Không khí ô nhiễm, phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu
(Dân trí) - Đứng trước hiểm họa từ biến đổi khí hậu và các tác động từ ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển các khu đô thị xanh, các công trình xanh. Theo nhiều chuyên gia, trong tương lai gần, đây cũng là xu hướng phát triển đô thị ở Việt Nam.
Đô thị xanh là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, nếu không phát triển các đô thị xanh, môi trường sẽ bị hủy hoại và con người chính là nạn nhân phải chịu thiệt hại nặng nhất.
Vì sao phải phát triển đô thị xanh?
Các chuyên giá đánh giá, việc xây dựng đô thị xanh sẽ làm hạn chế các tác động xấu của môi trường, ngăn chặn các thiên tai và hạn chế các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tất cả các ưu điểm này đều là để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người.
Có thể nói, đô thị xanh chính là hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng giữa môi trường sống với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Hải, thành viên Ban Tư vấn - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một đô thị gọi là xanh thì cần có nhiều khu đô thị xanh, muốn có đô thị xanh thì phải cần nhiều công trình xanh.
Tuy nhiên, theo ông Hải các đô thị xanh không phải chỉ trồng cây là đủ mà phải có nhiều tiêu chí khác đi kèm. Đơn cử, một đô thị xanh phải có tỷ lệ cây xanh phải vượt trội so với dân số, ngoài ra diện tích mặt nước sông hồ, công viên, vườn hoa trong đô thị cũng phải có tỷ lệ rất cao.
Các đô thị xanh phải đảm bảo các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ thống đường sá, bãi đỗ xe, giao thông, ngành nghiệp tái chế... Ngoài ra, phải có hệ thống trường học, nhà trẻ, bệnh viện, nhà hát các phương tiện vui chơi giải trí để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
“Trong trường hợp, đường xá luôn ùn tắc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, chất thải rắn không được xử lý triệt để thì không thể gọi là đô thị xanh”, ông Nguyễn Xuân Hải nhìn nhận.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hải, một quốc gia không xây dựng đô thị xanh, chắc chắn không thể phát triển bền vững .
Bởi vì, nếu không phát triển đô thị xanh, đồng nghĩa với việc người dân sống chung với ô nhiễm, sức khỏe theo thời gian sẽ suy kiệt. Thậm chí, ngành du lịch cũng khó bứt phá.
Thế nào được coi là một đô thị xanh?
Tại Việt Nam, hiện nay, chưa có một định nghĩa cụ thể về đô thị xanh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã sớm đưa ra các tiêu chí để phát triển đô thị xanh.
Trong đó, các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra 7 tiêu chí để đánh giá một đô thị có xanh hay không.
Cụ thể, tiêu chí đầu tiên yêu cầu không gian phải có mật độ cây xanh trên đầu người phải cao, không gian công cộng, công viên, mặt nước phải được đảm bảo.
Trồng thật nhiều cây không chỉ giúp điều hòa không khí, giúp môi trường trở lên trong lành, sạch sẽ hơn mà nó còn tạo thẩm mỹ cho đô thị.
Thứ hai, là các công trình xanh bắt buộc phải xanh hóa công trình. Tức là, các công trình này phải sử dụng các nguyên vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Thứ ba là phải nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân. Từ đó sẽ giảm lượng khí thải độc, giảm khí CO2 ra môi trường.
Hà Lan là một trong những quốc gia mà người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường. Đa phần người Hà Lan sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày. Hà Lan cũng được mệnh danh là “thiên đường” của xe đạp. Việc sử dụng xe đạp thường xuyên đã giúp giảm tác động từ khí thải độc, giảm khí CO2 ra môi trường và giúp Hà Lan cải thiện đáng kể chất lượng không khí.
Thứ tư, các đô thị xanh phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp xanh. Trong đó, có các ngành công nghệ cao, công nghệ xử lý chất thải, môi trường sạch, hạn chế ô nhiễm. Đặc biệt, phải ưu tiên cho ngành công nghiệp tái chế, đưa ra các sản phẩm có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh.
Thứ năm, chất lượng môi trường trong đô thị xanh phải sạch, giảm rác thải, khói bụi ra môi trường. Thậm chí, một số nước châu Âu còn đưa ra tiêu chuẩn về tiếng ồn, không được phép bấm còi ing ỏi trong đô thị.
Tiêu chí thứ 6 là phải bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các di tích, văn hóa - lịch sử.
Tiêu chí cuối cùng là cộng đồng dân cư phải thân thiện với môi trường. Con người phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Hải, thành viên cố vấn của Tổng Cục Xây dựng nhận định, con người chính là tác nhân cản trở tới sự phát triển của đô thị xanh.
“Nếu con người có tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận mà quên đi lợi ích của thế hệ sau sẽ không bao giờ phát triển đô thị xanh được”, ông Hải nói
"Việt Nam có khu đô thị xanh nhưng đô thị xanh thì chưa"
Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, tại Việt Nam, rất ít đô thị đáp ứng được 7 tiêu chí để trở thành đô thị xanh. “Việt Nam mình thì có công trình xanh, có khu đô thị xanh nhưng đô thị xanh thì chưa”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải đánh giá, trong tương lai rất gần, Việt Nam sẽ có các đô thị xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vì, phát triển đô thị xanh là xu hướng tất yếu.
“Theo tôi được biết, Việt Nam đang nghiên cứu rất kỹ để đưa ra các tiêu chuẩn về đô thị xanh và sẽ sớm công bố trong tương lai. Mặc dù vậy, để triển khai được đô thị xanh vẫn phải có điều kiện là nền kinh tế phải vững chắc và mọi người dân phải cùng tham gia từ việc làm nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, có ý thức bảo vệ môi trường”, ông Hải nói.
Việt Vũ