1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Ông vua" vũ khí Việt Nam Trần Đại Nghĩa (4)

(Dân trí) - Dù ở cương vị nào, GS Trần Đại Nghĩa cũng quy tụ được đội ngũ trí thức, đoàn kết và hướng họ vào mục tiêu xây dựng một nền khoa học Việt Nam hiện đại, đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ông trở thành một trong số những người đại diện tiêu biểu của giới trí thức yêu nước Việt Nam.

Kỳ cuối: Một đại trí thức, nhà khoa học anh hùng

 

Chống vũ khí hiện đại của Mỹ

 

Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Trần Đại Nghĩa được phong danh hiệu Anh hùng lao động, một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trần Đại Nghĩa được chuyển ra ngoài quân đội. Nhưng một thời gian sau, ông được trở lại để chế tạo vũ khí trong chiến tranh chống Mỹ.

 

Năm 1966, Bác Hồ đã nói với Quân uỷ Trung ương: "Kháng chiến chống Pháp tôi đem chú Nghĩa về nước là để chú ấy phục vụ cho Quốc phòng. Nay kháng chiến chống Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn về mặt vũ khí, đạn dược, sao lại để chú ấy ngồi làm việc ở cơ quan bên ngoài, không gọi chú ấy về giúp cho Bộ Quốc phòng?" Sau đó, Trần Đại Nghĩa được gọi trở lại Bộ Quốc phòng, làm Phó Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần, phụ trách về kỹ thuật. Đó cũng chính là năm ông được bầu làm Viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.

 

Về lại với quân đội, Trần Đại Nghĩa vận dụng tất cả những kinh nghiệm quý báu tích luỹ được trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như các kinh nghiệm rất phong phú của thế giới sau Thế chiến 2. Cần nói thêm rằng, đến năm 1966, nước ta đã mạnh hơn nhiều so với năm 1946, có đội ngũ Quân giới mạnh sau 20 năm xây dựng, được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ nhiệt tình về vũ khí hiện đại và hậu cần. Nhưng về phía địch thì đế quốc Mỹ năm 1966 mạnh hơn Pháp năm 1946 nhiều lần.

 

Đối đầu với những vũ khí, khí tài hiện đại và phức tạp của Mỹ, lúc đầu ta phải cải tiến các vũ khí được viện trợ. Sau đó, phải phát triển nhiều loại vũ khí khác nhau để địch đối phó khó hơn. Tình hình chiến trường, chiến lược, chiến thuật của ta có nhiều điểm khác với các nước, bởi vậy việc sản xuất thêm vũ khí mới cho thích hợp là rất cần thiết, mặc dù việc cải tiến các vũ khí tài trợ cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn, máy bay B52 của địch có tầm bay rất cao, ngoài tầm bắn của tên lửa SAM-2 do Liên Xô viện trợ và có sức oanh tạc ghê gớm. Ta phải phá chống nhiễu của B52 đối với SAM-2, phải nghiên cứu cải tiến để nâng độ bay cao của SAM-2. Nếu không cải tiến thì tên lửa này khó lòng tiêu diệt được mục tiêu.

 

Mỹ dùng đủ loại vũ khí mới với khối lượng khổng lồ. Những năm 1965 - 1966, đế quốc Mỹ bắt đầu oanh tạc đường 559 bằng vũ khí đa dạng như bom bi, bom laze, bom từ trường, cây nhiệt đới, tia hồng ngoại, máy đếm, máy thông tin... Kèm theo đó là các loại máy bay mà nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến B52. Ta làm thêm nhiều đường bí mật mới để tăng thêm khối lượng vận chuyển cho chiến trường miền Nam. Các đơn vị như Cục Quân giới, Viện Kỹ thuật quân sự, các quân chủng, binh chủng đều phải nghiên cứu về các loại vũ khí mới của địch.

 

Các nhà khoa học đã hướng dẫn cho các đơn vị nhiều biện pháp chống vũ khí, chẳng hạn bom từ trường, cách chống đơn giản nhất là dùng mảnh sắt buộc vào đầu dây, kéo qua chỗ có bom để phá. Cây nhiệt đới thì lấy dây buộc các cành lại làm chúng mất tác dụng. Bom laze thì đốt khói đánh lừa. Với mìn lá thì ta đối phó bằng cách đi theo những con đường mòn sẵn có, không có cỏ, có thể tránh được mìn. Khi phát hiện thì gom cành lá cây vun lại thành đống lá để người sau phát hiện được. Đặc biệt, với máy bay B52- loại pháo đài bay chiến lược của Mỹ, ta đã nghiên cứu và có những biện pháp đối phó hữu hiệu, như dùng cao xạ phòng không, cải tiến nâng tầm cao của tên lửa SAM-2...

 

Nhận định về những vũ khí, khí tài của Mỹ, Trần Đại Nghĩa cho rằng vũ khí cho dù có hiện đại đến mấy đi nữa thì vẫn có nhược điểm. Ta cần nghiên cứu, phát hiện và khoét sâu vào những nhược điểm và đó là biện pháp đối phó tích cực nhất. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Ngày lịch sử ấy, ông ghi vào sổ tay: "Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành".

 

Đưa Phạm Tuân lên vũ trụ

 

Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, tháng 5/1975 Chính phủ đã quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam - Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước về khoa học tự nhiên và một số ngành kỹ thuật. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được cử kiêm chức vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam.

 

Ban lãnh đạo Viện phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, xây dựng nền khoa học Việt Nam trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, thiếu thốn đủ mọi đường, từ lực lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, kinh phí... Nhưng Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, đội ngũ nhà khoa học giỏi.

 

Năm 1979, có một sự kiện rất đáng nhớ: Viện được giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để thực hiên chương trình khoa học cho chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Phạm Tuân vào giữa năm 1980. Viện sỹ Trần Đại Nghĩa cùng các đồng sự của ông đã có những chuẩn bị rất tích cực.

 

Vào lúc 1 giờ 33 phút 03 giây (giờ Hà Nội) ngày 24/7/1980, tại sân bay vũ trụ Bai-cô-nua (Liên Xô)  tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorơbatco và Phạm Tuân  điều khiển đã phóng lên quỹ đạo. Tới 3 giờ 2 phút ngày 25/7/1980, tàu đã thực hiện thành công việc lắp ghép với tổ hợp qũy đạo "Salút 6". Khi bay lên vũ trụ, Pham Tuân mang theo Quốc huy Việt Nam, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung hai Tổng Bí thư Đảng cộng sản: Brê-giơ-nép và Lê Duẩn, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nắm đất lấy từ quảng trường Ba Đình, nơi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà...

 

Những kỷ vật ấy đều gắn với lịch sử dân tộc, mang ý nghĩa rất lớn. Chuyến bay lên vũ trụ có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân ta. Riêng với Viện khoa học Việt Nam và Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thì ý nghĩa về mặt khoa học và chính trị càng to lớn.

 

Một tấm gương trí thức sáng ngời

 

Về già, giáo sư Trần Đại Nghĩa mới có dịp hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong suốt cuộc đời ông. Ông mồ côi cha từ năm lên bảy. Tuổi thơ bất hạnh của người con duy nhất trong gia đình tạo cho ông sớm có nếp suy nghĩ tự lập. Từ trí óc non nớt, ông đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn với đèn sách để mong có ngày đền đáp lại công đức của cha mẹ, người thân ruột thịt đã từng nuôi dạy giúp đỡ. Chính sự dồn nén, kiên nhẫn quyết tâm lâu ngày trở thành một tập quán trong sinh hoạt định hình của ông, đó là suốt ngày cặm cụi đọc tài liệu, ghi chép và suy tư.

 

Hình ảnh của Trần Đại Nghĩa lắng đọng sâu đậm nhất trong tâm trí mọi người là một con người nhân hậu, khiêm tốn, bình dị. Tấm lòng ông rộng mở với mọi người. Những người từng tiếp xúc với ông luôn thấy ở ông vẻ hiền lành bình dị rất đáng mến. Dù là một nhà khoa học uyên bác, một GS.VS nhưng ông luôn khiêm nhường. Ông luôn ca tụng hết lời những nhà khoa học khác như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm... và nhận phần yếu kém hơn về mình.

 

Những ngày cuối cùng, nhà khoa học tuổi già sức yếu, sống cùng bệnh tật. 16h20 ngày 09 tháng 08 năm 1997, ông đã qua đời hưởng thọ 85 tuổi. Người ta nói rằng, vẻ mặt ông lúc ra đi rất thanh thản, ông nhìn người vợ đã tần tảo bên ông suốt mấy chục năm bằng ánh mắt trìu mến, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Cuộc đời ông chính là cuộc đời phù hợp với bức chân dung lý tưởng của người Việt đi du học để tiếp thu những gì cần thiết cho đất nước rồi trở về hoà mình với nhân dân trong nước, đem trí tuệ, tài năng, công sức tham gia chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.

 

Lê Bảo Trung