1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhớ nhà thơ Phạm Hổ

(Dân trí) - Với tình cảm chân thành, tác giả Nguyễn Huy Thắng (con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) đã có những dòng cảm nhận riêng về nhà thơ Phạm Hổ nhân một năm ngày mất của nhà thơ (4/5/2007-4/5/2008). Chúng tôi xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết này.

Ngày 6 tháng 5 năm ấy là ngày lập hạ, và cũng là ngày sinh của cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cha tôi sinh năm 1912, đến năm ấy (2002), nếu còn sống, ông vừa tròn 90 tuổi. Thế mà ông đi xa đã được hơn bốn mươi năm!

 

Tan sở, trước khi về nhà, tôi tạt qua căn nhà cũ, nơi cha tôi đã sống cùng chúng tôi  cho đến khi ra đi mãi mãi. Sau từng ấy năm, chúng tôi lần lượt lập gia đình, đi ở riêng mỗi người mỗi chốn. Riêng mẹ tôi vẫn ở lại, không muốn xa nơi đã gắn bó kỷ niệm với cha tôi. Song dạo ấy bà không được khỏe, nên đến nhà các con ít hôm cho tiện việc chăm sóc. Chiều hôm đó, tôi về qua nhà là để thắp hương cho cha tôi. Nhân 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trên báo Thể thao Văn hóa có một bài viết tưởng nhớ ông, bài Vài kỷ niệm về một người anh. Tác giả của bài viết là nhà văn quân đội Siêu Hải.

 

Cha tôi, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bên cạnh công việc sáng tác mà ông say mê hơn cả mọi thứ, còn đặc biệt quan tâm giúp đỡ các nhà văn trẻ, các tài năng mà ông phát hiện, động viên, dìu dắt. Nhà văn Siêu Hải, tác giả ký sự Voi đi nổi tiếng, là một trong số những nhà văn ấy. Chính chú, trong bài viết nói trên, cũng đã gói gọn tình cảm của mình đối với cha tôi bằng một câu kết: “Giờ đây, mỗi lần ngồi vào bàn viết, tôi lại như thấy anh Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn, đang tận tình dìu dắt, tập hợp chúng tôi thành đội ngũ tiếp bước con đường của anh”.

 

Nhà văn Siêu Hải quý mến cha tôi, biết ơn người đi trước dẫn đường, nhân 90 năm sinh cha tôi, chú có bài tưởng nhớ đến ông, âu cũng là điều dễ hiểu. Dẫu sao tôi đã rất cảm động khi đọc bài của chú và đương nhiên, tôi muốn được dâng bài viết đó lên bàn thờ cha tôi. Tình cờ thế nào, hôm ấy nhà thơ Phạm Hổ - sau đây tôi xin được gọi bằng chú như vẫn xưng với chú lúc sinh thời - cũng đến chơi. Không gặp được ai, chú để lại mấy chữ, nhờ hàng xóm chuyển lại cho chúng tôi.

Tiếc không được gặp chú, tôi càng thêm ái ngại khi xem đến bức thư. Chữ chú vốn đẹp, nhưng giờ thì khác hẳn. Có thể do vội, cũng có thể do không có bàn ngồi viết đàng hoàng, nhưng tôi nghĩ cái chính là lúc này chú đã có tuổi, mắt mờ tay chậm, nét chữ run rẩy như không còn làm chủ được. Những dòng chữ xiêu vẹo ấy, tôi dám chắc một người khác khó có thể luận ra được. Song với tôi, bao nhiêu năm đọc bút tích của cha tôi và thư từ người thân, bạn bè gửi cho ông đã không uổng. Sau nhiều lần đọc đi đọc lại, thử nhiều phương án lắp ghép chữ nghĩa với nhau, cuối cùng tôi cũng đã giải mã được lá thư của chú. Xin được chép lại y nguyên:

 

 

Hà Nội 6-5-2002

 

Thắng ơi,

 

Chú xuống thăm sức khỏe Mẹ, thắp hương cho Bố rồi xin về.

 

Cô ốm hơn hai tháng nay, giờ vẫn chưa đỡ. Sông Đông sáng thứ 2 phải họp giao ban.

Chú phải về nhà ngay với Cô để Sông Đông kịp đi họp.

 

Cháu thưa giúp với Mẹ chú chúc Mẹ vui, khỏe, chóng bình phục.

 

Lần sau chú sẽ ở lại lâu,

 

Chú,

Phạm Hổ

 

 

Phải chăng nhớ đến ngày sinh cha tôi, chú đến để thắp hương tưởng nhớ ông? Hay nghe tin mẹ tôi dạo này không khỏe, chú đến hỏi thăm, động viên người ốm và gia đình? Chỉ biết hôm ấy, chú đã phải tranh thủ ghê lắm một chút đầu giờ buổi sáng, để còn vội về chăm sóc cô, kịp cho Sông Đông, con gái út ở với cô chú, đi làm. Nhưng chú thì cũng có được khỏe lắm đâu, cứ trông nét chữ thì rõ!

 

***

 

Đúng là, chỉ vài tháng sau, chú Phạm Hổ phải vào bệnh viện. Ngay ở lần nhập viện này, bệnh tình của chú đã rất nguy kịch. Chú không tự thở được, mà phải mở khí quản để thở máy. Ăn uống cũng vậy, phải đưa thức ăn từ ngoài vào bằng cách bơm thẳng vào dạ dày. Chúng tôi được tin chú ốm nặng, vào thăm, chỉ thấy quanh người bệnh toàn dây dợ nối với các thiết bị y tế. Sông Đông vừa khẽ quạt cho cha, vừa cố kìm giọng nói ba em gay lắm, các anh chị ạ. Trong thâm tâm chúng tôi cũng nghĩ thế, nhưng vẫn cố an ủi, động viên gia đình.

 

Một tuần, hai tuần, rồi nhiều tuần trôi qua, chúng tôi hỏi thăm thì được biết nhà thơ Phạm Hổ vẫn đang chống chọi với bệnh tật và có chiều hướng bình phục. Suốt thời gian đó, ba chị em Sông Hồng, Sông Hương, Sông Đông thay nhau chăm sóc cha cả ngày lẫn đêm, lại còn phải chăm lo cho mẹ ở nhà cũng đâu được khỏe. Mỗi sáng, khi đón người thân vào thay phiên cho nhau, câu đầu tiên người bệnh hỏi khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài là: “Hôm nay mẹ có khỏe không?” - “Mẹ khỏe, ba yên tâm”, câu trả lời kèm nụ cười làm yên lòng người bệnh dường như cũng làm bớt đi vẻ phờ phạc của người trông.

Một lần tôi gặp Sông Hồng ở bến xe buýt trong lúc đợi xe đến cơ quan. Tôi hỏi thăm sức khỏe thì Sông Hồng trả lời, ốm thì không ốm, nhưng người lúc nào cũng như bay bay. Nhưng lạ thế, cứ đến phiên vào trông bố thì lại khỏe ra, xuống khỏi xe buýt là đi phăm phăm vào bệnh viện, vượt hết người này đến người khác...

 

Nhờ ý chí của người bệnh, nhờ sự chạy chữa hết lòng của bệnh viện, và đặc biệt nhờ sự chăm nom tận tụy của ba cô con gái, sự chăm nom mà chúng tôi cùng lấy làm cảm phục, chú Phạm Hổ đã qua khỏi và trở về nhà. Chú khá mạnh khỏe, tuy không hoàn toàn được như trước, nhưng ít nhiều cũng đã có thể làm việc. Có lần tôi đến chơi, chú hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi, và cho biết dạo này chú đang viết hồi ký. Trong đó có nhiều kỷ niệm với bố lắm, chú bảo tôi thế...

 

Thế rồi Tết năm Bính Tuất, lại nghe tin chú ốm nặng, phải vào viện. Lần này, cũng lại phải mở khí quản để thở máy! Chúng tôi không ai nói ra, nhưng đều nghĩ đến một kết cục không thể tránh khỏi. Thường người ta đã phải mở khí quản là gay lắm rồi, lại là lần thứ hai, khó có hi vọng lắm!

 

Nhân mấy ngày nghỉ Tết, tôi rủ vợ tôi vào thăm chú. Thường ngày Tết, người ta kiêng những việc như thế này, sợ đen. Nhưng vợ tôi cũng nể tôi, vả lại đi thăm chú Phạm Hổ chứ ai đâu mà phải tính chuyện may rủi. Bệnh viện Hữu nghị ngày Tết vắng lặng, chỉ những bệnh nhân rất nặng, không thể về nhà được mới ở lại. Người thăm nom cũng ít hẳn đi. Chúng tôi tìm đến phòng chú Phạm Hổ, lại vẫn cảnh như năm nào, một ống dây dẫn từ cổ họng người bệnh đến máy thở. Lúc ấy chú Phạm Hổ đang thiêm thiếp ngủ. Những ngày này, người bệnh thường bặt đi trong giấc ngủ triền miên. Tôi cũng muốn để cho chú ngủ, nhưng Sông Đông nhất định đòi đánh thức bố để bố biết anh chị Thắng vào thăm. Sông Đông biết chú quý tôi lắm, biết tôi vào, thế nào chú cũng vui lên.

 

Quả thật, khi Sông Đông đánh thức bố và ghé vào tai bố nói có anh Thắng, chị Hoa đến chơi, chú từ từ mở mắt, mỉm cười và khẽ đưa tay ra. Tôi nắm chặt tay chú và chú cũng nắm chặt tay tôi như biểu cảm một điều gì. Đến lúc tôi xin phép ra về, chú níu tay tôi lại và nói thều thào gì đấy mà tôi không hiểu. Sông Đông cũng căng tai nghe và lát sau đáp lại lời chú: Vâng, vâng, con hiểu rồi, rồi quay sang tôi nói: “Ba em hỏi thăm sức khỏe mẹ anh và chúc bác mạnh khỏe”. Ngày Tết người ta vẫn thường chúc nhau sức khỏe, tôi nhận thay mẹ tôi lời chúc của chú và không khỏi nao lòng: Còn chú, liệu có qua khỏi được không!

 

***

 

Chú Phạm Hổ đã qua khỏi. Lại một lần nữa chúng tôi kính phục ý chí của người bệnh và kính nể sự chăm sóc của ba chị em, ba con sông ăm ắp tình thương cha mà người cha may mắn nào đã sinh thành. Tết năm sau, Đinh Hợi, tôi và vợ tôi lại đến thăm chú. Chúng tôi mang quà năm mới là một bó cúc đại đóa vàng rực rỡ. Cúc, theo ngôn ngữ của loài hoa, biểu tượng cho người có tuổi. Chúng tôi mừng là những bông cúc mình mua có cành cứng cáp, lá cũng tốt tươi. Chỉ ngại một điều: Tết nhà nào cũng đã sẵn hoa rồi, mang hoa đến liệu có phải chở củi về rừng?

 

Đúng là nhà chú có rất nhiều hoa. Hoa trên bàn thờ, hoa trên bàn tiếp khách, hoa trên bàn làm việc ở phòng trong, và cả hoa trên tường nữa. Đó là những bức tranh hoa nhà thơ vẽ những khi có hứng với cây cọ. Trong lúc đợi Sông Đông lấy lọ ra cắm hoa cúc chúng tôi mang đến, chúng tôi xin phép được xem mấy bức tranh...

 

Câu chuyện chiều hôm ấy giữa mấy chú cháu chúng tôi diễn ra thật êm đềm. Nhà thơ, nói trộm vía, nhờ giời trông khỏe khoắn. Chúng tôi thì chẳng vội vàng gì. Sông Đông cắm hoa xong, cùng ngồi nói chuyện. Câu chuyện miên man hết cung thiếu nhi, phim hoạt hình, chuyện hoa chuyện quả rồi đến chuyện bác Tuân, bác Tưởng... Tất nhiên, chú Phạm Hổ không quên hỏi chuyện mẹ tôi, chú lấy làm tiếc giờ thì chẳng thể đến thăm mẹ tôi được. Chú nhớ, ngày nào vẫn còn đạp xe đến nhà tôi. Ngay như hôm mang bức ký họa chú vẽ cha tôi đến tặng mẹ tôi, bức vẽ kể cũng khá cồng kềnh, chú vẫn tự đi xe được mà. Còn bây giờ thì...

 

Một thoáng buồn ánh nơi đuôi mắt nhà thơ. Nhưng như sợ người khác buồn lây, chú bỗng khoát tay chỉ lọ hoa cúc Sông Đông cắm xong tạm đặt ở góc nhà, cười nói: Nhưng vẽ thì chú vẫn vẽ được. Nhìn lọ cúc này, chú chỉ muốn vẽ ngay!

 

***

 

Thế rồi năm sau, lại nghe tin chú Phạm Hổ phải vào viện. Lại phải mở khí quản. Lần này là lần thứ ba. Tôi vẫn mong một sự phi thường nào, như một ngoại lệ “quá tam ba bận” vậy, lần này chú cũng lại qua khỏi. Nhưng rồi, ngày 4-5-2007, nhà thơ đã vĩnh viễn ra đi...

 

Sẽ là quá bất nhẫn nếu nói với người thân của nhà thơ rằng, chú Phạm Hổ thôi thế là may rồi. Rằng chú đã được chăm sóc, được cứu chữa để vượt qua được những lần tưởng như không thể nào qua khỏi. Rằng chú đã sống thêm được nhiều năm - kể từ cái lần mở khí quản đầu tiên năm 2003 - để được chứng kiến nhiều tác phẩm của mình được làm mới, được tái bản, được minh họa.. ngày một đẹp hơn lên. Tất cả đều là không thỏa đáng trước nỗi đau mất mát người chồng, người cha thân yêu của người vợ và những cô con gái yêu chồng, yêu cha mình hết mực.

Người viết bài này chỉ xin được phép chia sẻ - không phải như một lời an ủi, mà chỉ như một nhận xét chân thành - những người thân của nhà thơ có thể yên tâm rằng, mình đã làm tất cả những gì có thể cho chồng và cha mình, cũng như nhà thơ lúc sinh thời đã luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu...  

 

Nguyễn Huy Thắng