10 sự thật đáng sợ về căn bệnh hiểm hàng trăm nghìn người Việt mắc mỗi năm
(Dân trí) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có 1,3 triệu người chết vì căn bệnh đa kháng thuốc này trong một năm. Đáng lo ngại là trong 10,6 triệu người mắc bệnh, chỉ có 7,5 triệu ca được phát hiện.
Ngày 25/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về bệnh lao kháng thuốc.
HCDC dẫn lời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin 10 sự thật về bệnh lao mà người dân có thể chưa biết (theo thống kê toàn cầu năm 2022).
Thứ nhất, có khoảng 10,6 triệu người mắc bệnh lao. Thứ hai, tổng cộng có 1,3 triệu người chết vì bệnh lao (trong đó có 167.000 người nhiễm HIV). Thứ ba, 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao chiếm 87% số ca mắc bệnh lao mới. Thứ tư, 1,3 triệu trẻ em mắc bệnh lao trên toàn cầu.
Thứ năm, bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người nhiễm HIV. Thứ sáu, bệnh lao đa kháng thuốc vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và là mối đe dọa an ninh y tế. Thứ bảy, những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 75 triệu người kể từ năm 2000.
Thứ tám, chỉ trong khoảng thời gian 2020-2022, tỷ lệ mắc bệnh lao đã tăng 3,9%. Thứ chín, trong số 10,6 triệu người mắc bệnh lao, chỉ có 7,5 triệu trường hợp được phát hiện. Thứ mười, Tiến bộ trong việc giảm gánh nặng bệnh lao đòi hỏi phải có nguồn tài chính đầy đủ và duy trì trong nhiều năm.
Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao (thống kê năm 2023), là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Trong đó, dịch tễ lao ở miền Nam nặng nề hơn miền Bắc và miền Trung.
Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số ca ước tính. Cụ thể trong năm 2023, nước ta phát hiện tổng cộng hơn 106.000 bệnh nhân lao.
Trong vài thập kỷ qua, dù có những nỗ lực toàn cầu để loại trừ, bệnh lao vẫn chiếm một gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong. Ngày thế giới phòng chống bệnh lao (24/3) năm nay với chủ đề: "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao" là cơ hội để đổi mới cam kết, truyền cảm hứng và hành động để chấm dứt bệnh lao.
WHO cho biết sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực tích cực nhằm phát hiện, điều trị dự phòng bệnh lao cho những người có nguy cơ cao, tăng cường khả năng tiếp cận chẩn đoán nhanh chóng, đảm bảo chất lượng với phác đồ điều trị ngắn gọn, an toàn đối với bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc.
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, được phân thành 2 loại theo vị trí giải phẫu, là lao phổi (bệnh lao tổn thương ở phổi - phế quản, bao gồm cả lao kê, chiếm 80-85% tổng số ca bệnh) và lao ngoài phổi (bệnh lao tổn thương ở các cơ quan như màng phổi, hạch, màng bụng, sinh dục tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim...).
HCDC cho biết, bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Chỉ khoảng 5-10% những người bị nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh lao trong đời. Triệu chứng của bệnh lao phổi bao gồm ho (đôi khi có đờm), hoặc ho ra máu, đau ngực, suy nhược, gầy sút, sốt và ra mồ hôi về đêm...
Những đối tượng có nguy cơ mắc lao: người nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây (đặc biệt là trẻ em); người mắc các bệnh mạn tính; người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào; người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư…