Xe Thái, Indonesia tràn về: Tháng 5 bùng nổ, ô tô giảm giá trăm triệu
Sang tháng 5 và 6/2018, hàng chục mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia sẽ tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Thị trường ô tô sẽ rất sôi động, cạnh tranh quyết liệt và khách hàng có thêm nhiều lựa chọn mới.
Giải tỏa cơn khát thiếu xe nhập
Toyota Việt Nam cho biết sẽ nhập tới 7 mẫu xe cùng lúc, bao gồm Fortuner, Yaris, Hilux, Hiace, Wigo, Rush và Avanza. Trong đó, có 3 mẫu xe mới cỡ nhỏ là Wigo, Rush và Avanza. Wigo là xe cỡ nhỏ, thuộc phân khúc hạng A, cạnh tranh với các đối thủ Kia Morning và Hyundai i10, giá bán từ 300-400 triệu đồng. Trong khi mẫu Rush là SUV cỡ nhỏ và Avanza là xe MPV cỡ nhỏ, thuộc phân khúc hạng B.
GM Việt Nam thì đưa về mẫu SUV 7 chỗ Trailblazer. Hiện một số đại lý đã nhận đặt cọc mẫu xe này với mức giá dưới 1 tỷ đồng. Chevrolet Trailblazer được khách hàng Việt Nam rất quan tâm, sẽ là đối thủ cạnh tranh với Fortuner của Toyota. Cùng với đó là mẫu Colorado thuộc phân khúc bán tải.
Mitsubishi Việt Nam sẽ đưa mẫu MPV Xpander về nước. Xe sản xuất tại Indonesia, có 4 phiên bản sử dụng động cơ 1.5L, công suất 104 mã lực, giá bán tương đương 321-427 triệu đồng.
Trong khi đó, Ford Việt Nam sẽ đưa về các mẫu Pick up Ranger, còn Suzuki có mẫu Celerio 2018. Cùng với 4 mẫu xe của Honda Việt Nam là CR-V, Civic, Jazz, Accord,... thị trường ô tô sẽ về nhiều và đa chủng loại, thuộc mọi phân khúc.
Theo các DN, làm xong thủ tục, chậm nhất tới đầu tháng 7 các mẫu xe này sẽ được bày bán tại các đại lý trên toàn quốc. Nhiều mẫu sẽ về với số lượng lớn để giảm chi phí và thời gian do phải thử nghiệm theo lô. Thị trường ô tô sẽ giải tỏa cơn khát thiếu xe nhập khẩu . Giá xe sẽ rất cạnh tranh.
Xe nội lo đối phó
Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, Hyundai Thành Công cho biết sẽ ra mắt mẫu Accent vào giữa tháng 4/2018. Đây là mẫu xe thuộc phân khúc hạng B được lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình và có giá bán rất cạnh tranh.
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, chuẩn bị cho cạnh tranh với xe nhập khẩu thuế 0% từ ASAEN, công ty đã đề nghị các đối tác, nhà cung cấp bộ linh kiện từ nước ngoài cùng chia sẻ để có được mức giá hợp lý hơn và hướng đến sự phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, phải sắp xếp lại sản xuất, tối ưu mọi hoạt động và gia tăng sản lượng. Có như vậy, mới có giá bán hợp lý nhất.
Nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đang được các DN đẩy mạnh giảm giá, tăng khuyến mãi, tăng chất lượng dịch vụ sau bán hàng để cạnh tranh.
GM Việt Nam cũng vừa công bố giá bán ô tô trong tháng 4/2018. Một số mẫu ô tô lắp ráp trong nước có mức giảm so với giá công bố lên tới 60 triệu đồng.
Cụ thể, mẫu sedan hạng B Chervolet Aveo bản 1.4 MT giảm 60 triệu đồng; mẫu xe cỡ nhỏ Spark LS giảm 15-30 triệu đồng; mẫu sedan hạng C lắp ráp trong nước Chevrolet Cruze giảm 30 triệu đồng; mẫu Captiva giảm 20 triệu đồng.
Thời gian tới, giá xe dự báo sẽ rất cạnh tranh
Tại một số đại lý của Toyota Việt Nam, mẫu Vios giảm giá từ 10-30 triệu đồng. Cụ thể, bản 1.5E giảm tới 30 triệu đồng so với tháng 3, còn khoảng 483 triệu đồng. Hai phiên bản Vios 1.5G (CVT) và 1.5G TRD (CVT) giảm 10 triệu đồng, giá mới lần lượt là 537 triệu đồng và 569 triệu đồng.
Với mẫu Innova, Toyota có chương trình tặng gói bảo hiểm thân vỏ Toyota 1 năm hoặc gói phụ kiện với giá trị 15 triệu đồng cho khách hàng mua 3 phiên bản V, G và Venturer từ 1/4-31/5. Ngoài ra, các mẫu xe này cũng được đại lý giảm thêm 10-20 triệu đồng nữa.
Những mẫu xe nội tăng giá thời điểm này dự báo sẽ nhanh chóng giảm giá khi xe nhập tràn vào, nếu không sẽ khó giữ được doanh số bán và thị phần.
Trong khi đó, hơn một tuần qua, nhiều địa phương và các Bộ, ngành lại kiến nghị các chính sách ưu đãi cho sản xuất xe ô tô trong nước.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước dùng để sản xuất và lắp ráp ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống.
Đầu tháng 4, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam có văn bản gửi liên Bộ Tài chính - Công Thương đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Ngoài ra là miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô đầu tư tại Việt Nam.
Là địa bàn của nhiều hãng xe lớn như Toyota, Honda, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, lượng ô tô sản xuất năm 2017 trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm 20% so với năm 2016, dự báo năm 2018 còn khó khăn hơn do xe nhập khẩu hưởng thuế 0% tràn vào. Do đó, UBND tỉnh này kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi để ô tô trong nước phát triển sản xuất.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, nếu đề nghị miễn thuế TTĐB cho phần linh kiện sản xuất trong nước và thuế nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất linh kiện được chấp thuận, giá xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm. Khi đó, xe nội có lợi thế cạnh tranh với xe nhập ngoại, kéo giá ô tô trên thị trường giảm.
Theo Trần Thủy
VietnamNet