Săn chuột đêm
(Dân trí) - Chẳng ai ngờ lũ chuột cống hôi hám, chuyên ở những nơi tối tăm tận cùng trong thành phố lại là nguồn thu đáng kể của đội quân chuyên săn chuột đêm. Công việc có vất vả và nguy hiểm, song so với những nghề kiếm đêm khác, khoản thu nó mang lại là đáng mơ ước.
20.000đ/con chuột
Hà Nội sau 24h, đường phố chỉ còn lác đác dân chơi và người lao động đêm. Chính lúc này, tôi gặp anh Nguyễn Thạch Phong, người ở Đình Bảng, Bắc Ninh. Đêm nay Hà Nội khô ráo, không có mưa, anh Phong đang chuẩn bị cho một chuyến đi săn chuột cống. Nghề này, dẫu chỉ là làm thêm, nhưng mang lại cho anh và gia đình một nguồn thu lớn.
Anh Phong là một lái xe có bằng hạng D, nhưng nghề vận tải ngày càng khó khăn và nguy hiểm. Đã mấy năm nay, anh bỏ lái xe để theo nghề “dân gian” - theo cách anh gọi - và đã được coi là một tay kỳ cựu trong làng săn chuột. “Cái nghề không ai ngờ tới, nghề săn chuột cống, nếu chăm chỉ thì mỗi tối cũng kiếm được vài trăm bạc”, anh Phong tưng tửng nói.
“Mỗi cân chuột sống bán được 20.000đ, mỗi cân chuột thịt là 30.000đ. Không có mà bán. Khách mua phần lớn mang về để nuôi trăn, một số ít họ mua về làm đặc sản thịt chuột, bán cho thực khách”, anh Phong kể.
Chuột cống sống chui rúc trong thành phố, có những con to gần bằng... con mèo. Có lần anh Phong bẫy được con chuột nặng tới cả cân, thế nên mấy chục nghìn một con chuột cũng là chuyện bình thường.
Anh Phong khoe: “Một đêm, nếu bẫy được một yến chuột thì cũng đút túi 200 bạc rồi anh ạ. Nghề này chẳng cần dụng cụ gì ngoài mấy chục cái bẫy, chiếc xe máy buộc cái lồng đằng sau, với quan trọng nhất là kinh nghiệm nhìn vết chuột. Hôm nào may, bẫy được nhiều thì đút túi dăm bảy trăm. Cứ đi một đêm thì nghỉ một đêm”.
Và chẳng riêng gì anh, rất nhiều người khác ở Đình Bảng, cứ đêm xuống là âm thầm soạn bẫy, nai nịt lên đường đi săn chuột.
Tôi háo hức, nằn nì xin đi theo bằng được một lần. Anh đồng ý với điều kiện không được gây tiếng động gì.
Một đêm săn chuột
Khi tôi đến chỗ hẹn với anh Phong, chiếc lồng phía sau xe anh đã có tới hơn chục chú chuột cống béo múp. Anh Phong thường săn chuột ở các chợ, bãi rác, bờ sông, bến xe... Đêm nay, tôi theo anh men sông Tô Lịch.
| |
|
Anh giơ đôi tay chi chít sẹo: “Đây này, tay tôi đầy vết chuột cắn. Ban đầu người ta cũng nói là không cẩn thận sẽ bị dịch hạch, nhưng tôi bắt chuột mấy năm nay rồi, bị hàng trăm vết cắn, có sao đâu”.
Tôi thoáng rùng mình.
Cả đêm lùng sục bắt bớ, kết quả là hơn một yến chuột. “Đêm nay như thế là cũng tạm được đấy”, anh Phong cười hài lòng.
Nghề săn chuột nhìn thế mà cũng có những quy tắc riêng. Các thợ săn tự thoả thuận phân chia “lãnh thổ” làm ăn riêng. Như anh Phong là “phụ trách” khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Đi đêm lắm khi cũng gặp chuyện buồn cười. Anh kể có lần một nhóm nghiện chặn anh xin tiền, nhưng nhìn thấy lồng chuột sau xe lại thôi, “chúng nghĩ thằng săn chuột thì làm gì có tiền mà xin”, anh cười lớn. Lại có lần gặp mấy tay say xỉn, bọn này cứ đi theo anh chỉ trỏ lồng chuột, bảo anh xứng đáng được nhận một giải thưởng về môi trường.
Độ trước, đọc báo thấy nghề đi đêm về hôm nguy hiểm quá, anh định thôi, song lại tặc lưỡi: bỏ nghề thì chết đói. “Vả lại chúng tôi cứ tự phong cho mình là những người vì môi trường. Đúng hơn là vì vợ con trước, môi trường sau” - anh Phong cười sảng khoái.
Bảo Trung