1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Những câu chuyện buồn ở vùng “đất chết”

(Dân trí) - Khi khoa học còn chưa có kết luận chính thức rằng hóa chất DDT là tác nhân gây họa cho con người thì ở xóm Lớn đã có vô vàn người dân chết vì ung thư; nhiều người sống lay lắt vì đủ thứ bệnh; biết bao cặp vợ chồng không thể có con, hoặc hạ sinh những đứa trẻ dị tật, đoản mệnh…

>> Tàn dư đáng sợ của chiến tranh

 

Ốm đau và dị tật

 

Bà Nguyễn Thị Lài bảo các con bà đều làm nhà trên nền kho thuốc ngày trước. Giờ mấy đứa con trai đều bệnh tật, nằm một chỗ, mọi gánh nặng trút lên vai vợ.

 

Anh con trai bà Lài là Võ Văn Nhàn, 44 tuổi, ở xóm 1, nhúc nhắc đôi chân bệnh, chỉ vào đám đất ngoài vườn: “Đây là nền kho thuốc trước kia, thuốc vẫn còn nhiều dưới đó lắm”. Như để chứng minh, anh cào cào lớp đất, để lộ ra một chất màu trắc đục như vôi, có mùi hắc rất khó chịu.

 

Sống ở đây từ hồi mới lấy vợ, năm 1986, cho đến giờ gia đình anh và một nhà hàng xóm vẫn ăn nước giếng đào ở sân. Hồi đó không nghĩ đất và nước ngấm hoá chất, về sau biết nước ô nhiễm nhưng vẫn phải ăn vì “không dùng thì lấy nước đâu”.

 

Anh Nhàn tâm sự: “Không biết có phải hóa chất ngấm vào người và phát tác hay không mà từ năm 2002 lại đây tôi đau ốm liên miên. Bị bệnh khớp rồi gút, chỉ nhúc nhắc đi lại trong nhà chứ chẳng làm được gì. Trước khỏe như voi, giờ chỉ bám vợ thôi”. Ba đứa con anh Nhàn đứa thì dị tật, đứa sức khỏe rất kém, còi cọc. Con trai đầu đau ốm liên miên, cháu thứ hai và cháu dị tật bẩm sinh ở chân, gây khó khăn trong cuộc sống.

 

Người hàng xóm ăn chung nước giếng của anh Nhàn tên Hường. Anh này cho biết nhà có nuôi con trâu, tự dưng bị rụng hàm, long móng rồi lăn ra chết. Cũng chả dám ăn, phải nhờ chòm xóm khiêng đi chôn. Bản thân anh Hường bị bệnh khớp, con trai đầu sinh ra khoẻ mạnh nhưng dần bị bại liệt chân; con gái lớn bị u buồng trứng, không khả năng sinh nở. “Thương con lắm nhưng chẳng biết làm gì”, anh Hường xót xa.

 

Ở xóm Lớn, cảnh nhà buồn như thế không hiếm. Ông Võ Trung Việt ở xóm 1 bị bệnh khớp, hễ ngủ dậy là nôn ẹo. Con ông đứa bại liệt, đứa bị u rồi mờ mắt. Anh Nguyễn Văn Linh ở xóm 1, vợ sinh hạ 4 người con thì 2 đứa quái thai, đoản mệnh; 2 đứa sống sót thì gầy còm ốm yếu.

 

Anh Linh cho biết: “Làng này ai cũng có người bệnh. Phụ nữ cứ 30 tuổi trở lên tự dựng rụng hết tóc. Nay họ đã chữa chạy nên đỡ đi rồi”.

 

Cõng vợ... trả ông bà ngoại

 

Đó là câu chuyện buồn có một không hai của chị Hoàng Thị Liên (SN 1968), người phụ nữ mà hồi trẻ đã làm bao chàng trai điêu đứng. Chưa đầy 20 tuổi, chị yêu và về làm dâu ở xóm 1. Sống với nhau gần 10 năm mà không có con, đi khắp bệnh viện không có kết quả gì; người chồng trở chứng, thường cáu gắt, chửi bới vợ.

 

Rồi chị Liên lâm bệnh. Lúc đầu 10 ngón chân và đầu gối đỏ tấy, sưng húp lên, rồi hai chân bị co rút lại và không thể cử động được. Chị nằm một chỗ, uống bao nhiêu thuốc không khỏi. Từ đó, chồng chị càng ra sức hắt hủi, nhục mà, chửi đánh.

 

“Một hôm anh ấy nhấc bổng tui lên rồi cõng trên lưng, chẳng nói chẳng rằng hùng hục đi. Đến nhà bố mẹ đẻ tui anh ta bỏ tọt tui xuống chiếc chõng tre dưới bếp rồi nói với bố tui: Tôi trả con gái lại cho ông bà nuôi. Xong việc quay ngoắt ra cổng, vừa đi vừa chửi thề...”, chị Liên đau đớn nhớ lại. Ít tháng sau, chồng chị lấy vợ khác.

 

Thời gian gần đây, chị Liên lại bị co ngón tay, chân và khớp vai, không cử động đc; đôi mắt thì gần như đã mù loà. Ông Hoàng Văn Luân, bố đẻ chị, bức xúc: “Nó đối xử với con tôi như con trâu con bò, không còn sức kéo nữa thì trả lại cho gia chủ. Tui có 8 người con thì đứa nào cũng khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì. Liên trước đây cũng không có dấu hiệu gì, chỉ đến khi theo chồng về sống ở xóm bên thì mới sinh sự”.

 

Được biết nhà vợ chồng chị sinh sống trước đây nằm trong khu vực những vùng trọng điểm có kho thuốc bảo vệ thực vật. Không dám khẳng định đó là tác nhân trực tiếp gây nên những bất hạnh cho chị nhưng chắc chắn đã có những tác động không nhỏ.

 

Đặng Nguyên Nghĩa