Người cha "bước qua" lời nguyền!

Khoảng hơn 10 năm trước, ở buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) vẫn còn một lời nguyền rằng: Những đứa trẻ trong làng khi sinh ra bị tật nguyền thì phải cho nó về với Atâu (cõi chết), nếu để nó sống thì Yàng sẽ phạt. Vậy mà vượt lên tất cả, bằng tình yêu thương, Kbôr Gioang đã giành được đứa con tật nguyền của mình từ tay Atâu.

Chuyện kể của người cha

 

Đêm hôm ấy, bên bếp lửa giữa nhà, tôi được nghe những chuyện mà đến bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy nổi da gà. "Hồi năm 1972 đến năm 1975 gì đó, tao và bà ấy (mẹ Đroeng) cùng làm du kích ở căn cứ E Ré (Krông Pa), tao nghe người ta nói thằng Mỹ nó thả cái da cam gì ấy từ trên máy bay xuống mà làm chết cây, chết cỏ. Tao và bà ấy có 5 đứa con thì 3 đứa tật nguyền.

 

Đứa đầu sinh ra tròn và đỏ như miếng thịt bò. Già làng bảo tao đem chôn, tao buồn quá. Tiếp đến là con H'Đốt, sinh ra mắt nó lồi như con ốc, tay chân có màng như con vịt, làng bảo tao đem chôn nhưng tao chịu phạt chứ không chịu mất con.

 

Rồi đến năm 1994, tao còn nhớ rõ lắm, hôm ấy trời nắng to, bà ấy đau bụng sinh, nỗi lo bao ngày của tao lại đến. Bà ấy sinh ra một thằng con trai (Nay Đroeng) mà chẳng thấy bàn tay, bàn chân của nó đâu, người nó co quắp. Làng biết được bắt đem nó cho A tâu, nếu để nó sống thì tội cho nó.

 

Người làng đã đào lỗ, đặt nó xuống, phủ khăn lên nhưng nó khóc dữ lắm. Da thịt tao như bị dao kéo thọc vào, không kìm được, tao đã bế nó về chịu phạt với làng. Tao lấy vỏ nứa sắc cắt rốn cho nó, tắm và cho nó vào chỗ mẹ nó đang khóc. Nó tìm vú mẹ, và nó nín. Tao biết là nó sống rồi. Tao chấp nhận đập heo chịu phạt. Từ đó nó sống. Nó chẳng đi đâu, chỉ quẩn quanh ở dưới gầm sàn.

 

Nhiều mùa rẫy qua đi, bỗng một hôm nó đến bên cầu thang chỗ tao đang ngồi, nó bảo: Ma cho con đi học! Tao ngỡ ngàng và lặng người một lúc rồi tao đùa nó: Ừ mày đi học về mà làm cán bộ! “Nhưng ma phải đưa con đi”! Thế là vừa mừng vừa lo, mừng vì nó đi học thì khi đi làm tao không phải trông cho nó nữa nhưng lo vì không biết nó có theo học nổi cái chữ không. Nhưng tao vẫn chuẩn bị sách vở cho nó đến lớp. Ngày đầu tao cõng nó đi mỏi cái chân mới đến lớp, cô giáo Hồng cho nó ngồi ghế đầu, mọi người ai cũng nhìn nó. Nhưng rồi dần nó cũng quen".

 

Vượt lên số phận

 

Cuộc sống của Nay Đroeng thay đổi từ đó. Khi chưa đi học em chỉ lay lắt ở chân cầu thang, và rất ngại tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng bây giờ em đã có nhiều bạn và còn biết viết, biết đọc cái chữ và biết làm con tính nữa.

 

Hôm sau, tôi đến lớp với Đroeng, đường cát bụi lầm, cậu quăng người như con sâu đo đến lớp. “Sao không đi xe lăn?”. “Đường này không đi được xe lăn đâu”. Đúng rồi, xe lăn chỉ đi được ở đường nhựa, những chỗ bằng phẳng chứ đường ở đây cát nhiều hơn đất, lại toàn ổ trâu, ổ voi thì làm sao cái xe lăn nó chịu đi.

 

Người cha "bước qua" lời nguyền! - 1
  

Vượt lên tật nguyền,

Đroeng cần mẫn học tập

Đến lớp, tôi chứng kiến cậu dùng hai cùi chỏ mở cặp lấy vở, sách bút, tiếp đó là viết trên vở, tất cả các động tác đều rất nhuần nhuyễn. Em dùng hai cùi chỏ kẹp chặt chiếc bút bi nắn nót thành những dòng chữ ngay ngắn tròn trịa. Em vẽ nhà rông và trái cây, con thú cũng rất đẹp.

 

Lướt qua những tập vở, tôi thấy khá nhiều điểm 9, 10, nhất là môn Vẽ và môn Toán. Cô Hồng bảo chẳng chấm thiên vị đâu. Cô Hồng còn nói, làm chủ nhiệm của Đroeng hai năm lớp 1 và lớp 2 nhưng không bao giờ thấy Đroeng tự ý bỏ học, chỉ trừ những ngày ốm và đều có xin phép. Năm nào cậu cũng được nhận giấy khen...

 

Chia tay cha con cậu bé giàu nghị lực, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh cảm động về một người cha hằng ngày cõng con đến trường; hình ảnh một cậu bé không bàn tay, chẳng bàn chân hơn 10 tuổi hằng ngày vẫn ôm cặp quăng người đi học để lại đằng sau những đám bụi, để lại trên mặt đường đất những dấu tích dài theo năm tháng.

 

Theo Mai Chí Vũ

Thanh niên