1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phương Đông du ký (kỳ 3):

Bên lầu trống nhặt khúc sáo thần

(Dân trí) - Tây An về đêm, tiếng sáo của người đàn ông bán sáo trên khu phố người Hồi đẩy tôi trượt hun hút theo ngũ âm để cảm nhận thấy bóng tối - tuyết trắng, quá khứ - hiện tại, không gian - thời gian đã nhoà dần đi những định giới vốn rất hẹp hòi của nó.

Nơi lữ quán tìm kẻ tri âm

 

Quán chật nép bóng lầu trống, một di chỉ nổi tiếng miền Tây An. Bữa tối tưởng chừng lặc lè trôi đi trên những khẩu phần ăn quá nhiều mỡ béo, chất bột lại có gia giảm bằng tiếng chửi mắng của một thực khách hậu duệ Lý Quỳ với nhà hàng đủ để một Ngưu ma vương như tôi tức xốc ngực.

 

Định xách mấy xâu thịt nướng ra ngoài đường để hoàn tất thủ tục với dạ dày thì lại vướng một gã nhỏ thó đang hùng hục chui vào. (Người Trung Quốc luôn có thói quen xấu chặn lối, chen ngang, đi tới mà chẳng thèm để ý đến bất kỳ ai). Sau một hồi đối thoại với đám thực khách địa phương ở bàn bên cạnh, thật bất ngờ gã nhỏ thó quay những ngón tay diệu nghệ rút ra một ngón sáo rất đáng kể bởi màu mồ hôi hằn đọng trên thớ trúc. Môi dảu, miệng chúm chím, tám ngón tay khoan nhặt, nhẹ nhàng cài mở cửa gió, tiếng sáo thoát ra kỳ ảo kéo theo một giọng ca lảnh lót, chất giọng chỉ có thể tìm thấy ở miền rợ Khương, rợ Hồ bao đời mài chuốt, tỉa giũa trên đỉnh núi tuyết, trên mênh mông sa mạc hay những đồng cỏ nhạn bay rụng cánh vẫn không một bóng người. Người đàn bà hát có gương mặt hơi kiêu lạnh của một ca sỹ chỉ quen được người đời nhìn ngắm, tán tụng mà sao lời ca như ngó ý: hỡi bạn phương xa, những nẻo đi phôi pha gió tuyết, chẳng biết có khi nào tái ngộ...

 

Tiếng hát nghe thao thiết như nàng Văn Quân lúc tàn sắc mượn khúc Bạch đầu ngâm hờn trách Tư Mã Tương Như chẳng còn lưu nhớ khúc phượng cầu hoàng tỏ tình ngày trước, quên nghĩa xưa, ham duyên mới mà sinh lòng kia khác. Trắc ẩn ấy đủ xui khiến Lý Bạch thả đôi câu thơ: Sông Cẩm chảy về Đông Bắc. Sóng xô dạt đôi chim uyên ương. Con trống đậu trên cây cung Hán. Con mái đùa trên đám cỏ thơm đất Tần. Thà cùng nhau chết vạn lần nát cả lông cánh. Chứ không chịu lìa nhau giữa mây... Hoa rụng lìa cành thẹn với rừng cũ. Dây thố ty vốn vô tình. Theo gió mặc nghiêng ngả. Ai khiến cành nữ la đến quấn quýt không dời. Hai loài cỏ ấy cùng chung một lòng. Lòng người không bằng loài cỏ...

 

Bên lầu trống nhặt khúc sáo thần - 1
 Lầu trống ngày...

 

Tiếng sáo vẫn dặt dìu theo dáng đung đưa, nghiêng ngả, xiêu diêu của gã nhỏ thó. Người đàn bà hát tiếp một tình khúc. Giọng ca vẫn lảnh lót mà sao giai điệu còn buồn hơn bài hát trước. Nghe kỹ ra nó giống như thổn thức của bao phận đàn bà chốn thành đô bi tráng này mỗi khi giã biệt người thân ra chiến trường một đi không trở lại. Đất nước họ 5.000 năm là lịch sử của bao cuộc chinh chiến, tàn sát nhưng mãi mãi họ không hiểu nổi vì sao phải có chiến tranh. Vì ai, vì cái gì mà cha, chồng, con họ phơi xác ngoài nội cỏ cho sói hoang gặm xương, cho ác điểu rỉa thịt? Cũng như tiếng lòng người xưa, tiếng hát nay vỡ tan thành những mảnh sắc nhọn, lấp lánh khi đập phải bức tường cao sừng sững của lầu trống. Mấy trăm năm qua, chốn ấy, bao vương triều cả hiền vương lẫn bạo chúa đều đã thúc trống khởi binh, dồn quân ra trận với những lời hiệu triệu quốc thái, dân an?! Thực ra lầu trống chỉ tạo thêm việc làm buồn tênh cho lầu chuông mỗi năm lại gióng những tiếng sầu bi chiêu tập hồn bao sinh linh chưa kịp thăng thoát.

 

Ngoài phố vắng thả hồn mình theo gió

 

Mê man trong những thang âm u sầu, tôi gật gù, cánh này chắc hẳn là những kẻ tri âm lâu ngày tụ bạ đàn cầm, khác nào Bá Nha gặp Tử Kỳ, như Tiêu Sử (Tiêu Lang) và Lộng Ngọc hiện về từ cõi tiên. Tích xưa, vua Tần Mục Công thời Xuân Thu đã gả con gái Lộng Ngọc xinh đẹp cho Tiêu Sử, tặng cả lầu Phượng đài vì tiếng sáo huyền diệu của chàng. Hai vợ chồng có tài thổi sáo rủ được chim phượng trên núi cao, rừng xa về nghe. Vậy mà không, tuyệt đối không. Hỏi ra mới vỡ lẽ tay nhỏ thó lại chỉ là một người bán sáo. Tôi thực sự hối hận vì những suy nghĩ ban đầu về anh, người ham vui đã quên mình là kẻ bán sáo. Người mà một phận mệnh thiêng liêng nào đó xúi bẩy làm một việc rất nghĩa cử, bán lại cho đời, tài trợ cho những số kiếp tưởng chừng đã thoát bỏ nghèo khó vài ba khúc nhạc vui buồn. Những khúc nhạc gọi hồn quê xưa cũ mà thi thoảng, có phúc lắm tôi mới bắt gặp từ người bán sáo nghèo bên bờ hồ Tây lộng gió hay Sài Gòn những khắc đêm chơi vơi trong tiếng lá me rơi nghiêng.

 

Bên lầu trống nhặt khúc sáo thần - 2
  Lầu trống đêm...

 

Người bán sáo ra khỏi quán nhanh như khi đến. Tôi bám theo ở một khoảng cách đủ tận hưởng tiếng sáo đêm lạ lùng. Người bán sáo cùng bước chân vô tình lúc qua phải khi sang trái, lúc ghé quán gốm khi dạt hàng lụa. Đêm khuya, phố xá bắt đầu thưa vắng người qua lại, hàng quán đóng cửa, người bán sáo vẫn lang thang rồi khuất dần trong con ngõ nhỏ. Chỉ còn tiếng sáo như vẫn còn vương đâu đây. Tiếng sáo của Tử Tư một thuở thổi sáo xin ăn ở nước Ngô, chờ ngày trở lại quật mộ Sở Bình Vương trả thù cho cha, anh. Tiếng sáo của Trương Lương trên đỉnh Cối Kê từng làm mềm đi biết bao lưỡi gươm kiếm không hề biết dừng lại trước giáp sắt, những thanh đao chưa từng biết một lần mẻ vỡ trên những thân xác người... Khúc thần sáo Tây An hôm nay như mở lối cho thân xác tôi trở nên mảnh mai, rỗng không như bao phận tre trúc...

 

Tôi kể lại câu chuyện này cho một người bạn Huế, một nho sinh rất trẻ, từng yêu mến Phong trúc tập của danh sỹ Ngô Thế Lân. Anh bâng quơ đọc tặng tôi đôi câu thơ tựa như một dấu chấm tuyệt nhất cho bài viết này:

 

Dọc đường có cây trúc xinh

Biết đâu gió mượn lòng mình vi vu.

 

Bài và ảnh: Xuân Bình

 

Kỳ sau: Trên vách đá Phật duyên như mỹ nữ

Dòng sự kiện: Phương Đông du ký