tình trạng bán thuốc cần kê đơn mà không có đơn thuốc... 

Từ năm 2020 sẽ triển khai hoạt động kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên toàn quốc.

100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn vào năm 2020 - 2
Bộ Y tế đi kiểm tra giám sát việc hiện đề án tại TP Hồ Chí Minh.

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên thuốc có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Chẳng hạn kéo dài thời gian điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong ngành y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng. Một đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng... sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cấp phát, sử dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Tình trạng chưa tuân thủ đầy đủ quy chế kê đơn thuốc ngoại trú đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển. Nghiên cứu của Sanchez (2013) ở Tây Ban Nha cho thấy có tới 1.127 lỗi kê đơn đã xảy ra trong tổng số 42.000 đơn thuốc, trong đó phổ biến nhất là lỗi đơn không đọc được (26%).

Ngoài ra, lạm dụng thuốc và lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin được đề cập tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, nhằm tăng cường giám sát hoạt động kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quy định hoạt động này. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã áp dụng và triển khai việc thực hiện việc kê đơn điện tử đã giảm được nhiều sai sót trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân ngoại trú.

Tuy nhiên, thực trạng kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin, kê quá nhiều thuốc cho một đơn thuốc. Việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vẫn còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất…

Bên cạnh đó, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. 

Việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn còn phổ biến. Hiện nay, đã có nhiều các văn bản quy định về bán thuốc kê đơn được ban hành và phổ biến, thậm chí hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc còn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Thực hiện Đề án sẽ góp phần giảm tỷ lệ kê đơn thuốc không đúng quy định, giảm tỷ lệ mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Hà An