1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xe Thái chiếm áp đảo, nỗi lo độc quyền xe nhập

(Dân trí) - Trong tổng số hơn 4.217 chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 3 tháng qua, ô tô không thuế xuất xứ từ Thái Lan vào khoảng 3.400 chiếc, chiếm hơn 82% tổng lượng xe về Việt Nam.

Lượng xe nhập giảm 84%, xe Mỹ, EU, Nhật dần mất hút

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2018, lượng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc giảm 84% so với cùng kỳ năm 2017, với mức giảm hơn 22.100 chiếc.

Xe Thái xếp hàng dài chờ làm thủ tục nhập vào Việt Nam
Xe Thái xếp hàng dài chờ làm thủ tục nhập vào Việt Nam

Điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp về chính sách nhập xe ngày một rõ nét và phần lớn tác động trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, nếu so với quý IV năm 2017, thì lượng xe nhập về Việt Nam trong quý I/2018 cũng giảm mạnh, vào khoảng 83%, tương đương giảm 25.800 chiếc.

Theo số liệu cụ thể của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý I/2018, lượng xe nhập khẩu của các thành viên trực thuộc, nắm giữ thị phần lớn như Toyota, Honda, Ford, Trường Hải, Mitsubishi, Nissan hay Suzuki... cũng đã giảm 48% về lượng.

Việc xe nhập khẩu giảm mạnh đã ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường lẫn tâm lý người tiêu dùng. Hiện giá xe nhập tại các đại lý đều đứng giá, thậm chí một số dòng xe khan hàng, có xu hướng tăng giá bán. Trong khi đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước lại cầm chừng, nhiều loại xe có xu thế giữ giá.

Trong bối cảnh nhu cầu mua xe cao mà lượng cung xe nhập bị thiếu hụt, nên các doanh nghiệp lắp ráp trong nước đã tận dụng thời cơ này để "lấp chỗ trống". Vì thế trong tháng 3/2018, doanh số bán ra một số dòng xe lắp ráp trong nước đã bằng cả 3 tháng cộng lại.

Một điểm đáng chú ý nữa là lượng xe sang nhập từ các nước phát triển vẫn đóng băng. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2018 rất ít xe hơi dưới 9 chỗ ngồi của Đức, Nhật, Mỹ và Anh được nhập về Việt Nam.

Cụ thể 3 tháng qua, xe hơi xuất xứ từ Anh về Việt Nam chỉ có 10 chiếc, xe Đức là 8 chiếc, xe Hàn 43 chiếc, xe Mỹ là 39 chiếc và xe Nhật là 39 chiếc. Trong đó, lượng xe nhập từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật nói trên còn có cả xe trên 9 chỗ ngồi, xe khách và xe chuyên dùng, chỉ có số ít là xe con dưới 9 chỗ ngồi.

Xe "không thuế" từ Thái chiếm 80% "khuynh đảo" thị trường Việt Nam?

Thực tế, hiện xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam được nói đến nhiều nhất, các loại xe về Việt Nam bây giờ đều phải “qua tay” các liên doanh lớn ở Việt Nam như Honda, Ford, Mitsubishi, Suzuki, Toyota... Các doanh nghiệp khác như Trường Hải - Thaco ngày càng chú trọng nội địa hoá các dòng xe của Kia và Mazda. Phần xe nhập BMW và Peugoet chủ yếu từ Đức và Pháp hoặc được lắp ráp trong nước.

Xe Hyundai do Thành Công phân phối cũng chủ yếu được lắp ráp trong nước thay các mẫu xe rẻ được nhập từ Ấn Độ trước đây hoặc xe tầm trung được nhập từ Hàn.

Về sự đa dạng trong xuất xứ nhập xe, nếu trước đây thị trường có đủ loại xe từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Đức, Nhật, Pháp, Nga, Anh, Mỹ... thì gần đây cùng với xu hướng thắt chặt nhập khẩu, các liên doanh cũng chuyển hẳn sang nhập xe Thái, các thị trường khác đều giảm hoặc ngừng nhập xe vì nhiều nguyên nhân. Điều này khiến nguy cơ xe nhập Thái "khuynh đảo" thị trường ở Việt Nam.

Thế nhưng, việc thị trường xe nhập khẩu phụ thuộc vào một hay hai thị trường có tiêu cực? Các chuyên gia kinh tế đánh giá có độ rủi ro cao và nguy cơ xe Thái độc quyền về giá và ôm hết các phân khúc xe, sẽ rất nguy hiểm cho thị trường. Bài học xương máu là các liên doanh xe hơi của Úc mới bị xe không thuế của Thái Lan, Trung Quốc đánh sập.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, việc ban hành hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan để thu hẹp thị trường chỉ có tính chất ngắn hạn và rủi ro Việt Nam bị trả đũa rất cao, nhất là trong thời buổi chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Cách làm khôn ngoan là phải dùng chính sách để định hướng, phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh và nhanh chóng cởi bỏ hàng rào.

Nguyễn Tuyền

Xe Thái chiếm áp đảo, nỗi lo độc quyền xe nhập - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm