1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện Bác Hồ với cha con thủ lĩnh Vương Chí Sình:

Thủ lĩnh Vương về Hà Nội - Hoàng Việt Hưng mắc kẹt

(Dân trí) - Theo đúng kế hoạch, khi xe ông Vương từ từ chậm lại trước cây số 17, một ông cụt tay cao lớn chặn xe hỏi lớn: ''Có phải xe của bác Vương không?''. Tài Hồ bảo đúng. Ông cụt tay đứng nghiêm chào: ''Tôi, Chu Phóng, Đại Đội trưởng Việt minh nhận lệnh đón bác''.

Ông cụt tay đưa ông Vương vào một ngôi nhà dân gần đường. Đó là nhà một người Tày cơ sở cách mạng của ta. Khi ông Vương bước vào đã thấy ông Mai Trung Lâm ở đó. Ông Lâm đứng dậy chào hỏi, bắt tay rồi đưa ông Vương đến bàn nước. Sau khi hỏi sơ qua về sức khoẻ, ông Lâm hỏi: ''Bác có mang bàn đèn đi không?''. Ông Vương bảo có. ''Vậy thì bác lấy ra đi. Tôi tiêm thuốc cho bác hút''- ông Lâm vui vẻ nói. Tại đây, ông Vương chuyển sang xe của Việt minh đi tiếp đến thị xã Tuyên Quang. Xe dừng, ông Lâm đưa ông Vương vào một ngôi nhà ven đường. Ông Trữ - Chủ tịch tỉnh Phú Thọ đã trực sẵn ở đó. Ông Lâm giới thiệu ông Trữ với ông Vương và bàn giao cho ông Trữ đưa ông Vương đi tiếp. Ông Trữ mang theo bảo vệ, sau khi thuốc nước xong xuôi, chia tay ông Lâm, ông đưa ông Vương qua Phú Thọ theo ngả đường về bến phà Trung Hà, Sơn Tây để về Hà Nội. Từ đây là khu vực an toàn không có trở ngại nào nữa. Về đến Hà Nội, ông Vương được ông Bùi Công Trừng - lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương đón tiếp, lo chỗ ăn nghỉ.

 

Quay lại sự việc Hoàng Quốc Chính phục kích nhằm vào ông Vương. Do biết được kế hoạch của Chính, Việt minh đã nghi binh đánh lừa được Chính, đưa ông Vương đến cây số 17 an toàn. Chính rất điên tiết, liền nghĩ ra kế hiểm. Hắn cho quân bắn tin đến tai cụ Vương Chính Đức rằng Vương Chí Thành đã bị Việt minh giết chết. Nghe được tin này, cụ Vương bán tín bán nghi. Để ăn chắc cụ Vương giữ ông Hoàng Việt Hưng (do Việt minh cử ở lại làm tham mưu, cố vấn cho cụ) quản thúc không cho đi đâu. Hoàng Việt Hưng giải thích rằng đó là âm mưu của Quốc dân đảng nói xấu, nhằm chia rẽ ngưòi Mèo với Việt minh. Rồi ông cam đoan: ''Nếu Việt minh giết ông Thành thì các ông cứ lột xác tôi''. Ông đề nghị cụ Đức cho người về Hà Nội để kiểm tra, xác minh cụ thể. ''Nếu thực sự ông Thành đã chết, tôi xin chết ngay trước mặt cụ''.
 
Vua Mèo Vương Chính Đức trên Cao nguyên Đá Đồng Văn.

Vua Mèo Vương Chính Đức trên Cao nguyên Đá Đồng Văn.

 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào về được Hà Nội và ai sẽ đi, bằng cách nào để tránh con mắt nhòm ngó của Chính? Ông Hoàng Việt Hưng giới thiệu với cụ Đức một người là điệp báo viên của tướng Tưởng chỉ huy quân đoàn 52 đang tìm ngựa để về Hà Nội. Ông Hưng gợi ý cho hắn mượn ngựa, cử giám mã cưỡi ngựa đi cùng để chăm sóc ngựa. Bằng cách đó sẽ xuống được Hà Nội thực thi nhiệm vụ tìm gặp ông Thành. Ông Vàng Giống Sử chăn ngựa của cụ Vương được cử đi. Về Hà Nội, ông Sử đã gặp được ông Thành ở 12 Hàng Ngang - là hiệu bánh khảo nổi tiếng Hồng Thái - nơi ông Thành đang nghỉ. Ông bà Hồng Thái là bạn hàng thân thiết với ông Thành. Vợ ông thường cất bánh ở đây đưa lên cửa hàng tạp hoá của gia đình ông ở Phó Cáo để bán lẻ.

+

Gia đình ông bà Hồng Thái mở tiệc chia tay để ông Vương sang ở và làm việc với Chính phủ. Xong việc, ông Sử vội quay về báo tin cho cụ Vương đang sốt ruột chờ đợi ở nhà. Trước khi rời Hà Nội, Bác Hồ giao cho ông Sử 2 thùng trà ướp sen (đặc sản của đất Thăng Long) nói là quà của Chủ tịch biếu cụ Vương để ăn Tết Nguyên đán. Đồng thời kèm theo bức thư báo con trai cụ đã về Hà Nội bình yên cùng lời chúc Tết của Bác. Tới khi ông Sử về đến dinh thự gia đình cụ Vương ở Sà Phìn ông Hưng mới được giải oan.

 

Về Hà Nội chưa lâu, ông Vương biết tin Hoàng Quốc Chính và bè lũ quốc dân đảng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Vậy Việt minh lấy lực lượng ở đâu và diệt Chính thế nào trong khi quân của hắn còn khá mạnh?

 

Để trả lời câu hỏi này cần diễn giải một chút. Số là, trong lực lượng của Quốc dân đảng ở vùng biên giới có 2 lực lượng theo 2 phái. Một phái ''tạp pí lù'' không đựợc tổ chức chặt chẽ, không được huấn luyện, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, trung thành ôm chân Chính để cướp bóc kiếm lợi lộc. Phái kia do Ba Viên cầm đầu là lực lượng lính khố đỏ từ bên kia biên giới mới về nước. Đội quân này có kỷ luật, chính quy, trang bị vũ khí đầy đủ và có năng lực chiến đấu. Được biết cụ Vương mạnh như thế mà đã ngả theo Việt minh, thấy thái độ Ba Viên cũng quyết tâm theo Việt minh về với cụ Hồ, Mai Trung Lâm gợi ý: ''Ông về với Cách mạng là có lý và thức thời, góp công, góp sức giúp Hồ Chủ tịch cứu nước, cứu dân rất đáng được hoan nghênh, nhưng chẳng nhẽ về tay không hay sao?''.

 

Sau một hai đêm thức trắng suy nghĩ, Ba Viên cho gọi 2 quan một tên là Hải và Mai đến bàn việc. Phương án, kế hoạch binh biến, tác chiến được lên chi tiết thận trọng. Ba Viên cử Mai và Hải đến gặp Hoàng Quốc Chính bàn bạc phối hợp lực lượng đánh Việt minh.

 

Được một lực lượng chính quy tham chiến còn gì mừng hơn. Chính khai chi tiết về lực lượng, dẫn Mai và Hải đi xem việc bố phòng, các địa điểm đóng quân và các hoạt động, canh gác của quân Chính. Cùng với dụng ý khoe lực lượng, Hải và Mai báo cáo đầy đủ với Ba Viên, đồng thời cùng nhau bàn kế hoạch diệt thật gọn quân Chính. Có thêm lực lượng, Chính đã mắc mưu Ba Viên nên chủ quan không cảnh giác. Chỉ một hai hôm sau, nhằm vào yếu tố bất ngờ, Ba Viên đã khởi sự, đưa quân đánh úp quân Chính. Đúng như kế hoạch, bè lũ Quốc dân đảng do Chính cầm đầu bị diệt gọn. Chỉ còn người duy nhất là Trịnh Đình Phách, người Tày ở Cao Bằng chạy thoát.
 
Gia đình Thủ lĩnh Vương.
Gia đình Thủ lĩnh Vương.

 

Xung quanh chuyện thủ lĩnh Vương ở Hà Nội và cuộc hội kiến với Hồ Chủ tịch

 

Theo lệnh của Bác Hồ, ông Bùi Công Trừng đưa ông Vương đến biệt thự 51 - Trần Hưng Đạo. Biệt thự này là nơi ở của Cựu hoàng Bảo Đại khi ông này được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà mời làm cố vấn, cũng là nơi ông sống với bà Bùi Mộng Điệp - người đẹp Bắc Ninh - bà là thứ phi cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. (Số nhà đó từ 10-1957 là trụ sở báo Văn nghệ, hiện nay là trụ sở của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam).

 

Sau khi xem xét nội thất trong nhà, ông Vương đi vòng quanh nhà một lượt rồi không đồng ý ở đây. Ông cho rằng phố này vắng vẻ, ra vào dễ lộ mặt và không an toàn trong lúc ở Thủ đô còn rất phức tạp. Ông Trừng lại xin ý kiến của Bác, xếp ông Vương ở Phủ Chủ tịch cho ông yên tâm. Ông Vương từ chối và nói: ''Các ông không phải bận tâm sắp xếp nơi ăn nghỉ cho tôi, tôi tự lo được. Tôi về số nhà 12 Hàng Ngang - hiệu bánh khảo Hồng Thái là chỗ thân quen cho được tự do''. Rồi ông sốt ruột hỏi khi nào thì được gặp cụ Hồ. Ông Trừng bảo: ''Bác đi đường sá xa xôi vất vả, cứ nghỉ vài ngày cho lại sức. Cụ Hồ lúc này bận nhiều công việc lắm.Tôi sẽ xin ý kiến cụ rồi bố trí để bác được gặp vào thời gian sớm nhất''.

 

Vài hôm sau ông Vương bị ốm. Ông không phải đi bệnh viện mà Việt minh cử bác sỹ đến thăm bệnh cho ông tại nơi ông đang ở. Bác sỹ vừa bắt mạch vừa dùng ống nghe, chẩn đoán bệnh rồi chào ông ra về. Một hai tiếng đồng hồ sau có một người mang đơn và thuốc đến cho ông. Anh ta tự giới thiệu tên là Lý Quang Hoa người của Việt minh. Sau này ông Vương mới biết anh ta chính là Hoàng Văn Hoan (người đã làm tới chức Phó Chủ tịch Quốc hội phản bội chạy sang Trung Quốc sau này).

 

Trước khi nói về chuyện ông Vương hội kiến với Bác Hồ cần nhắc tới một nhân chứng trong cuộc gặp là ông Vương Quỳnh Sơn. Bà vợ cả của cụ Vương Chính Đức sinh cho ông 2 người con trai: Vương Chí Tình và Vương Chí Thành. Ông Vương Chí Tình có một con trai là Vương Đình Quý. Ông Quý chỉ có một con trai là Vương Quỳnh Sơn. Ông Sơn gọi ông Thành là ông chú. Thời gian này ông Sơn mới 18-19 tuổi. Việc ông có mặt ở Hà Nội là do Việt minh giới thiệu ông vào học trường quân sự (sau khi được cụ Vương Chính Đức đồng ý). Đó là trường Lục quân võ bị Trần Quốc Tuấn đóng ở phi trường (sân bay) Tông gần thị xã Sơn Tây.

 

Cùng học khoá I còn có 3 thanh niên Mèo nữa là ông Vương Quỳnh Anh - người anh cùng dòng họ với ông Sơn - cũng do Việt minh giới thiệu. Hai thanh niên Mèo khác là Dưong Mí Tường và Dương Mí Phụng do Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt cách) giới thiệu. Việt cách không phá phách phản động như Việt quốc (quốc dân đảng). Việt cách có thiện cảm và có xu hướng ngả theo cách mạng. Nhưng học đến giữa chừng thì Tường và Phụng đào ngũ chạy về theo quân Tàu Tưởng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông Võ Nguyên Giáp, ông Giáp giao cho ông Trần Tử Bình là lãnh đạo của nhà trường dẫn anh em ông Vương Quỳnh Sơn vào trường. Ông Bình bố trí ông Sơn vào học lớp C.

 

Khi đã có lịch gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Thành có ý nguyện cho gặp cháu ông là Vương Quỳnh Sơn. Lúc ông Thành đến Phủ Chủ tịch, đã thấy Bác Hồ ở đó. Bác đi xuống bậc thềm đến tận nơi tươi cười bắt tay ông Thành, chào hỏi thân tình, rồi dẫn lên phòng khánh tiết Phủ Chủ tịch. Khi đã an toạ, Bác hỏi thăm sức khoẻ cụ Vương Chính Đức, gia đình ông Thành, quá trình ông đi đường, việc ăn ở trong những ngày qua có được chu đáo... Rồi trao đổi tình hình và việc giới thiệu ông làm đại biểu Quốc hội khoá I (6/01/1946).

 

Trước đó, trong Tuần lễ vàng 4/9/1945, ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ, ông Vương Chí Sình đã đóng góp 22.000 đồng bạc trắng và 9 cân vàng. Nên nhớ rằng khi giành được chính quyền ngân khố quốc gia chỉ có 1,2 triệu đồng tiền giấy rách nát. Chỉ trong một tuần lễ nhân dân đã đóng góp cho chính phủ 20 triệu đồng và 370kg vàng.

 

Theo ông Vương Quỳnh Sơn, bản tính ông Sình trung thực, đã hứa là làm, nhưng ông kiệm lời, ít nói. Phong cách tiếp khách của Bác Hồ thì lại luôn thân tình, gần gũi, sao cho người đối thoại cảm thấy không có sự phân biệt cao thấp, kẻ trên người dưới. Nhưng ông Thành vẫn có sự e ngại, rụt rè. Ông luôn miệng gọi Bác Hồ là Cụ. Có lẽ Bác Hồ thấy việc xưng hô như thế bất tiện và không được thoải mái, tự nhiên.Vì vậy đột ngột Bác hỏi: ''Ông tuổi gì?''. Vương Chí Sình nói: ''Thưa cụ, tôi tuổi hợi''. Ngẫm ngợi đôi phút Bác nói: ''Vậy là ông hơn tuổi. Tôi phải gọi ông là quan bác''. Bởi theo tiểu sử Hồ Chí Minh, Bác sinh năm canh dần 1890, như vậy kém ông Sình 3 tuổi. Rồi Bác nói thêm: ''Từ giờ trở đi đừng gọi tôi là Cụ nữa. Chúng ta là anh em''. Câu chuyện đơn giản chỉ có vậy. Sau này ông Sình còn kể lại nhiều lần với con cháu ông.

 

Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Bác dặn dò, giao nhiệm vụ cho Vương Quỳnh Sơn làm công tác thanh vận. Sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan lục quân, Vương Quỳnh Anh được điều về Bộ Quốc phòng làm phái viên. Vương Quỳnh Sơn trở về Đồng Văn vận động thanh niên Mèo tham gia cách mạng, rồi thành lập lực lượng vũ trang.

 

Đầu năm 1948, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tiểu đoàn chính quy mang phiên hiệu D350 (còn gọi là tiểu đoàn Mèo - vì đại đa số là người Mèo) trên cơ sở lực lượng vũ trang của ông Sơn, và quyết định bổ nhiệm Vương Quỳnh Sơn làm Tiểu đoàn Trưởng. Tiểu đoàn D350 trực thuộc Quân khu 10, do tướng Bằng Giang làm Tư lệnh quân khu. Trong buổi ra mắt có sự tham dự của ông Tô Quang Đẩu chủ tịch khu 10, ông Trần Đức Trung chủ tịch Hà Giang, Giám đốc Sở Công an... Được Bộ Quốc phòng uỷ quyền, trong buổi ra mắt tiểu đoàn, ông Trần Đức Trung - Chủ tịch tỉnh Hà Giang đã trao thanh kiếm cho Tiểu đoàn Trưởng Vương Quỳnh Sơn để thực thi nhiệm vụ.

 

Đinh Đức Cần (Còn nữa)