1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Doanh nghiệp nữ và kinh tế số hóa":

Cơ hội mới cho nữ doanh nhân Việt Nam

(Dân trí) - Hôm qua (8/12), Diễn đàn APEC về "Doanh nghiệp nữ và kinh tế số hóa" đã diễn ra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hầu hết các diễn giả, người tham dự đều là phái nữ - những nữ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số hóa thời CNTT.

VCCI phối hợp với Trung tâm mạng lưới thông tin của phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương (APWINC), Trung tâm kinh doanh điện tử của phụ nữ APEC, Đại học Phụ nữ Sookmyung - Hàn Quốc tổ chức diễn đàn này với mục đích là khuyến khích, đào tạo kinh doanh điện tử cho doanh nhân nữ Việt Nam.

Theo đánh giá của bà TS.Kio Chung Kim - Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT doanh nhân nữ của Hàn Quốc, người giữ vai trò chủ tọa diễn đàn doanh nhân nữ thời kỹ thuật số cho biết: "Hầu hết người tham dự hôm nay đều là những doanh nhân nữ đã có nhiều thành công trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào kinh doanh, họ tụ họp về đây để cùng góp kinh nghiệm xây dựng một doanh nghiệp số hóa thành công tại Việt Nam".

Bà cho biết: nền kinh tế số hóa đã và sẽ đem lại rất nhiều tiềm năng cho phụ nữ trong hoạt động đào tạo cũng như thu thập các thông tin trong quá trình sản xuất kinh doanh. Không kể riêng ở Việt Nam, phụ nữ trên thế giới dù ở cương vị nào thì vẫn bị xếp thấp hơn so với nam giới. Thương mại điện tử sẽ giúp các nữ doanh nhân có một vị trí bình đẳng hơn trên thương trường.

Nữ TS. Lorna Wringht - Giám đốc Chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế đã nghiên cứu và có một số tổng kết thú vị về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của những “bà chủ” Việt. Việt Nam có tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở lĩnh vực chế tác so với lĩnh vực dịch vụ cao hơn hẳn các nước trong khu vực.

Có lẽ vì vậy mà tỉ lệ doanh nghiệp của Việt Nam có sử dụng Internet, có Website, có hoạt động mua bán trên mạng rất thấp: chỉ 1 - 2%. Nhưng tiềm năng của các doanh nhân nữ Việt Nam rất lớn. Thậm chí tỉ lệ họ khai thác, sử dụng mạng còn tốt hơn nam giới.

Còn theo TS. Phạm Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch VCCI, ở Việt Nam hiện tại đã có khoảng 24 % số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về doanh nghiệp nữ. Mặc dù bà và các đông nghiệp đã rất cố gắng trong việc thu thập các tài liệu nhưng những con số thống kê cũng chỉ là của năm 2000, 2002.

Còn theo số đông các nữ doanh nhân tham gia diễn đàn thì khó khăn của họ khi tham gia thương mại điện tử là: hiểu biết về thương mại điện tử của chủ doanh nghiệp còn hạn chế; khó khăn về nguồn nhân lực, hệ thống thanh toán trực tuyến; các vấn đề về hạ tầng mạng, bảo mật; luật pháp… hơn nữa lại chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia thương mại điện tử.

Các nữ doanh nhân cũng hi vọng thông qua diễn đàn này sẽ có các chương trình đào tạo thương mại điện tử phù hợp với doanh nghiệp của họ cũng như việc nên đưa các yếu tố giới vào chương trình khảo sát, nghiên cứu, thống kê kế hoạch hỗ trợ phát triển…

Phương Thảo - Nguyễn Hiền