GS Đặng Văn Chung:
Người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ nội khoa (kỳ cuối)
(Dân trí) - GS Đặng Văn Chung đã ra đi thanh thản. Sự nghiệp của ông vẫn được tiếp tục. Theo nghề cha, người con trai Đặng Vạn Phước đã trở thành một thầy thuốc nội khoa có tiếng, là GS.TS, hiện làm Hiệu trưởng Đại học Y - Dược TPHCM.
Kỳ I: Quyết ở lại với Thủ đô giải phóng
Kỳ II: Chẩn đoán “thần kỳ” của nhà nội khoa bậc thầy
Kỳ cuối: Thanh thản, yên vui giữa lòng dân tộc
Bệnh viện trúng bom, nhưng ông may mắn an toàn. Mấy tập giáo trình nội khoa được ông chỉnh sửa lần cuối, ngay trong những ngày bom rền ấy... Nhiều trung tâm dân cư, y tế, giáo dục thủ đô bị ném bom huỷ diệt.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền bắc Việt Nam từ thời Johnson đến thời Nixon, GS Đặng Văn Chung luôn ở lại Hà Nội, cùng bao đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai chữa chạy cho những người bị bệnh nội khoa nguy kịch, nếu chuyển đi xa có thể chết ngay trên đường. Ông cũng tham gia cấp cứu chiến thương: một em bé bị bom vùi, một cụ già bị ngạt, mấy bà mẹ bị choáng, và cả mấy anh pháo thủ bị thương.
Sau một thời gian dài ngừng đánh phá, tháng 4/1972, Tổng thống Richard Nixon, nhân danh Tổng Tư lệnh các lực lượng quân đội Mỹ, bỗng đột ngột ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. Khác với lối đánh của Johnson trước kia, vừa "leo thang" vừa thăm dò phản ứng của thế giới, Nixon dùng lối đánh phủ đầu, bất chấp dư luận!
Ngày 4/4/1972, Mỹ giội bom trải thảm xuống thành phố Vinh. 2 giờ 15 phút sáng 16/4, máy bay chiến lược B-52 đánh thành phố cảng Hải Phòng. 9 giờ 30 phút sáng hôm đó, máy bay cường kích chiến thuật đánh thẳng vào thủ đô Hà Nội.
11 giờ 15 phút ngày 18/12/1972, "Chiến dịch Linebacker" bắt đầu và kéo dài đến hết đêm 29/12/1972. Đây là chiến dịch mà quân đội Mỹ dùng máy bay chiến lược ném bom trải thảm dữ dội xuống Hà Nội, Hải Phòng, nhằm buộc đối phương phải khuất phục trước những điều kiện chấm dứt chiến tranh có lợi cho Mỹ.
Một vài con số nhắc ta nhớ lại những ngày đêm khói lửa ngút trời ấy: Mỗi ngày đêm Nixon cho xuất kích 140 lần chiếc "siêu pháo đài bay" B-52, 300 lần chiếc máy bay "cánh cụp cánh xoè" F-111 và 500 - 700 lần chiếc máy bay cường kích chiến thuật "Thần Sấm", "Con Ma"... Tổng số bom Mỹ giội xuống Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày và đêm ấy có sức công phá gấp hai lần quả bom nguyên tử huỷ diệt Horoshima!
Phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Bách khoa Hà Nội v.v - những tụ điểm dân cư đông đúc, những trung tâm y tế, giáo dục lớn ở thủ đô Việt Nam - trở thành mục tiêu đánh phá "không thương xót" của R. Nixon!
Trong tầng hầm Bệnh viện Bạch Mai
Tại các khoa của Bệnh viện Bạch Mai, giường bệnh được chuyển xuống tầng hầm. GS Chung vẫn giữ nếp đi thăm bệnh hằng ngày. Những phút rảnh rang, ông ngồi chỉnh sửa lần cuối mấy bộ giáo trình để đưa tái bản.
Còi báo động! "Máy bay địch cách Hà Nội 10 ki-lô-mét về phía Đông! Yêu cầu đồng bào xuống hầm trú ẩn! Yêu cầu đồng bào xuống hẩm trú ẩn!" Loa phóng thanh thúc giục.
Từ căn phòng làm việc ở lầu một, Giáo sư vịn lan can cầu thang chầm chậm bước - năm đó ông đã ngoài sáu mươi - xuống tầng trệt, rồi tầng hầm. Ông ngồi vào chiếc ghế đẩu đặt giữa hai dãy giường bệnh.
Tiếng B-52 rầm rì, nghe như tiếng thùng tôn lăn trên đường nhựa. Tiếp sau là tiếng bom rền từng đợt, từng đợt dài...
Bỗng có tiếng rú chói tai của máy bay cường kích chiến thuật. Tầng hầm rung lên. Một luồng hơi cực mạnh xô GS Chung ngã nhào! Quả bom nổ cách ông chỉ mươi mét! Toà nhà trước mặt gãy đôi. Một anh y sĩ Khoa Lây đứng cách chỗ ông mấy bước, mất cảnh giác trong tích-tắc, tò mò nhô đầu lên ô cửa sổ thông hơi để nhìn ngó bom rơi xuống mảnh vườn hoa phía trước, không ngờ bị mảnh bom bay từ ngoài vào, phạt đứt ngang cổ!...
Sau trận bom, trở lại phòng làm việc trên lầu một, Giáo sư đứng sững, nhìn hàng trăm trang bản thảo của một tập giáo trình vừa được chỉnh sửa xong, bay khắp bốn phương tám hướng; một số trang bay cả qua cửa sổ, rơi lả tả xuống mảnh vườn hoa vừa bị bom cày xới.
Sau trận bom hôm ấy, đêm 22/12/1972, Mỹ còn dùng máy bay chiến lược B-52 giội bom trải thảm nhằm huỷ diệt Bệnh viện Bạch Mai. Toà nhà A9 - toà nhà chính nhìn ra cổng bệnh viện - đứt thành mấy khúc! Dãy nhà Khoa Da liễu và Khoa Tai - Mũi - Họng đổ sập cả mấy tầng, từ mái bằng sân thượng đến tận móng bê-tông không một mảng nào còn nguyên vẹn!
Tác giả bài ký này, lúc bấy giờ là một phóng viên trẻ của báo Hà Nội Mới, được tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai và đã hỏi chuyện GS Chung bên đống đổ nát hôm ấy.
Không được dự trận Điện Biên Phủ năm nào cùng GS Tôn Thất Tùng trong hầm quân y dã chiến giữa thung lũng Mường Phăng, nhưng giờ đây, GS Đặng Văn Chung hãnh diện được cùng người bạn ấy dự trận "Điện Biên Phủ trên không", giữa lòng Hà Nội hiên ngang bắn rụng hàng tá "siêu pháo đài bay", "cánh cụp cánh xoè"...
Được Bác Hồ đến nhà chúc Tết
Một ngày giữa thu năm 1978, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, kết thúc, đất nước thu về một mối, tôi bước vào cái ngõ vắng đầy lá rụng mỗi độ thu về, đi giữa hai bờ tường phủ dày rêu xám thời gian, đến thăm GS Đặng Văn Chung. Năm ấy, ông gần bước tới tuổi "cố lai hy".
Chính cái ngõ nhỏ ấy đã từng đón Bác Hồ. Bác đến chúc Tết gia đình GS Chung vào dịp đầu xuân Nhâm Dần - 1962. Bác bước lên những bậc thềm kia, ngồi giữa gian phòng này, hỏi chuyện người già, chia kẹo cho trẻ nhỏ. GS Chung còn giữ được một tấm ảnh do anh phóng viên Thông tấn xã chụp từ dạo đó. Ông vừa đưa cho tôi xem tấm ảnh, vừa kể:
- Vẻ mặt của Bác thật đôn hậu, nhân từ. Bác giống như người ông nội ngồi giữa bầy cháu nhỏ. Chính vì tin vào tấm lòng giàu tình thương của Bác mà năm 1954 tôi mới dám ở lại Hà Nội. Đây, cô con gái út của tôi đây! - Ông chỉ vào bé gái trong ảnh, tóc cắt ngắn, đang rụt rè đưa bàn tay nhỏ xíu ra nhận gói kẹo của Bác Hồ, và nói thêm: - Em nó là Đặng Kim Châu, sinh năm 1955, sau ngày giải phóng Thủ đô. Sáng nay, nó vừa tốt nghiệp bác sĩ. Ngày mai, cả nhà định làm một chầu phở mừng nó. Anh ngồi chơi, chút nữa là em nó về thôi mà. Nhanh thật! Năm Chính phủ và Bác Hồ về Thủ đô, nó chưa sinh, thế mà nay đã là đồng nghiệp của tôi! 24 năm rồi, nhanh quá!...
Như để "minh hoạ" cho câu nói của GS Chung rằng thời gian trôi "nhanh quá", vừa lúc đó, Đặng Kim Châu bước vào. Cô từ Đại học Y trở về. Một cô sinh viên, đôi mắt long lanh, nước da hồng sáng, mái tóc mượt mà, chiếc áo sơ-mi hoa giản dị nhưng cắt khít eo, khá đẹp. Uống cạn chén trà thơm do tự tay cô rót, tôi bồi hồi ngồi nghe cô kể lại chuyến đi thực tập vừa rồi tại các xã vùng cao thuộc một tỉnh biên giới phía Bắc, điều tra tình hình vệ sinh, phòng bệnh của đồng bào H'Mông, Nhắng, Dao, Hà Nhì, Xạ Phang, v.v. Lẽ nào đó chính là bé gái tóc cắt ngắn trong bức ảnh kia, bé gái tí xíu đã được Bác Hồ cho kẹo?
Từ "Con đường đau khổ" đến với cách mạng
Tôi thầm nhớ đến bộ tiểu thuyết ba tập Con đường đau khổ của nhà văn Xô-viết Aleksey Nikolayevich Tolstoy (1883-1945) mà tôi được đọc qua bản dịch tiếng Pháp Le Chemin des tourments. Đúng, con đường của một nhà trí thức được đào luyện bằng "văn hoá quý tộc" đi đến với cuộc cách mạng của nhân dân lao động, lắm khi không tránh khỏi những bước quanh co đau khổ, những dằn vặt, đắn đo. Nhưng, một khi đã vượt qua được ghềnh thác ở chặng đầu, thì đường sẽ dễ đi hơn và, cuối cùng, chính "con đường đau khổ" ấy dẫn bao trí thức nhiệt thành tới hạnh phúc. Đó không phải là thứ hạnh phúc vật chất đủ đầy, mà là sự thanh thản, yên vui trong tâm hồn, vì được sống giữa lòng dân tộc, gắn bó với bao thân phận đói nghèo của người dân bình dị...
... Sau lần đến thăm GS Chung vào mùa thu năm 1978 ấy, tôi không còn dịp nào được chuyện trò cùng ông. Những năm cuối đời, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, nơi trời đỡ rét hơn, và cũng là để được gần quê hương Sa Đéc.
Ông đã ra đi thanh thản. Sự nghiệp của ông vẫn được tiếp tục. Theo nghề cha, người con trai Đặng Vạn Phước đã trở thành một thầy thuốc nội khoa có tiếng, giáo sư, tiến sĩ y học, hiện làm Hiệu trưởng Đại học Y - Dược TPHCM.
Hàm Châu