Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3

Hơn 100.000 người Việt mắc căn bệnh lâu đời nhất lịch sử mỗi năm

Minh Nhật

(Dân trí) - Mặc dù đã tồn tại hàng ngàn năm, được xem là căn bệnh lâu đời nhất lịch sử loài người, nhưng đến thời điểm hiện tại, bệnh lao vẫn là một thách thức với với nền y tế toàn cầu.

Gần 4000 người chết mỗi ngày vì bệnh lao

Hôm nay là Ngày Thế giới phòng chống lao. Quay ngược thời gian về ngày 24/3/1882, tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao. Tại thời điểm đó, bệnh lao đã phổ biến ở châu Âu và Mỹ. Theo thống kê, cứ 7 người lại có một người chết vì nó. Nhờ việc phát hiện ra nguyên nhân của lao đã có thể phát triển một liệu pháp chống lại bệnh. Từ đó, ngày 24/3 trở thành "Ngày Thế giới phòng chống lao", để nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh lao.

Hơn 100.000 người Việt mắc căn bệnh lâu đời nhất lịch sử mỗi năm - 1

TS. Kidong Park, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Theo TS. Kidong Park, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi ngày, gần 4000 người chết vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc căn bệnh này.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021 là "The clock is ticking - Đồng hồ đã điểm". Chủ đề này cũng như hồi chuông cảnh báo rằng, toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình nước rút của chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Hơn 100.000 người Việt mắc lao mỗi năm

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam năm 2020 có 170.000 ca mắc mới bệnh lao (báo cáo WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc. Gia đình các bệnh nhân phải đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Hơn 100.000 người Việt mắc căn bệnh lâu đời nhất lịch sử mỗi năm - 2

Cơ chế lây nhiễm của bệnh lao rất nguy hiểm vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Hơn 100.000 người Việt mắc căn bệnh lâu đời nhất lịch sử mỗi năm - 3

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

"Trên thực tế, những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, Chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người", PGS Nhung nhấn mạnh.

Cũng theo ông, hiện có 5 thách thức chính khiến bệnh lao vẫn còn tồn tại ở Việt Nam:

- Sự kì thị, mặc cảm của xã hội còn rất nặng nề, khiến người bệnh ngại đi khám.

- Kiến thức và ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, khi bị ốm lại tự ý mua thuốc tại quầy thay vì đến bệnh viện để thăm khám.

- Điều kiện tiếp cận y tế ở nhiều địa phương còn khó khăn.

- Sự hạn chế ở một số cơ sở y tế, khiến người bệnh đi khám nhưng không phát hiện được bệnh lao.

- Rào cản kinh tế.

Trước thực tế này, theo PGS Nhung, để có thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như Việt Nam đã cam kết, cần có những sự thay đổi mạnh mẽ từ phía người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường năng lực cho hệ thống y tế và dỡ bỏ rào cản kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ người bệnh.