U22 Việt Nam trước trận chung kết với U22 Indonesia: Lấy nhu thắng cương

(Dân trí) - U22 Indonesia sở hữu lối chơi nhanh, mạnh và tốc độ. U22 Việt Nam đương nhiên không thể chạy theo lối chơi ấy. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chiến thắng bởi chiến thuật “lấy nhu thắng cương”.

U22 Indonesia, với nòng cốt là đội bóng từng lên ngôi vô địch giải U22 Đông Nam Á, cho thấy họ xứng đáng góp mặt trong trận chung kết. Nếu không kể thất bại trước U22 Việt Nam ở vòng bảng, đội bóng xứ Vạn đảo đã trải qua hành trình hoàn hảo.

U22 Việt Nam trước trận chung kết với U22 Indonesia: Lấy nhu thắng cương - 1

U22 Indonesia rất mạnh với lối chơi tấn công cánh

Họ là đội bóng duy nhất hạ gục được U22 Thái Lan và khiến đội bóng này bị loại khỏi SEA Games ngay từ vòng bảng. Ở vòng bán kết, U22 Indonesia tiếp tục vượt qua chướng ngại vật khác là U22 Myanmar (đội bóng đứng đầu bảng A).

Điều đáng nói, hai trận đấu này đã khiến U22 Indonesia bộc lộ những gì tốt nhất của mình. Trong khi đó, ở trận đấu với U22 Việt Nam, đội bóng xứ Vạn đảo lại tỏ ra sai lầm khi lui về phòng ngự và đánh mất thế trận. Đó sẽ là bài học lớn với U22 Indonesia trong trận chung kết SEA Games.

Có thể thấy, điểm mạnh lớn nhất của U22 Indonesia nằm ở yếu tố tốc độ và sức mạnh. Bởi lẽ đó, hầu như đội bóng này chủ trương đưa bóng sang hai cánh, để cho những cầu thủ có tốc độ như Saddil Ramdani, Osvaldo Haay “làm khổ” hàng thủ đối phương. Rồi bất ngờ, những cầu thủ ở dưới như Evan Dimas hay Egy Vikri bất ngờ xâm nhập vòng cấm, tạo nên biến hóa khôn lường.

Ở hiệp 1 trận bán kết, U22 Myanmar đã ngăn chặn khá tốt lối chơi này của U22 Indonesia. Thế nhưng, sang hiệp 2, họ đã bị tan nát bởi cái tên Saddil Ramdani. Cầu thủ này liên tục xuất hiện ở cả hai cánh (ở hiệp 2 đá cánh phải nhiều hơn) và có những cú căng ngang rất khó chịu.

Đặc biệt, Saddil Ramdani chỉ đá thuần cánh. Có nghĩa rằng, cầu thủ này chỉ có nhiệm vụ quấy phá ở hàng lang hai cánh. Chỉ bằng thứ vũ khí này, U22 Indonesia đã khiến U22 Myanmar tan nát.

Thực tế, sai lầm của U22 Indonesia ở trận đấu với U22 Việt Nam nằm ở tư tưởng thận trọng. Do đó, họ đã không duy trì được lối chơi uy lực sở trường mà co mình về phòng thủ. Tuy nhiên, tới trận lượt về, đội bóng xứ Vạn đảo đã có đánh giá toàn diện hơn về U22 Việt Nam. Vì vậy, trận đấu này sẽ rất khác so với lượt đi.

U22 Việt Nam trước trận chung kết với U22 Indonesia: Lấy nhu thắng cương - 2

U22 Việt Nam có thể chế ngự được lối chơi này?

Và có lẽ, trước đối thủ như vậy, U22 Việt Nam không thể nào “dùng sức đọ sức” với U22 Indonesia. Thay vào đó, HLV Park Hang Seo có thể “lấy nhu thắng cương”. Có nghĩa rằng, U22 Việt Nam sẽ tìm cách ngăn chặn điểm mạnh tốc độ của U22 Indonesia, trước khi tận dụng sự sơ hở của đối thủ để phản đòn.

HLV Park Hang Seo vốn rất giỏi với kiểu chơi này. U22 Việt Nam không phải lúc nào cũng cho thấy sự dồn dập. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn biết cách điều khiển trận đấu theo ý mình. Đặc biệt, ông luôn biết cách khắc chế những đội bóng chơi thiên về thể lực, tốc độ như Indonesia, Malaysia hay UAE.

Có khả năng cao, trong thế trận ấy, thầy Park sẽ sủ dụng Đức Chinh và Tiến Linh ra sân cùng lúc. Đức Chinh là mẫu tiền đạo phòng ngự, có thể đánh chặn tuyến đầu rất tốt. Bên cạnh đó, tiền đạo của Đà Nẵng cũng là mắt xích phản công vô cùng lợi hại.

Ở trận đấu với U22 Campuchia, HLV Park Hang Seo cho thấy U22 Việt Nam hoàn toàn có thể phản công bằng bóng dài, nhờ tốc độ và sự năng nổ của Đức Chinh. Trong khi đó, Tiến Linh là mẫu tiền đạo có khả năng hoạt động độc lập và dứt điểm rất tốt.

Điểm mạnh của U22 Indonesia nằm ở tốc độ và sức mạnh nhưng họ cũng có điểm yếu chí tử là không kiểm soát nổi lối chơi này. Có nghĩa rằng, họ không giỏi trong việc điều chỉnh thế trận. Và nếu như chế ngự được những “cú đấm đầy sức nặng” của U22 Indonesia, thầy trò Park Hang Seo có thể đưa đối thủ này vào cái bẫy giăng ra.

H.Long