1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà văn Võ Quảng:

Người dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi

(Dân trí) - Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực văn học là chừng đó thời gian ông dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi. Những tập thơ “Gà mái hoa”, truyện “Quê nội”… đã khắc ghi tên ông - nhà văn Võ Quảng - vào lòng độc giả thiếu nhi nhiều thế hệ.

Ngày 28/5, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Võ Quảng và tọa đàm về văn học thiếu nhi nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) để tưởng nhớ người đã dành gần cả cuộc đời cho văn học thiếu nhi.
 
Người dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi - 1
Nhà văn Võ Quảng.

Nhà văn Võ Quảng (1920 - 2007) quê ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Năm 1957, sau khi tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác ở chức vụ Ủy viên Ban nhi đồng Trung ương, phụ trách văn học cho thiếu nhi. Ông là một trong những người tham gia sáng lập và từng giữ chức Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng.

Năm 1965, ông được kết nạp làm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1971, ông về Hội Nhà văn Việt Nam và được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam và giữ chức vụ này đến khi về hưu.

Có thể nói, sự nghiệp văn học thiếu nhi đến với nhà văn Võ Quảng khá muộn, phải mãi đến năm 1957 khi về làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng thì tài nghệ và tâm huyết văn chương dành cho thiếu nhi mới được phát huy trọn vẹn.

Năm 1957 ấy, theo chúng tôi, đã diễn ra hai sự kiện đầy ý nghĩa về văn học thiếu nhi. Trước hết là việc thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất chỉ chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi; đồng thời với việc thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, có thể nói, một nền văn học cho thiếu nhi đã thực sự được hình thành và phát triển. Thứ hai, đó là việc cũng trong năm ấy xuất hiện một hiện tượng mà tôi xin được gọi là hiện tượng Võ Quảng, người đến với văn học thiếu nhi khi đã 37 tuổi - tuy có hơi muộn, nhưng đã đến là ở lại mãi mãi, và cho đến hết đời, chỉ chuyên tâm làm một việc: viết cho các em!
 
Những tác phẩm nổi tiếng và để đời của ông như từ Gà mái hoa đến Anh đom đóm, rồi Măng tre (Thơ), từ Cái thăng đến Quê nội rồi Tảng sáng (truyện); từ Ngày tết của Trâu Xe (đồng thoại) đến Sơn Tinh Thủy Tinh Những chiếc áo ấm (kịch bản phim), rồi bài đồng dao Mời vào… đã được nhiều thiếu nhi các thế hệ đón đọc và yêu thích.
 
Người dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi - 2
Một trong những tập thơ để đời của nhà văn Võ Quảng.

Đó chắc chắn không phải là quá trình sáng tác suôn sẻ, dễ dàng, mà là những cuộc vật lộn trên từng trang sách, từng câu thơ, để chúng ta có một Võ Quảng suốt từ tuổi 37 đến ngoài bát tuần vẫn cứ luôn ra sách đều đều, vài ba năm một cuốn, mà tất cả đều là dành cho thiếu nhi.

Người viết bài này vẫn hay được nghe các anh Võ Tấn, Võ Gia Trị, con của nhà văn Võ Quảng kể về mối quan hệ giữa cha mình và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Nhi Đồng. Hồi ấy, Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng vẫn thường đến chơi nhà Tổng biên tập ở phố Phạm Đình Hồ. Căn phòng của gia đình Võ Quảng quá chật hẹp, nhà lại đông người, không có chỗ để ngồi nói chuyện. Thế là, hai ông lại kéo nhau ra ngoài, đi dọc theo mấy con phố quanh quanh có nhiều cây cao bóng cả mà giãi bày tâm sự. Cũng có khi Võ Quảng dắt con đi theo. Cả anh Tấn, anh Trị bấy giờ đều còn quá bé để có thể hiểu được, nhớ được điều gì từ những câu chuyện của hai ông. Song ấn tượng về sự sôi nổi, vẻ cởi mở và tấm chân tình của hai ông đối với nhau thì các anh còn nhớ lắm…

Phải, nhà riêng của Võ Quảng có thể chật. Song ngôi nhà chung của ông, Nhà xuất bản Kim Đồng với những thành viên sáng lập đôn hậu, rộng lòng đã luôn rộng mở để mở đường cho các tác phẩm tương lai của ông.
 
Người dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi - 3
Bìa những cuốn sách của nhà văn Võ Quảng

Ôn cố tri tân, chúng tôi thiết nghĩ một khi tài năng được đánh thức, thiên chức được phát hiện, khó gì có thể ngăn cản một người yêu văn học, yêu con trẻ như ông hiến dâng tất cả tâm sức và bút lực cho các em. Nhiều người cũng nói đến khả năng nắm bắt tâm lý trẻ em của ông, vốn liếng Tây học của ông từ buổi thiếu thời để có được một phông nền giúp ông dễ dàng tiếp thu các nguyên lý của sáng tác văn học…, những yếu tố ít nhiều mang tính chuyên môn, học thuật. Song theo tôi, còn có một yếu tố khác cũng khá quan trọng, đó là môi trường Kim Đồng - nơi ông đến nhậm chức Tổng biên tập từ năm 1957!

Nguyễn Huy Thắng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm