1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Khi Ngân hàng Nhà nước trở thành cổ đông

NHNN đã góp mặt vào Banknetvn, CIC, rồi đang “quản lý hộ” vốn nhà nước của Vietcombank, Vietinbank, với lý do đó là các trường hợp đặc thù, nhạy cảm.

Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) trong quí 2 đã tiếp nhận 31,5 tỉ đồng vốn góp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và theo đó NHNN chính thức trở thành cổ đông thứ 9 và cũng là cổ đông lớn nhất của Banknetvn với 25% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó cục trưởng Cục Công nghệ tin học, NHNN, đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn.

Sự tham gia của NHNN trong quản trị điều hành được giải thích là “giúp Banknetvn có những chiến lược, bước đi phù hợp. Đồng thời, sẽ giúp cho các đường hướng chỉ đạo của Chính phủ cũng như của NHNN trong lĩnh vực này được triển khai thông suốt và nhanh chóng hơn trong quá trình đưa Banknetvn trở thành Trung tâm Chuyển mạch Thẻ thống nhất của Việt Nam”, theo website của Banknetvn.

Tồn tại song song trên thị trường cùng với hai liên minh thẻ khác là Smartlink và VNBC, song Banknetvn có lợi thế hơn hẳn nếu khai thác các dịch vụ mới cũng như xin phép cơ quan quản lý nhà nước (là NHNN) về các dịch vụ trong lĩnh vực thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, chuyển mạch.

Banknetvn cũng là thành viên của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng nên dễ hơn trong việc thanh toán bù trừ các giao dịch thanh toán thẻ giữa các ngân hàng và cung cấp dịch vụ này… vì có cơ quan quản lý thị trường là cổ đông của mình.

Và trên thị trường cung cấp thông tin tín dụng, một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của ngành ngân hàng, NHNN cũng có “con” của mình thống lĩnh, là Trung tâm Thông tin tín dụng CIC.

CIC, với lợi thế là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin tín dụng, hiện đang gần như độc quyền trong lĩnh vực cung cấp thông tin tín dụng về các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam với doanh thu không nhỏ, khoảng 40 tỉ đồng/năm. Trong khi theo quy định, CIC cũng chính là cơ quan cấp phép và quản lý thị trường thông tin tín dụng.

Thậm chí, việc này còn được bật đèn xanh và cụ thể hóa trong Luật NHNN (sửa đổi, 2010), tại điều 4, NHNN được “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; được sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Luật NHNN, vốn được mong mỏi sửa đổi đã lâu vì còn nhiều rào cản nay với luật sửa đổi dường như “hàng rào” được dựng cao thêm. Tiếng gọi thị trường chưa được hồi đáp.

NHNN đã góp mặt vào Banknetvn, CIC, rồi đang “quản lý hộ” vốn nhà nước của Vietcombank, Vietinbank, với lý do đó là các trường hợp đặc thù, nhạy cảm.

Trong trường hợp Nhà nước cần tham gia vào các đơn vị trên, nếu thật sự nó hội đủ các tiêu chí đánh giá là nhạy cảm và đặc thù, thì nên giao phần vốn đó cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý thay vì một cơ quan ngang bộ như NHNN. Phải chăng, NHNN đang đang quay về với cơ chế cơ quan chủ quản?

Theo Trường Nam
Thời báo Kinh tế Sài Gòn