Phương Đông du ký (kỳ 2):

Dưới đất sâu binh mã dũng ngậm cười

(Dân trí) - Trung Hoa năm ngàn năm, một Tần Thủy Hoàng lẫy lừng thiên hạ cùng những người lính bằng đất nung vô danh và Yang Zhifa, một nông dân đang sống sờ sờ giữa thành đô Tây An xa xôi, với tôi mãi mãi là một dấu hỏi…

Vậy là tôi đã đứng chân bên ngọn núi Ly Sơn huyền thoại, nơi Tần Thuỷ Hoàng không cưỡng lại được mệnh trời. Ngày Bính Dần tháng bảy năm 210 trước công lịch, Tần Thuỷ Hoàng trở về với cát bụi chẳng còn chút nghi vấn Lã Bất Vy có phải là cha mình, Thái Thượng hoàng, Trọng Phụ, một thừa tướng hào hoa, một nhà buôn xảo hoạt hay là một gã hoang dâm.

 

Doanh Chính này không còn màng gì đến những bí kế, quyết sách của nhà biến pháp kỳ tài Thương Ưởng. Thuỷ Hoàng đế đây đếch thèm đoái hoài bọn pháp gia, sủng thần Lý Tư nửa mệnh lẫy lừng, cuối đời khốn nạn để bọn Triệu Cao khắc chữ vào mặt, xẻo đôi mũi, chặt hai chân, đánh đến chết, cắt đầu, bêu xác ngoài thành ( thiếu kỳ nhân này Tần Thuỷ Hoàng đâu dễ thống nhất Trung Hoa).

 

Tần vương ta cũng quái cần phân giải cho hậu thế vì sao đốt sách, đốt cái sách gì, chôn giết những loại nho sinh nào.

 

Mấy mươi năm sau, Tây Sở Bá Vương chia đất Tàn làm ba ngôi cũng chẳng động tới giấc ngàn thu...

 

Tạm dừng và khép nghỉ từ đây một nghiệp vương bá để rồi mở ra cho người Trung Hoa, cho nhân loại và cho một lữ khách nhạt nhẽo như tôi đây biết bao nghi vấn, thực hư của quá khứ, nhiều triết luận về Thời - Thế, về cái lý của bậc quân vương, cái lẽ của một kiếp người.

 

Khu mộ cổ, trời đen xám màu gươm kiếm ngâm lâu trong máu đọng.

 

Gió lạnh của miền hoang mạc Gobi sau khi đã vượt lách qua những nham nhở vách đá, đã ngấm tẩm những oan hồn cùng chướng khí còn vương vất hơn hai nghìn năm quanh dãy Ly Sơn để khi xộc về đến đây thì trở nên sắc lạnh như đoản kiếm Kinh Kha.

 

Dưới đất sâu binh mã dũng ngậm cười - 1
 Tượng binh mã dũng.

 

Giữa nhộn nhạo những kẻ bán tượng đất giả đồng, những khăn quấn cổ lông thú, đệm bông màu sắc sặc sỡ của người Hồi, người Mông, những người bán khoai nướng đứng sau những cái lò mang dáng dấp của chiến xa thời trung cổ vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn dáng vóc nhẫn nhục kỳ lạ của những người nông dân.

 

Bức tượng đá tạc Tần Thuỷ Hoàng cao hơn hai mét đặt lừng lững ở cửa ra vào khu di tích binh mã dũng không gây cho tôi ấn tượng bằng những nét vẽ của cổ nhân cũng như những gì ông được Trương Nghệ Mưu, Chu Hiểu Văn, Trần Khải Ca tái hiện trong phim Anh hùng, Tần tụng, Kinh Kha thích Tần vương, Tần dũng...

 

Những người lính trong hầm mộ được buổi chiều cuối xuân chiếu sáng ảm đạm, lạnh lùng, hiu hắt trông chẳng khác là mấy những tay cành dương liễu trụi lá, trơ khốc đang cố bám víu, gắng sống cùng những vạt cỏ úa vàng, đắng miệng dê núi. Muôn năm một thứ đồ chơi cũ!

 

Đang lúc tìm mua vài cuốn sách bỗng có tiếng ồn ào, xủng xoảng của đám du khách địa phương kéo giật ánh mắt của tôi vào một góc phòng bán đồ lưu niệm bé tẹo. Có tới hàng chục người chen nhau để ngắm nhìn một người đàn ông chạc ngoài sáu mươi mặc áo Tôn Trung Sơn, đội mũ mềm giống như cái nồi đất ụp xụp trên đầu, đặc trưng thời đại Mao Trạch Đông. Không có người phiên dịch bên cạnh, không biết người kia là ai nhưng linh tính mách tôi phải bấm máy. Đám đông tản ra tôi mới nhìn thấy tấm biển: “No photo” và dừng tay.

 

Hình như đã gặp ông ta ở đâu? À, đúng rồi cách đây 5 năm, trên đỉnh tháp truyền hình Minh Châu - Thượng Hải lần đầu tiên tôi nhìn thấy ảnh ông đăng trên cuốn Những người lính của Tần Thuỷ Hoàng của giáo sư Yuan Zhongyi. Hôm đó tôi đã cầm cuốn sách trên hai tay, mặt quay về Tây miệng lẩm bẩm hẹn ngày kỳ ngộ Tây An.

 

Ông là Yang Zhifa, một trong những người nông dân đầu tiên phát hiện ra hầm mộ vùi hơn 8.000 tượng binh mã dũng vào năm 1976. Tôi có trong tay ba bức ảnh về ông. Bức ảnh thứ nhất in trong một cuốn sách viết về khu hầm mộ xuất bản năm 1978. Gã nhiếp ảnh nhạt nhẽo nào vội vã ghi lại gương mặt ông khá xộc xệch như bao nông dân Trung Hoa khốn khổ còn ngấm đòn cách mạng văn hoá. Bức ảnh thứ hai chụp năm 1996, Yang Zhifa đã có dáng vẻ một cán bộ ngành văn hoá, chững chạc ra phết. Và bức ảnh tôi chụp Yang Zhifa lần này  chỉ có thể  là một mệnh kiếp kỳ lạ hiển hiện trong hình hài một người đàn ông. Bất chợt tôi thấy ớn lạnh vì câu hỏi: ông ta là ai?

 

Dưới đất sâu binh mã dũng ngậm cười - 2

Ông Yang Zhifa

Yang Zhifa ngồi đó ánh mắt vô định, nụ cười bí ẩn hơn vạn vạn nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Chiếc áo cổ tròn ôm áp cái cổ gầy có cho biết ông là người đi theo những tư tưởng cấp tiến của nhà cách mạng dân chủ Tôn Trung Sơn? Cái mũ mềm kia giữ mối liên hệ nào của ông với Mao Trạch Đông - một Tần Thuỷ Hoàng của thế kỷ 20?

 

Ông là con cháu nhà Tần vẫn muôn đời tận trung giữ gìn mồ mả, công nghiệp rực rỡ của tổ tông hay là bè đảng của Hạng Võ, Trương Lương cố xoá bỏ bạo tàn, vô đạo để dựng nên thể chế mới vô đạo, bạo tàn, cố đạp phá mộ phần cho bõ hận trăm họ ở nước Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Sở, Tề hay chỉ là kiếm ít bạc vàng, châu báu để trả lương bổng cho binh sỹ?

 

Yang Zhifa đó, ngậm miệng hay ngậm cười? Ông đang nghiến răng như nhân vật Kinh Kha khi ấn mạnh đốc kiếm vào Tần Thuỷ Hoàng trong bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu? Khi đó Kinh Kha không giết bạo vương mà chỉ ấn truyền cho Tần vương sứ mệnh thống nhất Trung Hoa, giữ gìn bình an cho trăm họ? Ông câm lặng trước một Tần vương bạo chúa từng chôn sống bao sinh linh trong hơn 7 vạn dân binh xây mộ cho mình hay mỉa cười lời Mạnh Tử nói với Tương Lương vương: Ai không thích giết người thì sẽ thống nhất được thiên hạ.

 

Ông là nông dân hay là đấng nào mà trời cao xui vén đất dày, lật bẩy lịch sử, phơi bày quá khứ? Ông là ai, người phát hiện ra kỳ quan thứ tám của nhân loại mà sao hôm nay lại ngồi lặng lẽ thế sau chữ “Không chụp ảnh” viết vội vàng, nguệch ngoạc trên tờ giấy các tông cũ bẩn? Hiện tại luôn giành cho quá khứ cách ứng xử cẩu thả, thô phác như vậy sao?

 

Ông là hiện hồn của những người lính nông dân không sản, chẳng nghiệp từng bỏ thây xác nơi trận mạc? Không, oan hồn nơi trận mạc thường biến thành sao sa trong những đêm hoang lạnh. Ông là hình tượng mới của họ? Không, những người lính trong hầm mộ chỉ đứng, quỳ hoặc bị thời gian, động đất xô ngã dúi dụi rồi nằm bẹp dính trong cát đất chứ không ai ngồi lạnh tênh như ông.

...

 

Chẳng bao giờ có câu hỏi cuối cùng, không thể có một lời cắt nghĩa vẹn tròn những nghi án của lịch sử. Vậy là cả đất nước Trung Hoa năm ngàn năm, một Tần Thuỷ Hoàng lẫy lừng thiên hạ cùng những người lính bằng đất nung vô danh và Yang Zhifa, một nông dân đang sống sờ sờ giữa thành đô Tây An xa xôi, với tôi mãi mãi là một dấu hỏi!

 

Kỳ sau: Bên tháp trống nhặt khúc sáo thần

 

Bài và ảnh: Xuân Bình

Dòng sự kiện: Phương Đông du ký