10 bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy tử vong sau nhiễm Covid-19
(Dân trí) - Trong 5 tháng, có 104 trường hợp sau ghép thận được chẩn đoán nhiễm Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 10 bệnh nhân trong số này tử vong sau đó.
Tại hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy 2022, số liệu về tình hình bệnh nhân sau ghép tạng nhiễm Covid-19 của bệnh viện đã được các bác sĩ báo cáo.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu, Covid-19 là nguyên nhân gây bệnh và tử vong thường gặp ở bệnh nhân sau ghép thận. Thống kê cho thấy, có 104 trường hợp sau ghép thận được chẩn đoán nhiễm Covid-19 và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 10/7/2021 đến ngày 12/12/2021. Trong đó, có 99 bệnh nhân ghép thận từ người hiến thận sống và 5 ca ghép từ người hiến đã mất.
Có 53 bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 (chiếm 51%). Bệnh nhân thường đi kèm các bệnh như tim mạch và đái tháo đường. Thời điểm nhiễm Covid-19, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, tiêu chảy, mất mùi vị, đau đầu... 75 bệnh nhân nhiễm bệnh mức độ nhẹ, 13 ca mức độ trung bình và 16 trường hợp nặng. Có 10 bệnh nhân đã tử vong sau nhiễm Covid-19.
Nhóm bác sĩ nghiên cứu kết luận, bệnh nhân ghép thận nhiễm Covid-19 có tỷ lệ tử vong dường như không cao hơn so với tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Tỷ lệ tử vong cao được ghi nhận ở những người cần chăm sóc tích cực và những người đang thở máy.
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, từ tháng 12/1992 khi thực hiện thành công 2 ca ghép thận đầu tiên, đến nay bệnh viện đã ghép được trên 1.030 trường hợp. Trong đó, chủ yếu là ghép thận từ người hiến thận sống (hơn 94%) có quan hệ huyết thống, tỷ lệ ghép từ người hiến chết còn thấp.
Chỉ có một trường ghép thận bất tương hợp nhóm máu ABO được thực hiện vào tháng 1/2022. Đây cũng là trường hợp ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam. Còn lại tất cả các trường hợp khác người hiến và nhận đều có cùng nhóm máu, hoặc khác nhóm máu nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc truyền máu. Có hơn 7% bệnh nhân bị thải ghép cấp, gần 6% bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau ghép thận.
Về kết quả sống còn, bệnh nhân được ghép thận từ người hiến còn sống ở thời điểm một năm lên đến hơn 98%. Bệnh nhân sống đến 5 năm và 10 năm lần lượt là gần 88% và hơn 74%. Với nhóm nhận thận ghép từ người chết hiến, tỷ lệ sống còn từ 1 năm, 5 năm đến 10 năm lần lượt là hơn 92,5%; 76% và 28,5%. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân đã có gia đình, sinh con đẻ cái sau ghép thận. Đến nay, có khoảng 300 cháu là con các trường hợp ghép thận được sinh ra.
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm nhận định, sau 30 năm, ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã đi vào thường quy và kết quả đạt được tương đương các trung tâm lớn trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nguồn thận ghép vẫn chủ yếu từ người hiến thận sống, cần phát triển mạnh hơn về nguồn thận từ người hiến chết não nhằm đáp ứng nhu cầu, theo kịp xu thế và phát triển ngành ghép thận tại Việt Nam.