Xôn xao “động quan tài” Thanh Hoá
(Dân trí) - Thời gian gần đây, dư luận không ngớt xôn xao về việc người dân ở khu vực xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá phát hiện ra động Ma cheo leo giữa sườn núi, bên trong có hàng trăm cỗ quan tài được xếp một cách kỳ bí.
Trong khi khoa học còn chưa lý giải được nguồn gốc của những cỗ quan tài nói trên thì tại khu vực này, ngày càng có nhiều câu chuyện ly kỳ được thêu dệt.
Dân bản địa: đã biết động từ lâu
Từ thành phố Thanh Hoá, chúng tôi ngược sông Mã đi lên huyện Quan Hoá cách đó 150km đường đèo núi. Xã Hồi Xuân nằm heo hút tại một thung lũng, nơi có sông Mã - sông Luồng giao nhau. Vùng sơn cước này hầu như không có bóng dáng người qua lại, ngoại trừ những chiếc xe tải đi qua đây lên tận Mường Lát (giáp Lào) đổ hàng.
Động Ma nằm ngay ven đường, dưới chân có sông Luồng chảy qua. Ngay từ dưới đường nhìn lên núi, có thể thấy cửa động hao hao như một tổ chim ở lưng trời. Người dân bản địa (bản Khằm) đã quá quen thuộc với chiếc động này.
Người dẫn đường cho tôi là một chàng trai còn khá trẻ so với tuổi, tên Phạm Bá Thiếu. Thuộc rừng như lòng bàn tay, anh đã đi rừng kiếm gỗ, săn bắn từ khi còn là một cậu bé. Thiếu hồn nhiên nói, anh đã biết động này từ khi còn là một thiếu niên. Còn bây giờ, Thiếu đã có hai con, tuổi cũng ngót nghét 30.
Thiếu cho biết, ngày trước trong lúc đi núi, anh và các bạn tình cờ nhìn thấy mấy cỗ quan tài trong cửa động. Sau đó thì nhiều người biết hơn và đã có nhiều người bạo gan mò vào tìm của nả ở trong động này. Tuy nhiên, có người đã bới tung tất cả nhưng cũng không tìm ra được gì. Lúc đầu có người còn sợ hãi, song càng về sau càng “quen”, không còn sợ gì nữa.
Người dân bản xứ đã quá quen thuộc với động này. Đối với họ, nó chỉ là một cái hang khô, bên trong cũng không có gì đặc biệt ngoài mấy chục bộ quan tài như nhiều người đã kháo nhau. Trong đấy tuyệt nhiên không tìm được chút của cải nào.
Những câu chuyện thêu dệt
Nhưng từ khi có mấy đoàn nghiên cứu tìm lên tận động thì cái tên Hồi Xuân, động Ma được nhắc tới nhiều hơn. Ở tận những khu vực lân cận cách đó hàng thôi đường, cũng có nhiều người hiếu kỳ tìm tới đây nghiêng ngó. Đâu đâu cũng thấy người ta truyền tai nhau những câu chuyện truyền khẩu mang đầy màu sắc liêu trai.
Chỉ một buổi tối vào ngủ trong bản Khằm, tôi đã được nghe đủ loại truyền thuyết cũ có mới có, với hàng chục dị bản liên quan tới động Ma. Người ta nói rằng xưa kia vốn có ông Khổng Lồ đạp chân vào núi chặn sông giúp dân, vết chân thành cái động. Có người bảo rằng đây nguyên là nơi ẩn náu của nghĩa quân Khằm Lĩnh (dưới thời Lê Lợi) xưa kia…
Nhưng hãi hùng nhất là câu truyện truyền miệng, có hai chị em cô gái người Thái đi tắm suối, không may sẩy chân chết đuối dưới sông Luồng, khu vực chân động. Tới giờ, những khi chiều muộn hoặc lúc thanh vắng, bà con dân bản đi qua nhìn lên vẫn thấy có hai cô gái mặc áo trắng ngồi ở cửa động, xoã tóc chải chuốt cho nhau.
Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng người lớn đã cấm trẻ con bén mảng đến khu vực này. Khúc suối cũng vắng đi bóng dáng những thiếu nữ nô đùa tắm gội mỗi khi chiều buông. Ngày càng có nhiều người e dè cảnh giác mỗi khi đi qua đây. Các lữ khách luôn phóng rất nhanh, còn lũ trẻ chăn trâu thì đã thôi chăn thả gia súc ở đây từ lâu rồi.
Vào động
Thiếu lấy thuyền độc mộc đưa tôi ngược sông Luồng, đến động Ma. Đang mùa nước lớn, dòng sông ngầu sắc đỏ. Thuyền độc mộc của người Thái làm bằng một thân gỗ khoét, lao vun vút ngược dòng nước.
Từ chân núi lên đến cửa động không đến nỗi quá khó, không có cảnh “lá mục dày hàng gang tay, muỗi dĩn phi như vãi trấu vào mặt người leo núi” như một số người miêu tả. Cũng chẳng thấy bóng dáng con thú hoang nào. Trong hành trình, chỉ có một đoạn đá tai mèo lởm chởm, cao khoảng 5m là đáng kể nhất. Ngửa mặt bò vượt qua được đoạn vực đá dựng đứng này thì cửa động cũng hiện ra.
Ngay cửa, những cỗ quan tài đã nằm ngổn ngang la liệt chặn lối ra vào. Thiếu nói, đây có thể là gỗ táu mật - loại gỗ được xếp vào hàng tứ thiết (đinh - lim - sến - táu). Những quan tài ở đây khoét bên trong hình quả trám, đầu to đầu bé, trong khi những quan tài của người Thái hiện tại đều khoét lõi hình chữ nhật.
Thiếu cho biết, từ khi cậu mới phát hiện, thì những cỗ quan tài không nằm ngổn ngang như thế này, mà được xếp lên giàn giáo cẩn thận.
Động chia làm 2 tầng, tầng trên có hai ngăn, tầng dưới một ngăn. Có tới gần trăm cỗ quan tài đủ các kích cỡ, từ người lớn đến trẻ con. Cỗ quan tài là cả thân gỗ tròn, to có độ dài ngắn khác nhau, được xẻ đôi khoét rỗng lõi, mỗi nửa tựa như chiếc thuyền độc mộc, được khớp lại với nhau rất chắc chắn.
Thiếu dọi đèn pin vào tầng âm của động Ma: “Có lẽ động này còn nhiều ngách khác nữa, nhưng chưa ai dám khám phá cả. Khám phá chả được gì, khéo lại hoạ oan”.
Ngay bên trên động Ma còn một động nữa, nhưng chưa ai lên được bao giờ. Thứ nhất, vách đá quá nguy hiểm, sẩy tay là chết chắc. Thứ hai, với những người bản địa, lên đó nếu chỉ có những cỗ quan tài như thế này thì cũng chỉ phí công mà thôi.
Những ẩn số về động Ma đang được giới khoa học nghiên cứu, giải mã. Chưa ai khẳng định được điều gì, người ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết. Có lẽ phải một thời gian dài nữa người ta mới vén được bức màn bí mật này.
Chúng tôi ra về. Bò lên đã khó, bò xuống còn khó hơn nhiều lần. Bất chợt tôi có cảm giác rờn rợn. Trời sắp mưa, những cơn mưa dai dẳng miền sơn cước luôn gây cảm giác khó chịu. Những đám mây đen trĩu nước như sà xuống chụp lên đầu tôi. Hàng nghìn câu hỏi nhảy múa trong đầu, một trong số ấy cũng chính là điều tôi nghi ngại nhất, rằng có lẽ nào người xưa đang nổi giận?
Bảo Trung