Nghệ An:

Làng Đỏ ngày ấy… bây giờ

(Dân trí) - Hơn 40 năm sau ngày nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bộ phim truyện"Ngày ấy bên sông Lam" tái hiện khá đầy đủ khí thế của dân làng Yên đồng lòng đứng lên chống thực dân và chế độ phong kiến thối nát.

Làng Đỏ ngày ấy… bây giờ
Đình Trung nơi từng chứng kiến dân Yên Dũng Thượng nổi giận chống lại bọn thực dân, quan lại hà khắc.
 
Khoảng 10 thế kỷ trước, một số người "Đàng Ngoài" dạt vào khai phá doi đất ven sông Lam này. Họ được sự bảo trợ của Tri Châu Nghệ An lúc đó là Lý Nhật Quang con trai vua Lý Thái Tổ (1028 - 1054).

Không biết thời đó tên doi đất này là gì nhưng vào khoảng từ 300 đến 500 năm về trước nơi đây gọi là Dũng Quyết. Đó là một vùng đất bao gồm Trung Đô, Bến Thuỷ, Trường Thi, Hưng Dũng, Hà Huy Tập và một phần Hưng Bình ngày nay.

Dũng Quyết bấy giờ có hai thôn Thượng và Hạ. Khoảng giữa thế kỷ 19, Dũng Quyết đổi thành Yên Dũng, thuộc tổng Ngô Trường (sau đổi thành tổng Yên Trường) của huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. Yên Dũng Thượng là thôn, sau thành xã, bây giờ thuộc hai phường Hưng Dũng và Trường Thi ngày nay.

Thời "Xô - Viết" những làng nào có chi bộ Cộng sản lãnh đạo, có chính quyền do người dân lập nên để điều hành công việc thì được gọi là "Làng Đỏ". Hồi đó, các vùng như Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn...đều có các làng kiểu này. Nhưng, khí thế "long trời lở đất" vẫn là xã Yên Dũng Thượng - Một vùng đất anh hùng, nay thuộc phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An).
Dăm Mụ Nuôi - nơi đây vào ngày 3/4/1930 là nơi thành lập Chi bộ Cổng sản đầu tiên. 
Dăm Mụ Nuôi - nơi đây vào ngày 3/4/1930 là nơi thành lập Chi bộ Cổng sản đầu tiên. 

Năm 1926, Yên Dũng Thượng đã có chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội sau đổi thành Đảng Tân Việt. Chỉ với 10 đảng viên, chi bộ này đã "hô" dân biểu tình buộc chính quyền thuộc địa phải đền bù 300 mẫu đất mà chúng cướp để làm sân bay quân sự. Ngày nay là cánh đồng Tàu Bay.

Ngày 1/5/1930, khoảng 1.200 người dân kéo nhau ra Đình Trung rồi nhập với hàng ngàn nông dân của vùng hạ Nghi Lộc theo đường Mới Trang tiến về Nhà máy Trường Thi phối hợp với công nhân biểu tình đòi lợi quyền. Khi một công nhân đang cắm cờ búa liềm trên cột đèn bị tên giám binh Pháp bắn chết, thì khí thế căm hờn bọn thực dân từ hàng vạn người biểu tình sôi lên sùng sục.

Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoạn, người xóm Yên xông vào phá cổng nhà máy cũng gục ngã trước mũi súng kẻ thù. Trong cuộc biểu tình này 5 người bị giết hại, 18 người bị thương, 37 người bị địch bắt. Trong đó Yên Dũng Thượng có 2 người là ông Nhoạn và ông Nguyễn Đức Tiềng hy sinh.

Máu các liệt sĩ thấm đỏ vùng đất Yên Dũng. Đây là sự kiện mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi tiếng. Sau đó ít ngày, để ủng hộ công nhân Trường Thi đình công, Bí thư Chi bộ Nguyễn Tiến Cuông và các đảng viên lại tổ chức một cuộc biểu tình tại dăm Mụ Nuôi. Tại đây, nghe theo lời kêu gọi của Ban cứu tế, dân Yên Dũng, công nhân Trường Thi kẻ ít người nhiều góp của, góp sức giúp gia đình những người bị nạn. Mặt khác, họ động viên nhau đoàn kết chống địch đàn áp.
Cây sanh Chùa Nia - nơi tập trung biểu tình cao trào 30-31.
Cây sanh Chùa Nia - nơi tập trung biểu tình cao trào 30-31.

Tháng 9 năm 1930, với sự chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ (đóng trong làng), những người Cộng sản Yên Dũng Thượng tổ chức cuộc mít tinh lớn lại Đình Trung. Trước khí thế của người Yên Dũng Thượng, lý trưởng, hào mục phải nộp con dấu, sổ sách. Một chính quyền mới, chính quyền Xô viết Chi bộ từ 12 đảng viên năm 1930 lên 30 đảng viên vào năm 1931. Các đoàn thể quần chúng thu hút được hầu hết nông dân tham gia.

Đến tháng 8 năm 1945 thì với 7 đảng viên lãnh đạo, dân Yên Dũng Thượng cùng các nơi vùng lên cướp chính quyền. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Làng Đỏ có nhiều mục tiêu quân sự, chính trị nên giặc Mỹ đánh phá thường xuyên, ác liệt.

Với 592 trận, 5674 quả bom, 104 quả Rốc két, 350 quả pháo hạm, máy bay B52 rải thảm toàn bộ nhà dân bị cháy sập. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ nhân Hưng Dũng xây đắp trên 30 trận địa chiến đấu của bộ đội cao xạ, tên lửa và trận địa trực chiến. Đào hơn 3km giao thông hào nối liền các xóm, 270 hầm cất giấu xe pháo, vũ khí đạn dược cho bộ đội.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng, ngày 1/9/1967, dân quân trực chiến đã bắn rơi máy bay đầu tiên của Mỹ và sau đó rất nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhiều giặc lái bị bắt. Năm 1969, quân và dân Hưng Dũng được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong lớp lớp người Làng Đỏ, Yên Dũng Thượng, Hưng Dũng tham gia các phong trào Cách mạng có tới 19 liệt sĩ trong phong trào Xô Viết; có gần 250 liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Giờ đây, Làng Đỏ còn có những địa danh, những di tích lịch sử được xếp hạng như Dăm Mụ Nuôi - nơi này ngày 3/4/1930, thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên; Đình Trung nơi từng chứng kiến dân Yên Dũng Thượng nổi giận chống lại bọn thực dân, quan lại hà khắc; từng chứng kiến các cuộc biểu tình hồi "Xô viết" và các cuộc mít tinh, nổi dậy hồi Cách mạng Tháng Tám.
Và một góc Làng Đỏ hôm nay.
Và một góc Làng Đỏ hôm nay.

Đình Trung còn là địa điểm Đại hội Tỉnh Đảng bộ Nghệ An vào năm 1953. Đây là lần thứ hai, trong thời kỳ kháng Pháp, Yên Dũng Thượng được chọn làm nơi Đại hội Tỉnh Đảng bộ. Hay như Đình Văn Thánh, được xây dựng năm 1851, một năm sau thì hoàn thành. Là nơi tôn vinh các bậc học cao, biết rộng đỗ đạt trong làng, nay dấu tích chỉ còn tấm văn bia.

Nhưng chuyện học hành đỗ đạt cao, người Làng Đỏ (Yên Dũng Thượng, Hưng Dũng) thời nào cũng có. Hiện nay, Hưng Dũng có 6/6 trường học được xây dựng khang trang, hàng năm Hưng Dũng có gần trăm em đỗ vào các trường đại học cao đẳng. Người Hưng Dũng còn lấy làm hãnh diện quê mình, đảng bộ mình "đúc" nên những Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Duy Hài và nhiều tiến sĩ, kỹ sư sau này.

Ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng nhân dân phường Hưng Dũng - cho biết: “Hưng Dũng là phường duy nhất ở Nghệ An có toàn bộ di tích lịch sử Làng Đỏ. Năm 1994, sau khi quy hoạch đô thị bắt đầu hình thành các giai tầng khác nhau và cơ cấu kinh tế thay đổi hẳn. Là một xã thuần nông ngoại thành nghèo, hạ tầng kỹ thuật yếu. Nhưng nay phường đã trở thành một trong những phường phát triển nhất thành phố Vinh”.
 
Bọn thực dân phong kiến đã điều binh lính các nơi về dìm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong đó có Yên Dũng Thượng trong bể máu. Bí thư Chi bộ Nguyễn Tiến Cuông cùng các đồng chí Lê Công Thống, Nguyễn Sỹ Chính hy sinh. Số còn lại hầu hết bị bắt giam, chịu tra tấn tù đày.
 
Trong đó có nhiều đồng chí anh dũng hy sinh trong nhà lao của thực dân Pháp mà tiêu biểu là "thủ khoán" Hoàng Tín và Nguyễn Đình Điền. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Làng Đỏ anh hùng đã kiên cường chiến đấu chống giặc, chi viện cho tiền tuyến miến Nam để có được chiến thắng vẻ vang năm 1975.
 
Và đã có nhiều chiến công lẫy lừng như cô dân quân Làng Đỏ Nguyễn Thị Dần, bắn rơi máy bay Mỹ, được nhạc sỹ Nguyên Nhung sáng tác thành bài hát “O dân quân Làng Đỏ”… Trong thời bình, Làng Đỏ phát triển kinh tế vượt bậc và ngày nay trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu ở Nghệ An.

Nguyễn Duy - Lê Việt