1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quay cuồng cơn khát kỳ nam

Từ tin đồn một người tên Hoàng ở xã Đại Đồng (Quảng Nam) trúng đậm khoảng 10kg kỳ nam (trầm) tại khu vực Suối Chè (Khánh Hoà), bán được 200 tỉ đồng, đã kích thích hàng ngàn người dân địa phương và các tỉnh lân cận đổ về Suối Chè tìm vận may.

Gần một tuần đã trôi qua, dù chưa ai mảy may kiếm được một mẩu trầm nào, nhưng cơn khát kỳ nam ở đây vẫn chưa hề có dấu hiệu

hạ nhiệt.
 
Hàng trăm người dân tranh nhau moi rừng tìm vận may trúng kỳ nam.
Hàng trăm người dân tranh nhau moi rừng tìm vận may trúng kỳ nam.

 

Dưới chân Suối Chè, nghe tôi có ý định vào bãi “giũ rơm” (mót lại kỳ nam), ông Trần Nhớ, quê ở xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nhìn tôi từ đầu đến chân dò xét, rồi khuyên: “Có chi trong nớ mô mà mót. Đoàn tui cả mấy trăm người bán lúa, gà, heo... kéo vô đây để thử vận may suốt cả tuần nay, nhưng chừ đành “vãi gió” trắng tay quay về”.

 

Ông Nhớ cùng hàng trăm người khác là đồng hương của người tên Hoàng - được cho là trúng 10kg kỳ nam, bán được 200 tỉ đồng trước đó. Nhưng chính ông Nhớ cũng không biết thông tin đó có chính xác hay không. “Tui nghĩ đó chỉ là tin đồn thất thiệt thôi” - ông thở dài. Kệ lời khuyên của ông Nhớ, tôi vờ không nhụt chí, khoác balô lên vai, nhập vào một đoàn người thẳng tiến vào rừng.

 

Đổ xô moi rừng “giũ rơm”

 

Trời chập choạng tối, mưa bỗng nhiên xối xả, quất tối mặt tối mày. Chạm mặt một con suối có tên là Mò O đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết cắt đường. Vậy mà từng tốp người vẫn dò dẫm vượt suối và leo qua từng dốc đá vùng núi đồi Suối Chè dài hơn 2km để vào bãi mót kỳ nam ở tận tiểu khu 277 giáp rừng phòng hộ xã Sơn Trung, Khánh Sơn. Cùng họ qua đoạn dốc rừng lưng chừng núi, nhão nhoẹt, tôi như muốn ngạt thở bởi mùi rễ cây bốc lên hôi thối.

 

Phía ngoài mép rừng, nhiều nương rẫy cây trồng của người dân bản địa bị hàng ngàn lượt dân đi địu (người tìm trầm, kỳ nam) giày xéo, giẫm nát. Phía trước, cả vạt rừng chặt ngã còn tươi rói, nhiều cây cổ thụ bị triệt hạ nằm ngổn ngang, lật tung bộ rễ chỏng chơ lên trời. “Công trường” bãi đào với đất, đá xới tung, hầm hố loang lổ như sau trận bom càn.

 

Tôi chợt rùng mình nhớ lại trước lúc vào đây, ông Nguyễn Hữu Thơ - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Khánh Sơn - cảnh báo: Khu rừng này giáp rừng Gộp Ngà là vùng căn cứ cách mạng thời chiến tranh với nhiều bom, mìn còn sót lại trong lòng đất; dân tranh nhau đào bới, moi móc rừng để mót kỳ nam có nguy cơ gặp phải mìn nổ tung bất cứ lúc nào!
 
Nhiều gốc cây cổ thụ bị đào tróc gốc nằm ngổn ngang
Nhiều gốc cây cổ thụ bị đào tróc gốc nằm ngổn ngang

 

Khi không có lực lượng chức năng kiểm soát ngăn chặn, hàng trăm người bất chấp mọi thứ, vẫn hì hục, miệt mài ở bãi đào mót kỳ nam rộng chừng 200m2. Họ làm cả ban đêm. Sau khi hì hục xỉa xói từng gốc cây hốc đá nhưng không có kết quả, họ dừng lại để nhang đèn cúng bái thần linh. Cúng xong lại đào. Đào mệt lại cúng... Nếu đánh hơi thấy bóng dáng công an, quân đội, kiểm lâm hay dân quân tự vệ... lên bãi, lập tức họ hú nhau báo tin và trốn vào rừng.

 

Ông Nguyễn Dũng - quê ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - thở dốc: “Tui “giũ rơm” đã 3 ngày mà chẳng thấy dấu vết chi của kỳ nam ở đây cả. Chẳng lẽ là tin đồn?”.

 

Nghe vậy, ông Trần Ngọc Hữu - một người đi địu khác ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà - đứng cạnh bên, cãi: “Chắc chắn là có. Bằng chứng là ngày 23.9, có 56 người dân đi địu trúng 1,2kg kỳ nam, bán ở Vạn Ninh chia được 260 triệu đồng/người. Hôm nay, mấy trăm người quê tôi thuê ô tô lên Suối Chè mót kỳ nam để mong đổi đời, nhưng đã bị lực lượng chức năng chốt chặn ở đỉnh đèo Khánh Sơn rồi”. Hỏi ông Hữu rằng đã gặp ai trong số 56 người trúng kỳ nam đó chưa? Ông gãi gãi đầu...

 

Rớt nước mắt vì tin đồn

 

Khác với những người mới nghe trúng đậm kỳ nam và háo hức chạy theo tin đồn để vượt rừng vào bãi đào bới, trên lưng chừng núi đồi, tôi gặp nhiều tốp người lại thất thểu “xuống núi”. Trông gương mặt họ nhàu nhĩ, đen nhẻm, hốc hác đến lạ. Anh Nguyễn Dũng - cũng quê ở Đại Lộc, Quảng Nam - buồn bã: “Khoảng 300 người dân ở Quảng Nam bám trụ mấy ngày rồi chẳng thu được bất kỳ “chiến lợi phẩm” gì, nhiều người như tụi tui đành phải tháo chạy, vì không chịu được đói khổ”.

 

Thê thảm hơn, nhóm của ông Nguyễn Văn Phố với 22 người cũng thuê xe từ Đại Lộc, Quảng Nam đến Khánh Sơn mót kỳ nam được 3 ngày, nhưng trắng tay và hiện không biết lấy đâu ra tiền về quê.

 

Ông Phố lau nước mắt: “Vợ đau tim, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, một mình tôi làm mấy sào ruộng không đủ ăn. Khi nghe người ta trúng kỳ nam, tôi bán heo, gà... để góp 3 triệu đồng đi núi, mong được “hái lộc” đổi đời. Nhưng vận may đâu không thấy, lại bị lực lượng chức năng địa phương đập phá xoong nồi, lấy hết vật dụng, tiền bạc và đẩy đuổi, hiện chúng tôi không còn một đồng dính túi...”
 
Kéo nhau vào rừng tìm kỳ nam
Kéo nhau vào rừng tìm kỳ nam

 

Trời vẫn mưa. Núi rừng đen kịt. Hàng trăm người dân ở các nơi vẫn cố bám trụ tìm kỳ nam phải chui rúc trên từng hốc đá, chòi tranh, nhựa dã chiến. Bên này là các “nhóm địu” của tỉnh Quảng Nam, Khánh Hoà; giữa rẫy sắn là nhóm Đà Nẵng; nhóm Phú Yên ăn ở lẩn khuất trong gộp đá to ở xa phía bãi đào kỳ nam... Họ mất ăn mất ngủ để đêm đêm “đội” sương gió, ướt lạnh và lén lút ra bãi xới tìm kỳ nam.

 

Ngồi trong cái chòi bạt che mưa, ông Cao Thế Nhân - đến từ thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà - mếu máo: “Người trúng kỳ nam chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn người trắng tay lặng lẽ xuôi về. Ở đây, giá cả thức ăn chặt chém. Ngày ngày, nhóm chúng tôi ăn cơm với nước mắm, gặm mì tôm khô, uống “nước mắt” (rượu trắng) suông với hy vọng vận may còn ở phía trước...”

 

Chưa ngăn nổi “cơn khát” kỳ nam

 

Sáng 25.9, khi mây mù còn phủ kín núi đồi Khánh Sơn, những người ở ẩn trong rừng lại tiếp tục mang cuốc xẻng túa ra bãi đào bới kỳ nam. Tôi trở ra đường tỉnh lộ 9 về xuôi. Trên đường về, chốc lát lại “đụng đầu” với một nhóm người vác trên lưng cái bao nhựa to tướng đựng đồ dùng cá nhân, chờ đón ôtô lên núi tìm kỳ nam.

 

Thượng tá Nguyễn Tiến - Phó công an huyện Khánh Sơn - cho hay: “Lực lượng kiểm tra đã phải vất vả ngăn chặn, đẩy đuổi từng người ra khỏi rừng. Nhưng với họ, “cơn khát” đổi đời từ mót kỳ nam vẫn đau đáu trong lòng, nên khó từ bỏ, khó dứt ra được!”.

 

Cũng theo thượng tá Nguyễn Tiến, đội kiểm soát chốt chặn tại trạm kiểm lâm ở đỉnh đèo Khánh Sơn thuộc xã Ba Cụm Bắc đã kịp thời ngăn chặn khoảng 100 người đi xe máy; 3 xe ôtô  biển số Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng... chở người và vật dụng lên Suối Chè. Do chặn ở đỉnh đèo, dân đi tìm kỳ nam tá túc đông đúc ở các hàng quán nằm dọc tỉnh lộ 9.

 

Rồi không thể buông xuôi trước việc địa phương chốt chặn ở đỉnh đèo, nhiều người đang thuê xe đi vòng vào Phan Rang, vượt rừng núi huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) đến vùng giáp ranh xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), rồi chạy ngược về tỉnh lộ 9 để đến Suối Chè, Sơn Trung. Và cuộc tranh nhau xới tung rừng núi Suối Chè tìm kỳ nam một cách vô vọng, xem ra vẫn chưa đến hồi kết thúc...
 

Còn hàng trăm người trong rừng. Trao đổi với phóng viên Lao Động trưa 25.9, ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - khẳng định, số người dân không tìm được kỳ nam đã bỏ về rất nhiều, nhưng vẫn còn hàng trăm người mới lén lút lên rừng và còn ở trong rừng tìm cách đào bới, nhất là vào ban đêm.

Trước thực trạng này, huyện củng cố hai đội chuyên trách gồm lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, ban quản lý rừng của huyện và dân quân xã Sơn Trung. 36 người của đội này chia nhau thay phiên trực kiểm soát 24 giờ ở đỉnh đèo để ngăn chặn phương tiện, kiểm tra giấy tờ những người đến Khánh Sơn; và ngay tại bãi đào kỳ nam để truy quét, triệt phá hoàn toàn nạn đào bới tìm kỳ nam, lập lại an ninh trật tự địa phương. Nếu trường hợp nào quá khó khăn thì huyện hỗ trợ kinh phí tàu, xe cho họ về quê.
 
Lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn vẫn chưa thể kiểm soát được khu vực đào bới tìm trầm.
Lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn vẫn chưa thể kiểm soát được khu vực đào bới tìm trầm.
 

 

Theo Lưu Phong

Lao Động