1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau Brexit, Anh muốn lập căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á

(Dân trí) - Anh sẽ mở 2 căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á và Caribe để tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài sau khi nước này khi rời Liên minh châu Âu (Brexit), Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson tiết lộ.


Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson (Ảnh: AAP)

Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson (Ảnh: AAP)

Bộ trưởng Quốc phòng Williamson đã kêu gọi người Anh ngừng giảm nhẹ ảnh hưởng của nước này trên thế giới và nhận ra rằng Anh sẽ gia tăng vị thế trên trường thế giới sau khi rời Liên minh châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Telegraph tại trụ sở Bộ Quốc phòng Anh được đăng tải ngày 30/12, ông Williamson nói: “Chúng ta phải lạc quan hơn rất nhiều về tương lai đất nước sau khi rời EU”.

“Đây là thời khắc lớn nhất của đất nước kể từ cuối Thế chiến II, khi chúng ta có thể đổi mới mình theo một cách khác, chúng ta có thể thực sự đóng vai trò trên trường quốc tế mà thế giới kỳ vọng chúng ta nắm giữ”.

“Quá lâu rồi, đúng là hàng thập niên, rất nhiều quan điểm của đất nước chúng ta đã bị phủ bóng bởi cuộc thảo luận về Liên minh châu Âu. Đây là thời khắc của chúng ta để trở thành nhân vật toàn cầu một lần nữa - và tôi cho rằng quân đội sẽ đóng một phần rất quan trọng trong đó”, ông nhấn mạnh.

Các kế hoạch trên nằm trong một nỗ lực nhằm đưa Anh trở thành nước đóng vai trò lớn hơn trên thế giới bằng việc gia tăng vai trò của Anh trên trường quốc tế sau Brexit. Theo ông Williamson, Anh sẽ thay đổi chiến lược có tên gọi “Đông Suez” năm 1968, vốn dẫn tới việc Anh rút khỏi các căn cứ quân sự tại Malaysia, Singapore, Vịnh Ba tư và Maldives.

Căn cứ mới tại Singapore hoặc Brunei

Bộ trưởng Williamson nói Anh đang thực hiện các kế hoạch nhằm thiết lập 2 căn cứ quân sự mới tại Caribe và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để London có thể thúc đẩy ảnh hưởng quân sự sau Brexit.

Hiện Anh đang duy trì 15 căn cứ quân sự hoạt động lâu dài, trong đó có tại đảo Síp, Gibraltar, quần đảo Falkland và Diego Garcia tại Ấn Độ Dương.

Ông Williamson từ chối tiết lộ các vị trí căn cứ quân sự tiềm tàng mới, nhưng một nguồn tin thân cận với ông cho hay các căn cứ mới có thể được đặt tại Singapore hoặc Brunei ở Biển Đông, hoặc Montserrat hoặc Guyana tại Caribe trong vòng 2 năm tới.

Các căn cứ sẽ có các nhân viên dịch vụ và bảo dưỡng, các tàu tiếp tế và thiết bị đóng tại đó.


Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh (Ảnh: Evening Standard)

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh (Ảnh: Evening Standard)

Trong năm qua, ông Williamson đã cố gắng đảm bảo rằng các tài sản quân sự của Anh được triển khai hiện hữu khắp thế giới như một minh chứng cho sức mạnh quân sự của Anh.

“Lần đầu tiên trong một thế hệ, Giáng sinh này chúng ta có 2 tàu hoạt động ở Thái Bình Dương rất xa nhà. Chúng ta là nhà đầu tư lớn thứ hai vào khu vực đó. Nếu các lợi ích kinh tế của chúng ta tại đó, chúng ta cũng nên có lợi ích quân sự tại đó”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng khẳng định rằng việc rời EU sẽ giúp Anh thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Australia, Canada, New Zealand, các quốc gia Caribe và châu Phi. Ông dự đoán rằng các nước này muốn Anh đóng “vai trò lãnh đạo về đạo đức, quân sự và toàn cầu”.

Ông Williamson, 42 tuổi, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Anh từ tháng 11/2017, tiết lộ thêm, Hải quân Anh dự kiến sẽ bắt đầu nhận bàn giao các tàu tuần tra bổ sung, có nhiệm vụ bảo vệ đánh bắt và chống buôn lậu ma túy - từ đầu năm tới, từ 3-8 tàu.

Với việc chỉ còn 90 ngày nữa là Anh chính thức rời EU, Bộ trưởng Quốc phòngWilliamson cũng nhấn mạnh đây là lúc người dân Anh cần có tư tưởng lạc quan hơn về tương lai của đất nước bên ngoài EU.

Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu (Brexit) trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016 và theo kế hoạch Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019. Vào đầu tháng 1 tới, Quốc hội Anh sẽ đưa ra bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May và giới chức EU đạt được hồi tháng trước.

An Bình

Theo Telegarph