1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

1 con heo bị tiêm đến 2 loại thuốc an thần!

Tiêu hủy heo dính thuốc an thần không chỉ dựa vào căn cứ pháp lý mà còn dựa vào tình hình thực tế.

“Năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM chỉ phát hiện năm trường hợp tiêm thuốc an thần cho heo. Qua năm 2016, con số đó tăng lên 10 vụ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Thú y TP.HCM tiếp tục phát hiện bốn trường hợp tiêm thuốc an thần cho heo.

Thực trạng lạm dụng việc tiêm thuốc an thần cho heo ngày càng tăng, thương lái cũng đã nhờn pháp luật. Do vậy, TP.HCM kiên quyết tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần là việc làm cần thiết”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 8-10, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, đưa ra nhận định trên.

Quy định cho giết mổ nhưng thực tế buộc phải hủy

Trước đây, căn cứ nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần thì Chi cục Thú y TP.HCM phạt tiền. Bên cạnh đó, heo sẽ được giữ lại theo dõi cho đến khi thải hết tồn dư thuốc an thần thì được phép giết mổ rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Do việc xử lý hành vi tiêm thuốc an thần cho heo quá nhẹ nên thương lái không tởn và tiếp tục hành vi trên với quy mô càng lớn, tính chất vụ việc phức tạp hơn. Đỉnh điểm là đêm 28/9, cơ quan chức năng phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần Combistress ngay tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Cũng theo cách xử phạt như trước, đại diện Chi cục Thú y TP.HCM cho biết sẽ phạt mỗi thương lái có heo dính thuốc an thần từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng. Mức phạt trên dựa vào khoản 10 điều 20 của Nghị định 90/2017. Bên cạnh đó, căn cứ điểm d khoản 13 điều 20 cũng của nghị định trên, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết 3.750 con heo dính thuốc an thần sẽ được giữ lại để tiếp tục theo dõi. Đến khi xét nghiệm không còn tồn dư thuốc an thần thì cho phép giết mổ.

Heo ngấm thuốc an thần nằm sắp lớp trong cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: TRẦN NGỌC
Heo ngấm thuốc an thần nằm sắp lớp trong cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tuy nhiên, ngày 2/10, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo Sở NN&PTNT TP khẩn trương tiêu hủy toàn bộ heo xác định bị tiêm thuốc an thần. Lý do ban quản lý đưa ra là không đảm bảo ATTP do nguy cơ tồn dư thuốc an thần trong heo và nguy cơ bùng phát bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.

Nhận định đề xuất của Ban quản lý ATTP TP.HCM là có cơ sở, UBND TP.HCM yêu cầu Sở NN&PTNT TP khẩn trương tiêu hủy 3.750 con heo dính thuốc an thần ngay trong ngày.

Thương lái né luật

Trước đây thương lái thường sử dụng thuốc an thần Acepromazine để tiêm cho heo. Do thuốc này tồn dư trong heo độ 7 ngày nên thời gian tạm giữ chờ thuốc đào thải ra ngoài kéo dài khiến heo mất sức, giảm cân nhiều, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Do biết quy định cho phép heo đào thải hết thuốc an thần thì được phép giết mổ nên hiện nay thương lái chuyển qua sử dụng thuốc an thần Combistress. Do tồn dư thuốc an thần Combistress trong heo chỉ 1 ngày nên heo không bị mất sức, không giảm cân nhiều, thiệt hại không đáng kể.

Ông HUỲNH TẤN PHÁT,

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Sẽ quy định tiêu hủy heo tiêm thuốc an thần

Trong quá trình tiêu hủy heo chứa tồn dư thuốc an thần, một số thương lái phản ứng và thuê nhiều người đến cơ sở giết mổ Xuyên Á gây áp lực với cơ quan chức năng. Không ít đối tượng thắc mắc Nghị định 90/2017 cho phép heo được giết mổ sau khi đã đào thải hết thuốc an thần thì tại sao UBND TP.HCM lại tiêu hủy toàn bộ.

“Sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện heo sống trước khi đưa vào cơ sở giết mổ Xuyên Á đã bị tiêm thuốc an thần Acepromazine. Thuốc này có thể tồn dư trong heo 5-7 ngày. Sau khi heo được đưa vô chuồng tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, thương lái tiếp tục tiêm heo bằng thuốc an thần khác. Thuốc này có tên Combistress và thời gian tồn dư trong heo độ một ngày. Trước khi giết mổ, heo được phun nước để tỉnh táo nhằm qua mặt cơ quan thú y” - ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, trong thời gian tạm giữ 3.750 heo dính thuốc an thần, dịch bệnh lở mồm long móng đã bùng phát ngay tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT cũng thống nhất với quan điểm của TP.HCM là tiêu hủy toàn bộ số heo này. “Chúng tôi đã giải thích rõ ràng cho 13 thương lái có heo tiêm thuốc an thần và họ đã thừa nhận hành vi sai phạm, đồng thời làm giấy tự nguyện tiêu hủy heo. Sau vụ việc này, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ xem xét và quy định tiêu hủy heo tiêm thuốc an thần thay vì giữ lại chờ đào thải hết rồi cho giết mổ như quy định hiện nay” - ông Dũng cho biết.

Không ai dám đảm bảo heo một khi bị tiêm thuốc an thần thì thịt sẽ an toàn cho người sử dụng. Do vậy, tiêu hủy heo tiêm thuốc an thần là biện pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời răn đe những thương lái heo làm ăn bất chính, thu lợi nhuận trên sinh mạng người khác.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói: “Đã thành lập Ban quản lý ATTP TP rồi mà sao để xảy ra vụ việc bơm thuốc an thần cho heo tại cơ sở giết mổ?”. Mặc dù quản lý cơ sở giết mổ Xuyên Á thuộc thẩm quyền của Sở NN&PTNT TP.HCM nhưng vụ việc 3.750 con heo xác định tiêm thuốc an thần thực sự là cú sốc đối với các cơ quan chức năng.

Sau vụ này, Ban quản lý ATTP TP.HCM kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm ATTP trên địa bàn TP để răn đe những đối tượng sai phạm. Đồng thời đảm bảo cho dân được sử dụng thực phẩm an toàn.

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN,

Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM