1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một cách làm sáng tạo

(Dân trí) - "... Mất chú đồng bào mất đi một người lãnh đạo tận tụy, chính phủ mất đi một người cán bộ lão luyện... và tôi mất đi một người anh em chí thiết, mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi..." (Thư điếu cụ Hồ Tùng Mậu của Bác Hồ).

Những lời kể  ấy phát ra từ trường THPT Quỳnh Lưu 1 Nghệ An, vang khắp cả thị trấn Cầu Giát nơi ngôi trường toạ lạc. Mọi người dân ở đây thời gian qua mỗi ngày thứ 2 đều được lắng nghe ít nhất một câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Hỏi ra mới biết, đó là cuộc thi kể chuyện về "Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 1.

 

Nhận thấy đây là ý tưởng hay, chúng tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo trường và được biết, để hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban giám hiệu  trường THPT Quỳnh Lưu 1  phối hợp với Đoàn Thanh niên CS HCM tổ chức cuộc thi thông qua giờ chào cờ đầu tuần.

 

Với hình thức Đoàn thanh niên tiến hành để các chi đoàn bốc thăm thứ tự dự thi, mỗi chi đoàn cử đại diện lên kể một câu chuyện về Bác, cuộc thi  phát động cho ba khối, sẽ diễn ra suốt cả năm đều đặn ở ngày đầu tuần. Ngay khi phát động, cuộc thi được các chi đoàn hưởng ứng nhiệt liệt. Nhằm chuẩn bị chu đáo cho phần thi của mình, các chi đoàn đã tổ chức cuộc thi kể chuyện trong lớp rồi cùng thảo luận, trao đổi chọn ra câu chuyện về Bác hay nhất, người kể diễn cảm nhất, để dự thi.

 

Đây là một hình thức có tác dụng tích cực, không những thực hiện tốt được cuộc vận động của Đảng mà còn giúp các em thấm nhuần tư tưởng của Người, hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Trước đây, chào cờ vốn là giờ khô khan, bàn luận về lịch sử  vốn nhàm chán với học sinh nhưng kể từ khi cuộc thi diễn ra, toàn thể học sinh của trường bỗng chăm chú lắng nghe, sôi nổi bàn luận về nhân vật lịch sử, vấn đề lịch sử trong mỗi câu chuyện như một sở thích. Nhiều lúc cả trường lặng đi vì xúc động, có em không kìm được oà khóc. 

 

Đa số học sinh của trường khi được hỏi: Qua cuộc thi và những câu chuyện đã nghe các em rút ra được gì? đều trả lời: Kể từ khi cuộc thi phát động, chúng em tự mày mò tìm hiểu lịch sử, chân dung về Bác mà cái gì tự mày mò lấy thường nhớ lâu, nghe cô giảng trên lớp không bằng nghe kể chuyện rồi thông qua đó tự hiểu, tự rút ra ý nghĩa các vấn đề lịch sử, sẽ ghi nhớ khắc sâu.

 

Giảng dạy lịch sử như thế nào cho hiệu quả vẫn là vấn để nan giải của ngành giáo dục. Giờ đây dường như phương pháp của  trường THPT Quỳnh Lưu 1 là gợi ý nhỏ để giải đáp khúc mắc trên. Truyền thụ lịch sử, tấm gương về Bác có nhiều cách, nhưng hình thức tổ chức cuộc thi như trên sẽ tạo ra tính hiệu quả sâu rộng, thiết thực có tính thuyết phục cao. Theo chúng tôi, cần phát huy rộng hình thức này.

 

Nguyễn Đình Kim Cương
(Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An)