1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lão nông khùng” trở thành triệu phú

(Dân trí) - Dưới hạ ngàn hồ chứa nước Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) - một trong những công trình thuỷ lợi lớn nhất miền Trung - người dân lâu rồi không còn thiếu gạo, thiếu khoai. Nhưng có một lão nông không toại nguyện với chuyện no đủ ấy. Lão nộp đơn lên chính quyền địa phương xin… không trồng lúa. Giờ đây, lão đang là chủ của một trong những trang trại nuôi trồng thủy sản lớn nhất xứ Nghệ.

Bỏ lúa…

 

Tôi biết “lão nông dân khùng” Phan Xuân Hải khi lão tham dự một hội nghị tuyên dương nông dân làm kinh tế giỏi do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cách đây đúng 2 năm. Dạo ấy, do đang bận tiếp bạn, lão chỉ kịp đút cho tôi tấm card ghi địa chỉ, số điện thoại, kèm lời mời rất thật: “Có dịp mời chú mi ghé chơi, bắt mấy con baba quảy xẻo uống rượu tán gẫu cho vui”. 

 

Bẵng đi hai năm, chợt nhớ lời mời của lão, tôi rủ ông bạn lần theo địa chỉ ghi trong tấm card, phóng xe về xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Từ thị trấn Cẩm Xuyên về xã Cẩm Dương mất gần nữa tiếng đồng hồ, men theo kênh N8 - kênh dẫn dòng nước ngọt ngào từ hồ thuỷ lợi Kẻ Gỗ về với những cánh đồng cằn cỗi, khô hạn ở vùng đất bể ngang xứ Nghệ. Bỗng một tổ hợp nuôi trồng thủy sản hoành tráng hiện ra giữa cánh đồng bạt ngàn màu lúa xanh. 

 

Cánh cửa mở, người chủ trang trại xấp xỉ tứ tuần, da ngăm đen, đón tiếp chúng tôi. Lão kể, tất cả câu chuyện về tổ hợp nuôi trồng thủy sản này được bắt đầu từ một quyết định xin thôi trồng lúa rất “ngông” của lão gửi chính quyền xã. Lão vừa rót nước, vừa cười khà khà: “Mần ló (lúa) thì may lắm cũng chỉ đủ ăn thôi. Vì thế mình quyết định bỏ ló. Suy đi tính lại không chi bằng là nuôi trồng thủy sản”. 

 

Rồi lão nói chuyện với người thân, bạn bè về kế hoạch của mình. Nghe lão nói, có người đồng tình, cũng có nhiều người phản đối. Họ cản lão vì vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng mà nếu có ra được sản phẩm thì lại chỉ bán chịu cho dân trong vùng thôi.

 

Duy chỉ có một người hết mực ủng hộ lão là bà vợ có giọng nói “líu la líu lo” của vùng Quảng Ngãi. Suốt mấy tháng trời, bà ngày đêm cùng chống lập kế hoạch, tìm đồng vốn. Rồi lão lên chính quyền xã Cẩm Dương xin được cấp đất với lời hứa chắc như đinh đóng cột: “Tui sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với nhà nước. Không hoàn thành tui xin chiu trách nhiệm”.

 

Sau đó, đôi vợ chồng nông dân táo bạo lại đèo nhau lên huyện gặp cho được ông Trưởng phòng thuỷ sản Trần Đắc Đại. Vốn là một người có “máu” xây dựng các mô hình thủy sản, giờ gặp được cặp vợ chồng này, ông Đại “sướng”  lắm. “Khi nhận được kế hoạch của anh ấy tôi ủng hộ ngay. Cẩm Xuyên chúng tôi là địa bàn có điều kiện thuận lợi về nuôi trồng thủy sản, nếu xây dựng được một tổ hợp cung cấp con giống thì rất hay, người nông dân đỡ tốn kém nhiều” - ông Đại kể lại.

 

Nhờ sự ủng hộ của các lãnh đạo, không lâu sau, “gã khùng” đã được sử dụng 2 ha đất  trong vòng hai mươi năm bên giòng kênh N8.

 

… để làm triệu phú

 

Có đất, hai vợ chồng lại thay nhau đi vay vốn. Hết người thân, bạn bè đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện, chỗ nào có thể vay, có thể thế chấp họ đều “gõ cửa”. Đến tháng 4 năm 2002, khi đã “hòm hòm” vốn trong tay, lão bắt đầu “thuộc” những mẫu ruộng cằn cỗi thành các ao đầm. Tính sơ sơ, giai đoạn đầu với việc xây dựng hạ tầng trang trại, vợ chồng lão đã đầu tư trên 100 triệu đồng.

 

Đợt đầu nuôi thử nghiệm, lão chỉ thả xuống 10.000 con cá tổng hợp,1.000 con vịt đẻ, 50 con lợn thịt. Cuối năm tổng kết, trừ mọi chi phí, hai vợ chồng lãi khoẻ re trên 50 triệu đồng. “Sau kết quả bước đầu, tui nghĩ rứa là tạm ổn. Niềm tin càng lớn. Nhiều người bắt đầu nhìn vợ chồng tui với con mắt khác” - lão nông dân “khùng” vui mừng sau thành quả bước đầu.

 

Thắng lợi ấy đã tạo niềm tin cho vợ chồng lão. Đầu năm 2003, họ xây dựng tiếp hệ thống ao đầm rộng gần 3.000 m2 phục vụ nuôi cá, nuôi ba ba. Mô hình này được Phòng Thuỷ sản huyện ủng hộ nên lão “hốt” về Cẩm Xuyên cùng lúc 4.000 con baba thương phẩm, 140 cặp baba bố mẹ. Kết quả: hơn 12.000 baba sinh trưởng thành công và được tiêu thụ “sạch sẽ”. Cộng thêm những sản phẩm khác, năm thứ hai, lão lại lãi hàng chục triệu đồng.

 

Sau baba, lão lại nghĩ đến con ếch. Vợ chồng lão lặn lội ra tận Thạch Thất (Hà Tây) - một địa chỉ nỗi tiếng về nghề nuôi ếch. Chứng kiến dân bạn đột phá nghề nuôi ếch, lão lại quyết tâm đưa ếch giống về Cẩm Xuyên. Lão gom vốn, mang liền 90 triệu đồng ra Hà Tây mua 300 cặp ếch giống và 24.000 ếch thương phẩm. Lứa đầu, 20 cặp đã cho đẻ 1 vạn con. Tất cả đều tiêu thụ hết. Năm thứ ba, lão lãi gần 100 triệu đồng.

 

Sau những thắng lợi liên tiếp, đôi vợ chồng ấy tự tin mở rộng, nâng cấp trang trại của mình thành một tổ hợp nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, với những con nuôi có giá trị kinh tế hàng đầu cả tỉnh. Nguồn thu cũng từ đó tăng lên. Năm nay, sau 5 năm bươn bả cùng thuỷ sản, lão tiết lộ tổng nguồn thu của mình không dưới 350 triệu đồng.

 

Đôi vợ chồng “lão nông khùng” dám nghĩ dám làm ấy chia tay chúng tôi với lời hứa (lại hứa - lão nông ấy coi những lời hứa như một lời cam kết, chắc chắn phải làm được): “Tôi sẽ mua ôtô để cho mọi người thấy nông dân cũng biết đi xe hơi ấy chứ!”. 

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa