Phóng sự:
“Mệ Mơn” và lớp học giữ lửa ca trù
(Dân Trí) - Bà là một nông dân tay lấm chân bùn, nhưng lại được người dân cả nước biết đến với vai mẹ của liệt sỹ Nguyễn Thị Rạng trong bộ phim nổi tiếng “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Nghiệp ca trù
Xe vượt cầu Bến Thuỷ, dừng lại ở ngã ba Thị trấn Xuân An. 30 phút xe chạy lướt đường nhựa giữa nắng hè gắt, rát đến cháy da thịt, lão tài xế đã đưa tôi đến thôn 5 xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của bà Phan Thị Mơn nằm khép mình bên chân núi Hồng Lĩnh.
Trước mặt tôi là một cụ già khuôn mặt da nhăn nheo, lưng còng, mái tóc đen đến kỳ lạ. Mệ bắt đầu câu chuyện về nghiệp cầm ca: “Năm lên mười ba, mệ theo các chị đến học ca trù của anh kép Phan Đình Hưng. Kép Hưng là người cùng làng, có thâm niên trên 30 năm đi biểu diễn ca trù ở Cung đình Huế. Học được thời gian, do đói khổ, do giặc Pháp quần nhiều người bỏ học. Mệ mê ca trù lại có chút giọng nên được anh kép Hưng nhận làm con nuôi và truyền cho các ngón nghề từ cách luyến láy, cầm hơi, nhả chữ đến cách cầm “phách” sao cho giòn...
Năm 17 tuổi, mệ đã thuộc làu hơn 30 làn điệu ca trù và theo gánh hát anh kép Hưng đưa ca trù đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung Kỳ. Gần như những ngày lễ ở chốn miếu đường linh thiêng, nơi đình làng, lễ hội đầu xuân gánh kép mệ đều có mặt”.
Những năm 1944, cô đào Mơn đã kết tóc xe duyên cùng người thầy dạy học chữ Hán trong làng. Kháng chiến nổ ra đã khiến gánh hát tan vỡ. Số chị em lại lao vào lo tăng ca sản xuất, sinh hoạt đoàn thể, còn các anh kép lại cùng nhau tòng quân đánh giặc. Sau những năm 1975, mặc dù Điện xứ ca trù Cổ Đạm không còn hưng thịnh như những ngày đầu, nhưng vào những này giỗ chạp, lễ tết các ca nương, anh kép một thời xông pha lại ngồi hát với nhau...
Chất ca trù của mệ Mơn đã đến được với nhiều người, và nhiều người cũng tìm đến với mệ để được thưởng thức điệu ca trù gốc. Một buổi chiều cuối năm 1992, Đạo diễn bộ phim Ngã ba Đồng Lộc Lưu Trọng Ninh tìm đến nhà mệ Mơn. Ông Ninh mê như điếu đổ sự nhanh nhẹn, giọng hát ngọt ngào, lưu luyến của mệ Mơn. Sau lần gặp ấy, mệ trở thành “mảnh ghép” trong các nhân vật của bộ phim.
“Ông đạo diễn nói với mệ là mời mệ tham gia bộ phim, rồi đưa cho ít tiền lo dưởng sức. Mệ nhận lời ngay. Hơn hai tháng tập luyện trong vai mẹ của một liệt sĩ lưng còng. Có những cảnh quay khó tui phải diễn đi, diễn lại nhiều lần, khi quay xong mệt quá gục ngả xuống luôn, riêng cảnh quay vừa hát ca trù vừa trèo dưới hố bom lên phải diễn năm lần mói xong vì tuổi già sức yếu lại leo núi vừa hát trong lúc lưng đeo lủng củng một nắm cơm, một nải chuối, bồ kết nặng gần... một yến. Khó và bỡ ngỡ thật, nhưng không ngờ mệ lại đóng được phim. Mệ nhớ nhất là hai kỷ niệm, một là cảnh quay khi đang kéo váy giữa chiến trường thì bị máy bay Mỹ bổ nhào đằng xa thế là tui còng từ đó cho đến nay luôn, hai là đóng xong phim thì lưng còng luôn khi nào không hay!” .
Lớp học ca trù của mẹ Mơn
“Ca trù nổi tiếng, và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người xưa nhưng mấy năm ni thế hệ con cháu thường hát những loại nhạc mới. Nghĩ về ca trù mệ thấy buồn và thấy nhớ nó qúa. Đó cũng là lý do tui quyết tâm mở một lớp học ca trù cho lớp trẻ, không hy vong chúng kiếm được tiền mà chỉ mong duy trì nó trước lúc tui nhắm mắt xuôi tay” - mẹ Mơn canh cánh nỗi lòng, rồi quyết tâm truyền lửa cho ca trù khi nó mất dần chổ đứng.
Từ ý định ấy, người dân Cổ Đạm đã qúa quen với cảnh, những đêm trăng sáng mệ Mơn cùng những người bạn già ngồi ngâm ca những làn điệu ca trù. Nhân lễ, tết, mừng thọ các bà lại có dịp biểu diễn những làn điệu ca trù. Ngoài góp vui cho lễ hội, lớp bạn của mệ Mơn muốn đánh thức ca trù cho cho lớp trẻ. Năm 2000, người ta lại thấy mệ tay chống gậy, lòng còng đến từng gia đình vận động các bạn trẻ học hát ca trù. Không biết mệ vận động ra sao, chỉ biết, lúc đầu chỉ có các em học sinh tham gia lớp học, sau đó lại có sự góp mặt của chị em trong xã.
CLB ca trù Cổ Đạm 1 do mệ Mơn làm chủ nhiệm, kiêm dạy ca trù miễn phí đã ra đời từ đó.
Thời điểm đầu tiên, CLB chỉ có vài chục thành viên, 7 “ca nương” có chồng đi xuất ngoại, còn lại là các em học sinh, thanh niên trong làng. Người dân Cổ Đạm đã quen với cảnh cứ tầm chiều, các “ca nương”, “anh kép” trong lại cắp sách đến CLB, cùng nhau lên phách đàn ca. Còn đêm đêm, trong ngôi nhà rộng khoảng 15m2, làn điệu ca trù bắt đầu vang lên: nhịp phách, tiếng đàn đáy. Nhiều lúc căn nhà của mệ quá chật các ca nương lại phải xếp ghế ngồi ra cả ngoài sân. Gặp mưa lại đội cả dù tập hát.
Hải Hà, đang học lớp 12, thành viên của CLB, thổ lộ: “Em theo học ca trù được gần 6 năm nay rồi. Hiện đã thuộc được năm làn điệu ca trù, và đã được một huy chương vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc vào năm 2005”. Chị Dương Thị Nết quê ở xã Xuân Thành lấy chồng về Cổ Đạm thì hớn hở: “Từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, ngoài đồng ruộng em xin gia nhập CLB. Gần hai năm tham gia em đã thuộc được hai làn điệu ca trù rồi chú ạ. Ca trù đã mang lại cho em nhiều điều thú vị, nhất là thoải mái sau những giờ cặm cũi ngoài đồng”.
Bây giờ thì tại Cổ Đạm, từ một CLB ca trù khoảng vài chục thành viên nay xã đã hình thành thêm hai câu lạc bộ ca trù với gần 70 thành viên tham gia luyện tập hằng ngày. Thành công nằm ngoài sức tưởng tượng, tại “Liên hoan ca trù toàn quốc 2005” lần thứ nhất tổ chức tại khu di tích Nguyễn Du vào giữa năm 2005, CLB ca trù Cổ Đạm 1 do bà Mơn làm chủ nhiệm đạt 3 Huy chương Vàng, bà và người bạn hát Phan Thị Nga đều nhận huy chương bạc ở cái tuổi ngoài 80!”.
Ông Hoàng Thanh Lâm, Trưởng ban văn hoá xã Cổ Đạm lúc đầu không mấy tin vào thành công của CLB, gặp chúng tôi, ông hồ hởi: "Mừng qúa. Bọn trẻ đến với ca trù khắp các xóm. Cách đây mấy tháng, Viện âm nhạc VN mời Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm 1 vào cung đình Huế biểu diễn nghệ thuật ca trù, tham gia làm phim giới thiệu về nghệ thuật ca trù, chuẩn bị hoàn tất hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Chính quyền địa phương đang đề nghị cấp trên tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian di sản ca trù cho mệ Mơn”.
Rời Cổ Đạm, tôi tin dòng ca trù vẫn chảy, và mệ Mơn sẽ thành công!
Văn Dũng - Minh San