Điểm yếu của điệp viên Phạm Xuân Ẩn

Một vài lần trong cuộc đời của một điệp viên, ông ấy đã cứu những người Mỹ và người Việt phía Cộng hòa, điển hình là trường hợp bác sĩ Trần Kim Tuyến. Đó là điểm yếu khiến ông ấy gặp rắc rối sau này.

LTS: Bản đầy đủ của cuốn sách với tựa đề khá dài "X6 - Điệp viên hoàn hảo - Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn" đã gây được sự chú ý lớn tại Việt Nam và Mỹ. Như một hồi kí của điệp viên Phạm Xuân Ẩn dưới góc nhìn của nhà sử học danh tiếng Larry Berman, "X6 - Điệp viên hoàn hảo" đã giải mã khá nhiều cho người Mỹ về một người anh hùng của Việt Nam và vẫn đang là dấu hỏi của CIA đến tận bây giờ.

Sau khi sự kiện 11/9 xảy ra, người Mỹ rất quan tâm tới trường hợp của Phạm Xuân Ẩn và rất muốn biết cách nào ông đã xâm nhập sâu vào thế giới báo chí cao cấp Mỹ, lấy được những thông tin tối mật mà không hề bị lộ thân phận cho đến tận giờ phút cuối cùng.

Giáo sư Larry Berman tin rằng ông thật may mắn khi được Phạm Xuân Ẩn trao gửi những thông tin và tâm sự quý giá lúc cuối đời - dù Berman biết ông chỉ có được một phần trong rất nhiều những biến cố, suy tư trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn.

Ông chia sẻ suy nghĩ với Tuần Việt Nam.

Điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Ảnh tư liệu
Điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Ảnh tư liệu
 
Điệp viên, nhà báo, hay người bạn?

Trong cuốn sách gần 400 trang, ông đã tìm thấy rất nhiều điểm mạnh của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, vậy còn điểm yếu?

- Điểm yếu là, một vài lần trong cuộc đời của một điệp viên, ông ấy đã cứu những người Mỹ và người Việt phía Cộng hòa, điển hình là trường hợp bác sĩ Trần Kim Tuyến. Theo góc nhìn của nhiều người và của nghề điệp viên, đó là điểm yếu, và cũng là điều khiến ông ấy gặp rắc rối với chế độ sau này.

Nhưng có thể xem đó là điểm yếu được sao? Ngoài việc là một điệp viên, ông ấy cũng là một con người. Những người đó là bạn của ông ấy.

- Tôi đồng ý với bạn. Khi bạn hỏi, tôi cũng đưa ra một câu trả lời mà tôi thấy là hệ quả của "điểm yếu" đó.

Ông thấy Phạm Xuân Ẩn làm điều gì tốt hơn? Một điệp viên hay một nhà báo, hay ông ấy luôn là một con người nhân văn trước khi là cả 2 điều trên?

- Tôi nghĩ dù là một nhà báo giỏi, ông ấy còn là một điệp viên xuất sắc hơn. Ông đã mang chiếc mặt nạ trong một thời gian rất dài mà không hề bị phát hiện. Nhưng nếu câu hỏi là Ẩn có nhìn bản thân mình như là một điệp viên không? Tôi nghĩ là không. Ông có nhìn bản thân mình như là một nhà báo không? Tôi nghĩ là có.

Phạm Xuân Ẩn bị kẹt giữa hai nghề nghiệp, con người nhà báo và con người điệp viên.
Điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Ảnh tư liệu
Giáo sư Larry Berman - Tác giả cuốn sách "X6 - Điệp viên hoàn hảo" hiện là Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú trường ĐH quốc gia, bang Georgia.

Việt Nam đã dạy chúng tôi những giới hạn

Phạm Xuân Ẩn cũng rất ngưỡng mộ những giá trị mà người Mỹ đã đạt được trong xã hội dân sự. Theo ông, những điều gì ở Mỹ thu hút Phạm Xuân Ẩn?

- Phạm Xuân Ẩn hiểu rằng câu chuyện về nước Mỹ là câu chuyện về một nền dân chủ phát triển dần dần, một quá trình kéo dài tới hơn 200 năm. Và như trong một cuốn sách khác tôi đã viết - cuốn "Tiếp cận nền dân chủ" (Approaching Democracy- nước Mỹ giờ đây vẫn đang ở trong quá trình lao động và phát triển đó.

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt ngưỡng mộ các quyền tự do như tự do báo chí, ngôn luận, khả năng nói hoặc viết bất cứ thứ gì dù với nỗi sợ hãi. Ông hiểu rằng sức khỏe của một xã hội được phản ánh trong những thứ tự do như vậy.

Tính tự nguyện, tự do ngôn luận, tự do tinh thần, niềm vui là những điều Ẩn đã học được từ cuộc sống với người dân Mỹ tại California từ năm 1957 đến năm 1959, và như tôi đã nói trong cuốn sách, Ẩn nói với tôi rằng, điều này đã mở ra một cách mới để ông nhìn thế giới và hành động. Đó là những điều ông đã muốn làm sau chiến tranh và ông ngưỡng mộ khía cạnh này.

Ông có nghĩ rằng có một áp lực đặt lên vai các Tổng thống Mỹ, buộc họ phải duy trì và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ hy vọng tổng thống của họ sẽ duy trì sức ảnh hưởng, mặc dù mọi người cũng mệt mỏi của những cuộc chiến tranh và việc trở thành một viên cảnh sát trên thế giới. Việt Nam đã dạy chúng tôi rằng, có những giới hạn với những gì mình có thể làm nhân danh sự quan tâm.

Như ông nói trong cuốn sách, nhiều người Mỹ vẫn không hiểu rằng cuộc chiến là sai ngay từ đầu. Có phải họ chỉ muốn biết lý do tại sao Mỹ đã thua ở đoạn sau?

- Điểm mấu chốt là có quá ít người Mỹ nhìn cuộc chiến từ đôi mắt của người Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ tấn công Mỹ, nhưng hầu hết người Mỹ không dành thời gian để hiểu được cuộc chiến trong bối cảnh lịch sử, lịch sử của Việt Nam. Ví dụ, tại sao nó được gọi là chiến tranh Việt Nam ở Mỹ?

Nó nên được gọi là cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng Hoa Kỳ thua trận bởi vì chúng tôi đã không làm đủ; rút ra kết luận kiểu đó là hoàn toàn sai lầm.

Trong cuốn sách, ông có đề cập đến việc ông được tiếp cận thông tin sâu bằng Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA). Ở Mỹ, thường dân có thể được tiếp cận thông tin sâu tới mức nào từ các nguồn Chính phủ? Đạo luật này chỉ áp dụng cho các nhà nghiên cứu như ông hay cho tất cả các thường dân?

- Tất cả thường dân đều có quyền sử dụng Đạo luật Tự do Thông tin, và họ đã làm điều đó một cách cực kì thường xuyên. Vẫn còn có những thông tin được phân loại liên quan đến bí mật an ninh quốc gia, nhưng giờ đây, chúng tôi được tiếp cận với một số lượng tài liệu thật đáng kinh ngạc.

Xin cảm ơn giáo sư Larry Berman!

Theo Hồ Hương Giang 

Vietnamnet