1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện Bác Hồ với cha con thủ lĩnh Vương Chí Sình:

Vương Chính Đức về với Cách mạng

(Dân trí) - Vùng đất người Mèo do Vương Chính Đức cầm đầu vừa đánh dư đảng quân Cờ đen, vừa đánh quân Pháp buộc chúng không thể vào được đất Đồng Văn.

Mãi tới năm 1900, Pháp huy động một lực lượng lớn phối hợp với địa phương quân khố xanh Tày, Thái từ Bảo Lạc Cao Bằng đánh sang. Trận chiến gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Vương Chính Đức bị vỡ trận buộc phải rút lui để quân Pháp chiếm cứ Đồng Văn.

 

Rút vào rừng sâu, ông củng cố lực lượng, liên tiếp quấy rối và đánh cho quân Pháp thất bại nặng nề. Những năm đầu thế kỷ XX, người Mèo ở Đồng Văn và Nam Vân Nam - Trung Quốc khởi nghĩa vũ trang rầm rộ - tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa từ 1909-1913. Sau gần 4 năm không thu phục được vùng đất dữ, quân Pháp bị hao binh tổn tướng. Trong khi quân của Vương Chính Đức thắng lợi giòn giã, buộc Pháp phải hoà đàm.

 

Hiệp ước Pháp - Mèo do tướng Jenera Pecneucin và Vương Chính Đức ký tháng 10/1913 có các điều kiện lợi thế cho người Mèo. Trước hết Pháp phải triệt thoái toàn bộ quân ra khỏi Đồng Văn - kể cả địa phương quân do Pháp chỉ huy, trả lại cho người Mèo cai quản theo chế độ tự trị bên cạnh một đại lý Pháp và một khung hành chính đại diện cho Nam triều mang ý nghĩa tượng trưng.
 

Khu nhà Vương được bao bọc giữa những dãy núi của Cao nguyên Đá Đồng Văn.

Khu nhà Vương được bao bọc giữa những dãy núi của Cao nguyên Đá Đồng Văn.

 

Năm 1905, khi thuốc phiện trở thành hàng hoá và là nguồn thu lớn của Pháp (có tài liệu nói nguồn lãi từ thuốc phiện chiếm gần 1/3 tổng thu của Pháp ở Đông Dương) nên Anh quốc cũng muốn tranh giành mối lợi này. Nhưng trong khi Anh đang mải thôn tính Miến Điện thì Tỉnh trưởng Vân Nam vốn có quan hệ từ trước với Pháp đã liên kết với toàn quyền Đông Dương lập công ty Á phiện Việt Điền để chia nguồn lợi này.

 

Giá thuốc phiện bấy giờ là 1 đồng bạc trắng/1 lạng cân tiểu ly = 37,5 g. Toàn quyền Đông Dương giao cho Sở Đoan chính Đông Dương làm đại diện thu mua, đồng thời đưa bàn đèn dạy dân cách hút thuốc phiện. Riêng Đồng Văn sản lượng thuốc phiện lúc cao nhất lên tới 20 tấn/năm. Chính nhờ thuốc phiện mà Vương giàu lên nhanh chóng, củng cố quyền lực, mua sắm vũ khí, nuôi được binh sỹ. Thắng lợi của Vương trước quân Pháp đã làm át bóng thổ ty người mèo là Dương Tụ Nghĩa đang sở hữu đất Mèo Vạc - vốn trước đó rất mạnh có mưu đồ thâu tóm quyền lực muốn cai quản cả vùng cao nguyên đá. Do thế lực về cả kinh tế và quân sự của Vương ngày một tăng nên quân Pháp nhượng bộ và hy sinh quyền lợi thả lỏng vùng đất Vương quản lý.

 

Tiếp đến, một sự kiện đáng nhớ là người Mèo toàn Đông Dương còn có cuộc nổi dậy đánh Pháp từ năm 1918-1921. Trước tình hình không thể kiểm soát được vùng Mèo, và nguy cơ mất nguồn thu lớn từ thuốc phiện, ông Vương được Pháp phong chức Chánh quan Mèo, và được đưa vào làm thành viên của công ty Việt Điền. Song do việc phân phối quyền lợi từ nguồn thu thuốc phiện có nhiều man trá, do chính sách nô dịch, o ép vô lý nên người mèo Đồng Văn có xu hướng ly khai và chuẩn bị vũ trang chống Pháp.

 

Thông qua bọn mật thám, Việt gian, Pháp nắm được tình hình. Năm 1936 thống sứ Bắc Kỳ tổ chức đấu xảo ở thị xã Hà Giang, mời cha con Vương Chính Đức và thủ lĩnh các dòng họ Mèo đến dự. Chúng lừa bắt được tất cả đưa về nhốt tại nhà tù Hoả Lò. Đây là lần thứ 2 thủ lĩnh mèo Đồng Văn bị Pháp bắt. Để lấy lòng Vương Chính Đức, Pháp cho ông và con trai Vương Chí Thành tại ngoại ở Hà Nội. Pháp muốn nắm Vương Chính Đức để thu phục đất Đồng Văn phục vụ âm mưu

chia để trị.

 

Sau sự kiện Nhật hất cẳng Pháp (9/3/1945) đến trước Cách mạng tháng Tám tình hình hết sức khẩn trương. Các lực lượng thân Pháp, Nhật, Tưởng, Việt Nam Quốc dân đảng (còn gọi là Việt quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (còn gọi là Việt cách) hoạt động ráo riết. Quân Tưởng Giới Thạch dồn người Mèo các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây áp sát biên giới Việt Nam. Để lấy lòng người Mèo, Đờ mông Ba Gia trưởng Phòng nhì mật thám Đông Dương nấp dưới danh nghĩa chủ sân quần ngựa Hà Nội thực hiện âm mưu, Đờ mông Ba gia ''thầy dùi'' cho chính quyền Pháp cách chức một số quan Nam triều nhằm lôi kéo Vương Chính Đức hợp tác chống Tưởng và Nhật.

 

Sau đảo chính vài ngày, quân Nhật đánh lên các tỉnh miền núi phía Bắc và đổ bộ vào đất Đồng Văn. Quân Pháp đã không thông tin cho người Mèo biết. Chúng lặng lẽ rút sang bên kia biên giới. Chính quyền tay sai do Hoàng Phủ Toại (người Tày ở Nước Hai, Cao Bằng) đứng đầu cũng chuồn theo chân bọn buôn lậu thuốc phiện. Thành ra người Mèo vừa phải phòng ngự, ngăn không cho quân Tưởng tràn vào, vừa phải nổ súng chống quân Nhật vừa tới. Trong thế mắc kẹt, Vương Chính Đức hết sức lúng túng. Khi đó cũng là lúc Cách mạng Việt Nam có chuyển biến mạnh mẽ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn dân ''ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm'', nhất tề nổi dậy cướp chính quyền về tay nhân dân.

 

Thấy được vai trò của Vương Chính Đức và lực lượng vũ trang Mèo, Bác cử đại diện của Việt minh là ông Hoàng Việt Hưng, ông Sơn Tùng và ông Thất Tinh đi từ Cao Bằng qua Đường Thượng - Bắc Mê vào Đồng Văn để gặp thủ lĩnh họ Vương bàn việc Việt Minh giúp người mèo chống Pháp, Nhật và Tưởng. Họ đưa ra 8 điều lệnh của Việt minh bàn với ông Đức. Sau khi suy nghĩ ông Đức đã nhận ra những điều đó đúng với mục đích chiến đấu của người Mèo, đồng thời mở ra lối thoát cho cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang Mèo. Việt minh còn cử ông Việt Hưng ở lại làm tham mưu cho ông Đức. Sau cuộc gặp gỡ này, ông Vương thở dài nhẹ nhõm, ngửa mặt lên trời mà rằng: ''Người Mèo ta xưa nay khắc đánh kẻ thù không có ai giúp đỡ. Nay có Việt minh, có cụ Hồ giúp, ta còn mong gì hơn nữa...'' Rồi ông nói với thuộc hạ: ''Việt Nam ta giờ đã có vua là cụ Hồ, ta phải theo cụ''. Cũng từ đây, chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho toàn bộ cao nguyên núi đá gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh là Châu Thường Kiệt do ông Vương Chính Đức đứng đầu. Cũng từ đây cuộc chiến đấu của người Mèo hoà vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Kế hoạch đưa Vua Mèo về Hà Nội

 

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chủ tịch long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Cộng hoà công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Lúc này, tình hình đất nước cực kỳ cam go. Thù trong, giặc ngoài đe doạ nền độc lập của Nhà nước công nông non trẻ. Hồ Chủ tịch thành lập Chính phủ lâm thời, tập hợp mọi lực lượng yêu nước có thể tranh thủ, hợp tác. Trong nhiều thành phần, tầng lớp xã hội, Bác rất quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Một trong những nhân vật ấy là cụ Vương Chính Đức - người thủ lĩnh Mèo nổi tiếng với những chiến tích đánh quân Pháp, Nhật, Tưởng giữ vững vùng đất Đồng Văn mấy chục năm qua.

 

Với lòng trân trọng, Bác viết thư cho Việt minh mang lên Đồng Văn mời cụ Vương về Hà Nội để bàn việc nước. Lúc này cụ Vương đã tuổi cao (81 tuổi) sức yếu không thể đi được nên ủy quyền cho con trai là Vương Chí Thành đi thay để đến tiếp kiến cụ Hồ.
 
Hiện nay, các hậu duệ và con cháu họ Vương đều sinh sống xung quanh khu vực nhà Vương.
Hiện nay, các hậu duệ và con cháu họ Vương đều sinh sống xung quanh khu vực nhà Vương.

 

Vương Chí Thành là con trai thứ 2 của cụ Vương với bà cả - có tên Mèo là Vàng Seo Lử (Vang T´sia Lưv). Viết theo chữ và nghĩa Hán là Vương Chí Thành. Âm hán đọc Thành là Sình, vì thế ông có 2 tên mà các tài liệu lúc thì viết là Sình, lúc viết là Thành đều được, không sai.

 

Thời kỳ này rất hỗn quân, hỗn quan, nào Nhật, Tưởng, Pháp. Các đảng phái lợi dụng nấp dưới các thế lực thù địch với cách mạng mọc lên như nấm sau mưa. Việt quốc là đám hung hăng nhất.

 

Ở Hà Giang có Hoàng Quốc Chính lợi dụng tình hình, theo gót quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Chính là uỷ viên của Quốc dân đảng, đóng trụ sở tại thị xã Hà Giang. Quân của Chính cũng là một thứ ''tạp pí lù'' nhưng lúc này vẫn còn mạnh không thể coi thường. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ông Vương, Việt minh cử ông Mai Trung Lâm lên Hà Giang nhằm 2 mục đích: 1. Phân hoá các lực lượng đối lập, ta chủ trương tập trung vào kẻ thù chính (sau này ông Lâm là đại tá chỉ huy trưởng Công an vũ trang khu Tây Bắc, sau nữa là chỉ huy trưởng CAVT Hà Giang - nay là bộ đội biên phòng) đến đàm thoại với Hoàng Quốc Chính; 2. Thực hiện kế hoạch đưa ông Vương về Hà Nội an toàn.

 

Là lần đầu tiên tiếp xúc với Việt minh, nên Chính chuẩn bị thật ''chu đáo''. Hắn tổ chức tiệc tại thị xã Hà Giang, cho mời quan quân, tướng lĩnh của quân Tưởng Giới Thạch đến dự. Sự bày binh bố trận cho hoành tráng là để thị uy cán bộ Việt minh. Lúc này, ông Vương Chí Thành từ Đồng Văn đi Hà Nội đang dừng chân nghỉ ở nhà riêng tại thị xã phía bên kia cầu. Từ lâu đã nghe tiếng ông Vương nhân dịp may này hắn mời ông cùng dự tiệc nhằm vào 2 mục đích: Phô trương lực lượng uy hiếp ông Lâm và lấy lòng, lôi kéo ông Vương, ngăn cản không cho ông Vương về Hà Nội và âm mưu giết cho được ông Vương. Hắn nói dối có lực lượng tới mấy trung đoàn, rồi nói với ông Vương: ''Hiện nay Việt minh đang bắn giết khắp nơi, Bác đừng đi vội. Để khi nào tôi dẹp yên bọn đó thì tôi với bác cùng về Hà Nội''. Nhưng thực chất hắn đã nảy ra ý định và có kế hoạch cho người phục kich giết chết ông Vương rồi vu cho Việt minh.

 

Trong bữa tiệc, hắn giới thiệu ông Lâm với ông Vương, có ý phô trương là quân mình rất mạnh nên Việt minh phải lên đàm phán. Động thái này không che mắt được ông Vương. Nhân lúc tan tiệc quân quan còn say sưa, ông Vương giả ra bàn nước phía xa - nơi ông Lâm đang ngồi. Ông hỏi nhỏ và nhanh: ''Ông có đúng là người của Việt minh không?”. Ông Lâm nói đúng và hỏi nhanh: ''Bác đang ở đâu? Tôi có thể gặp bác vào lúc nào?''. Ông Vương bảo: ''Nhà tôi ở ngay bên kia cầu. Cái nhà to cửa thẳng vào đầu cầu. Ông đến lúc nào cũng được''.

 

Sớm tinh mơ hôm sau, ông Lâm thức dậy vươn vai khởi động vài cái trước khi tập thể dục, rồi chạy thẳng sang bên kia cầu cách đó không xa, bà Vương ra mở cửa. Ông chạy vào phòng ông Vương khi ông Vương vẫn còn nằm chưa dậy. Ông bàn nhanh kế hoạch: ''Tốt nhất là bác xin được giấy giới thiệu của tướng quân Tưởng chỉ huy quân đoàn 52 đang đóng tại Hà Giang, nói là về Hà Nội để bàn bạc và giúp tướng Lư Hán. Có giấy đó, Chính không dám ngăn, không dám đụng tới bác. Bằng không, việc về Hà Nội bác đừng đi ngựa, vì rất nguy hiểm. Bọn Chính đang cố ngăn không cho bác xuống Hà Nội, nếu bác cứ cố đi nó sẽ phục kích giết chết bác. Chúng tôi đã lường trước tình huống này. Biết được đoạn nào bọn nó tăng cường lực lượng và đang phục kích. Chúng tôi đã có phương án bảo vệ bác. Bác lấy xe của thằng Kỳ mà đi''. (Kỳ là con một nhà giàu ở Hà Nội lên buôn bán ở Hà Giang - thân gia đình Ông Vương - đang bị mắc kẹt vì chiến sự giữa Việt minh và Quốc dân đảng chưa về được Hà Nội).

 

Ông Vương bảo: ''Nhưng tài của nó sợ không dám đi''. Ông Lâm nói: ''Bác cho gọi thằng tài Hồ dân nghiện thuốc phiện ở thị xã đến. Nó đang đói thuốc vì chiến sự bọn buôn lậu thuốc phiện không đến bán được. Bác cho nó hút thật đã, rồi biếu nó kha khá là nó đi ngay. Bác đi xe nó lái chỉ cần vượt ra ngoại vi thị xã đến cây số 17 - đường Hà Giang - Hà Nội sẽ có người đưa bác về Hà Nội''. Cảm thấy chưa thật yên tâm, ông Lâm dặn: ''Cứ làm đúng như thế ông bác nhé''. Nói xong, ông tức tốc chạy qua cầu trở về thị xã. Theo cách đó, ông Vương Chí Thành đã thoát ra khỏi thị xã Hà Giang bằng xe của Kỳ do tài Hồ lái...

 

Đinh Đức Cần (Còn nữa)