1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một đời cứu người trên sông Thạch Hãn

(Dân trí) - Ở tuổi 81, ông Nguyễn Cơ ở thôn Tân Đức, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị đã có 60 năm gắn bó với sông nước và “nghề” vớt xác trên sông Thạch Hãn. Từ những năm kháng chiến, cũng trên dòng sông này, ông là người bí mật đưa đón bộ đội, chẳng quản hiểm nguy.

“Nghiệp” cứu người

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình chài lưới bên dòng sông Thạch Hãn, cuộc đời chàng trai trẻ Nguyễn Cơ đã sớm gắn với sông nước. Năm 19 tuổi, trong một lần lái thuyền ngược dòng sông Thạch Hãn, chàng trai đã cứu một cô gái trẻ thoát chết. “Nghiệp” cứu người gắn bó từ đó. Rồi những năm đất nước có chiến tranh, anh lại bí mật chèo thuyền cho các chiến sĩ cách mạng.

 

Giờ đây, ở cái tuổi 81, ông Cơ vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ lại quá khứ: “Ngày đó, ban ngày tôi đánh bắt cá, đêm đến lại xuôi thuyền về vùng bí mật ở Aí Tử, Triệu Giang đưa bộ đội qua sông. Nhiều khi ông còn chở quân từ vùng đồng bằng qua Chợ Cạn lên chiến khu Ba Lòng”.

 

Khi còn trẻ, ông Cơ có thể lặn sâu cả chục mét không cần bất kì một phương tiện hỗ trợ nào. Dòng sông này, chỗ nào nông, sâu ông đều nắm rõ. Cũng chính nhờ hiểu dòng sông đến vậy mà ông đã cứu được không biết bao nhiêu con người gặp nạn.

 

Năm 2003, khi đang cùng cả nhà ăn cơm, ông nghe tiếng kêu cứu người rơi xuống sông, không chậm chễ, ông lao xuống nước và cứu được chị Đoàn Thị Bòn. Mới đây, ông cứu sống ông Cường ở xã Triệu Thượng trong một vụ đắm đò trên sông Thạch Hãn.

 

Ngoài “nghiệp” cứu người bị nạn, ông còn tham gia vớt xác người trên sông. Họ là những người chẳng may bị thiệt mạng vì sông nước hoặc cố tình gieo mình tự vẫn, hoặc đôi khi là nạn nhân của một vụ án mạng. Dù họ là ai thì khi vớt được, ông đều đưa vào bờ hương khói đàng hoàng. Hồi còn chiến tranh, có ngày ông vớt tới 5, 6 cái xác, hầu hết họ bị trúng bom đạn. Có những xác chết đã lâu ngày, đang phân huỷ, tin đã rữa, bốc mùi, ông vẫn cẩn thận vớt về mai táng, mong ấm lòng người đã khuất mà thâm tâm ông cũng thấy thanh thản.

 

Cả một đời làm việc nghĩa trên sông, ông chưa nhận của ai một đồng bồi dưỡng nào. Với ông, đó đơn giản là việc phải làm, “tui mần răng mà nhớ hết người tui đã cứu, tui chẳng cần một đồng nào của ai cả, làm ơn thì chẳng cần nhớ họ là ai”.

 

Nỗi đau riêng

 

Một đời làm việc thiện, cứu người thoát khỏi bàn tay thuỷ thần nhưng chính ông lại phải chịu cảnh mất con, cháu cho sông nước. Năm 1985, cơn bão số 8 đổ bộ vào Quảng Trị, khi đang chở khách lên thị xã Đông Hà trở về thì thuyền ông gặp gió to, sóng lớn và chìm thuyền. Con gái ông đã ra đi trong lần đó. Vớt được xác con, ông tức tốc chạy về nhà, chưa hết bàng hoàng thì tin giữ lại ập đến: người con gái thứ hai lấy chồng ở cửa Việt cũng bị nước cuốn trôi.

 

Nỗi đau xé lòng chưa nguôi, cách đây 5 năm, đứa cháu nội của ông vì ham chơi mà rơi xuống khúc sông gần nhà tử nạn, hai ngày sau chính ông mới vớt được xác cháu lên.

 

Người ta nói, cướp xác người từ tay thuỷ thần thì bị thuỷ thần bắt người nhà đền mạng. Ông hiểu sông nước, ông không tin điều đó. Ông tâm sự: “Con thuyền và dòng sông Thạch Hãn đã nuôi lớn tui thì răng mà tui quay lưng lại với nó. Con cháu mình phận đen đủi thì phải chịu thôi chứ sông nước không “bạc” thế đâu!”.

 

Sông Thạch Hãn giờ có thêm nhiều cây cầu bắc qua, nghề chèo đò của ông giờ cũng thưa thớt, vắng khách, nhưng ông vẫn gắn bó với con đò, hằng ngày vẫn dậy từ 4 giờ sáng chạy thuyền đi chở khách. Ông chèo đò để nuôi gia đình, và vì một lý do khác nữa, ông quá gắn bó với dòng sông, quá gắn bó với nghiệp cứu người.

 

Viết Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm