Chủ nhà Philippines đối diện với nhiều câu hỏi cần lời giải hậu SEA Games

(Dân trí) - Philippines kết thúc SEA Games lần thứ 30 năm nay với vị trí nhất toàn đoàn, cùng số lượng huy chương áp đảo so với các đoàn còn lại. Tuy nhiên, hậu SEA Games, quốc gia chủ nhà đối diện với những cáo buộc về tham nhũng và sự lãng phí về cơ sở vật chất từng phục vụ SEA Games.

Trong một bài viết rất dài được đăng tải trên tờ Al Jazeera của Qatar, với dòng tít: “SEA Games: Những tấm huy chương và những tranh cãi dành cho Philippines”, họ đề cập thẳng đến tính hiệu quả trong những khoản đầu tư, cũng như tính hiệu của trong việc sử dụng các công trình phục vụ SEA Games, thời hậu đại hội ở Philippines.

“Nước chủ nhà Philippines đứng đầu SEA Games, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi” – là những gì mà Al Jazeera bắt đầu bài viết của mình.

Philippines kết thúc đại hội với 389 huy chương, trong đó có 149 HCV, bỏ xa đoàn đứng nhì là Việt Nam với 288 huy chương các loại (98 HCV).

Chủ nhà Philippines đối diện với nhiều câu hỏi cần lời giải hậu SEA Games - 1
"Ngọn đuốc SEA Games trị giá khoảng 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng), chỉ sử dụng 1 lần, là sự lãng phí lớn với người Philippines" - bình luận của tờ Al Jazeera

“Nhưng khi sự háo hức xung quanh những chiến thắng bắt đầu lắng xuống, chủ nhà Philippines sẽ phải đối diện với những cáo buộc tham nhũng và hiệu quả trong việc sử dụng các cơ sở vật chất từng phục vụ SEA Games 30” – Al Jazeera viết tiếp.

Cũng theo thông tin từ tờ Al Jazeera, Văn phòng chống tham nhũng Philippines đã vào cuộc, điều tra các cáo buộc. Còn trước đó, ông Salvador Panelo - người phát ngôn của Tổng thống Philippines, tuyên bố: “Sẽ không có vùng cấm nào trong Chính phủ, liên quan đến các cáo buộc tham nhũng”. 

SEA Games 30 bắt đầu với những bê bối trong khâu tổ chức, từ việc đón tiếp các đoàn VĐV đầu tiên đến với đại hội, đến những công trình dở dang dù ngày thi đấu đã bắt đầu, cũng như việc chuẩn bị thiếu chu đáo cho các VĐV của các nước khi họ đã có mặt tại Philippines, trong những ngày đầu.

Chủ nhà Philippines đối diện với nhiều câu hỏi cần lời giải hậu SEA Games - 2
Một phụ nữ lớn tuổi thuộc cộng đồng địa phương bị di dời để xây dựng các công trình phục vụ SEA Games tại New Clark City, đối diện với những khó khăn khi buộc phải thay đổi môi trường sống và nguồn sinh kế quen thuộc

“Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh khoản chi 7,5 tỷ Peso Philippines (tương đương 147 triệu USD) cho đại hội” – Al Jazeera đăng tải. 

“Ngọn đuốc của SEA Games trị giá 50 triệu Peso (khoảng 1 triệu USD) chỉ để sử dụng duy nhất 1 lần rồi bỏ không là sự hoang phí quá lớn, ở một quốc gia có khoảng 17% dân số trong tổng số hơn 100 triệu người không kiếm đủ tiền để lo được cho nhu cầu cơ bản của cuộc sống” – vẫn là bình luận của tờ Al Jazeera, dựa trên phát biểu của cựu VĐV Karate người Philippines Gretchen Malalad.

Cũng theo thông tin từ tờ Al Jazeera, để phục vụ cho việc xây dựng các công trình phục vụ SEA Games 30 ở New Clark City (phía Bắc Manila) – địa điểm thi đấu chính của đại hội, chính phủ đã di dời một số cộng đồng dân địa phương, dẫn đến lo ngại về việc những người bản địa ở đây rất lâu trước đó mất đi phần đất của tổ tiên và mất đi nguồn sinh kế quen thuộc, trong khi không phải ai trong số những người được di dời cũng có thể thích nghi với cuộc sống mới, ở địa điểm mới, nhất là đối với những người già và những người có trình độ học vấn thấp.

Không chỉ có vậy, sự hiệu quả của các công trình phục vụ SEA Games thời kỳ hậu đại hội đang đứng trước khả năng bị lãng phí, không được sử dụng hết công suất, đều đang là những vấn đề mà Philippines đang phải đối mặt, sau khi SEA Games 30 kết thúc. 

Thiện Nhân