1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện dài về "người đi tìm bóng"…(Kỳ 1)

Năm lớp 8, lần đầu tiên em trộm thỏi son của chị hai và tự trang điểm cho mình và mặc chiếc áo đầm - một niềm hạnh phúc ngất ngây, nhưng ngay sau đó là một nỗi lo sợ khủng khiếp khi em biết chắc chắn rằng mình là một cô gái đang sống trong thân xác của người con trai!

“Đêm bóng làm người…”

 

...Đã quá nửa đêm, tang chủ đã vào nhà ngủ vùi sau nhiều ngày than khóc người xấu số, ngày mai là ngày đưa tang, người qua đường cũng đã thưa dần, trên hè phố chỉ còn mấy gã xích lô, xe ôm lè nhè, cợt nhả bên bình rượu đế cùng mấy “cô gái” ca hát đám ma khá nổi tiếng ở các khu xóm lao động quanh quẩn các quận 2, 4, Phú Nhuận, Bình Thạnh...

 

Hễ nghe nơi nào có đám ma mà gia chủ tương đối dễ tính là nhóm này kéo tới giúp vui qua đêm bằng lời ca, tiếng hát, họ có những “độc chiêu” riêng với những màn múa mâm vàng, múa lu, múa lửa..., với những bài ca buồn não nuột. Được gia chủ cho ăn cho uống, cho trú trọ ngoài hè qua đêm là may lắm.

 

Đây cũng là đối tượng săn đón làm trò vui cho mấy tay xe ôm, xích lô vì ngoài lời ca tiếng hát, uốn éo, ẻo lả như phụ nữ, họ sẵn sàng ngả ngớn chiều chuộng hết mình với những tên gọi thật yêu kiều như Nhung, Lan, My, Trang, Vân... Thân xác là đàn ông nhưng khi đêm về họ lại “hóa thân” thành những “bóng hồng”…

 

Bọn đàn ông bắt đầu quờ quạng, sờ mó các “cô” trong hơi rượu đế nồng nặc, các “cô” vừa hát, vừa múa, vừa làm dáng e lệ, có “cô” ra chiều thích thật, có “cô” sợ hãi né tránh những hơi thở nồng nặc... My, người nhỏ bé và bẽn lẽn nhất trong nhóm, rót ly rượu đế mời tôi rồi thỏ thẻ: “Mai bên Bình Thạnh có một đám ma, nhà chủ mời đàng hoàng, anh lại đến chơi với tụi em, em cho địa chỉ nghe...”.

 

Tôi lắc đầu bảo bận. My thất vọng buông lời: “Anh sợ tụi em rồi hả ? Chỉ có những đêm như thế này tụi em mới được làm người. Riết rồi cũng quen, ban ngày ai cũng ghê sợ tụi em, người dưng đã đành, bạn bè, ngay cả gia đình cũng né tránh, khinh khi…Thôi em hát tặng anh một bài để anh còn về nữa...”.

 

Rồi My ôm đàn ghita cất tiếng hát não nề: “Chiếc bóng ra đời cùng với tôi và theo tôi bao năm theo mãi... Ngày qua đi không than, không trách với bao thiệt thòi... Một đời sau lưng tôi đứng…nằm dài bên tôi ru giấc say êm đềm... Tội nghiệp, khi không ai thương tiếc, cười đùa quên đi tâm tư bóng... nguyện cầu một ngày làm người tự do...”.

 

Giọng My không hay nhưng buồn xa xăm, tiếng hát trong đêm nghe sao giống như tiếng khóc. Giọng My cao vút lên trong đêm: “...Rồi một ngày bóng sẽ là ta, được làm người bóng tha hồ vui... Cả đời im tiếng, ôi thương cho đời không bóng. Hãy tin vào đời, khi không còn ánh sáng còn tình yêu thì không ai quên vẫn còn bóng trên khắp nhân gian... Ta mong cho bóng được làm người !...”.

 

Tôi đã theo “nhóm hát đám ma” này nhiều đêm, ban đầu cũng sợ, cũng ngại khi tiếp xúc, nhưng sao đêm nay nghe tiếng hát của My, tôi lại cảm thấy cảm thương cho số phận của những người sống không hình hài mà chỉ bằng chiếc bóng của mình... Đêm đã thật khuya, những chiếc bóng vẫn chập chờn trong đêm...

 

“Khát vọng được làm chính mình…”

 

Tôi hẹn gặp My đi uống cà phê sáng để tìm hiểu bài hát nghe não nùng trong cái đêm đám ma và cuộc sống thật của My. Tôi không biết tên thật của My là gì, là Dũng, Tuấn, Cường hay là Hùng, Long, Trung..., kể cả tuổi của My cũng không được rõ. Ban ngày, cách phục sức của My không khác mấy so với những người đàn ông ngồi cùng quán, cũng quần jean, áo sơmi dài tay, ria mép vẫn còn lún phún chưa kịp cạo buổi sáng, nhưng chỉ với vài động tác kéo ghế, tay chống lên cằm, lâu lâu lấy khăn lau vội nước mắt... cũng đủ để nhiều người quay sang bàn chúng tôi dòm ngó, xầm xì. Đó là câu chuyện buồn của một kiếp làm người:

 

“Gia đình em cũng thuộc loại khá giả, bố em làm giám đốc một xí nghiệp thủ công mỹ nghệ, mẹ có sạp vải nhỏ ngoài chợ, ba người chị đều tốt nghiệp đại học, riêng em dang dở năm thứ hai trường kinh tế. Ai cũng nói là em có phước, nhất là làm cậu út trong gia đình đã có ba chị gái.

 

Ngay từ khi ý thức được mọi người xung quanh, em đã biết em không phải là con trai, vào lớp mẫu giáo chỉ dám ngồi nhìn ngắm, thèm khát những chiếc áo đầm của đám bạn nữ. Học lên nữa bố cho đi học đá bóng, karatedo... em cũng đi vì thương bố nhưng tâm tưởng chỉ ao ước được đi học nữ công gia chánh, may vá như các chị.

 

Rồi bố em cũng biết mọi chuyện vào năm cuối bậc phổ thông của em. Cơn thịnh nộ của ông thật khủng khiếp cho dù ở nhà em cố hết sức với một cuộc sống bình thường nhưng lời dị nghị của lối xóm, của bà con và bố phát hiện những trang nhật ký, trong đó em trò chuyện với tâm hồn mình, nỗi khao khát được có một người bạn trai cùng lớp, khao khát được mặc chiếc áo dài, được làm vợ như bao người con gái khác... Ông nhốt em vào phòng rồi đánh em những trận đòn khủng khiếp, ông bảo: “Mày làm nhục cái gia đình này, tao ghê tởm mày quá rồi...”.

 

Em cắn răng chịu những trận đòn thù của bố mà trong đầu cứ như lời van xin: “Bố ơi, con đâu có nghiện ngập, đâu có cùi hủi gì đâu mà bố lại ghét bỏ con, tại ông trời không cho con được làm người, thân xác này, da thịt này là quí tử của bố, nhưng trong máu, trong tim, trong tâm tưởng con lại là đứa con gái út của bố đây!”. Mẹ chỉ biết khóc, còn các chị thì ngại ngần khi tiếp chuyện thằng em út.

 

Có lúc em nghĩ: Thôi, ông trời bắt mình làm con trai thì cam chịu sống cho hết một kiếp người này, nhưng làm sao cưỡng lại được con tim? Khi vào đại học em tỏ ý yêu một bạn trai cùng lớp, chuyện chưa tới đâu mà cả trường đồn ầm lên, đem em ra làm trò cười, em không chịu nổi nên phải bỏ học ngay năm thứ hai, xin đi làm thì chỉ vài tháng là người ta biết, người chửi bới, đàm tiếu, ghẻ lạnh xa lánh... chưa chỗ nào em làm được quá sáu tháng.

 

Có đến bốn lần em tự tử bất thành, thậm chí tự cắt dương vật mình vì cảm thấy tuyệt vọng với cuộc đời này quá. Nhưng em vẫn phải sống đây, chỉ với một khát vọng sống duy nhất: được làm chính mình dù nam hay là nữ, chứ hồn này, xác nọ thì em đã quá sức chịu đựng rồi!...”.

 

My mới làm quen với “nhóm hát đám ma” gần bốn tháng qua, mà theo My cho biết: “Các “chị” ấy rất quậy nhưng đáng thương lắm, có người sáng phải đi móc bọc nilông, bán chuối dạo, cũng có “chị” đang là giáo viên, thợ may, nhân viên... Chỉ có những đêm “hóa thân” hát múa điên cuồng, quậy phá trong hơi men để tiễn đưa người chết, tụi em mới có giây phút được sống với chính con người thật của mình, cho dù thừa biết đó là nơi ô trọc, đầy rẫy sự bầy hầy, lợi dụng thể xác một cách ê chề như vậy.

 

Nhưng còn chỗ nào cho hình bóng dung thân? Gia đình, bạn bè, cơ quan đều ghê sợ, né tránh...?”. Chỉ một câu nói nhừa nhựa của anh xe ôm say rượu bét nhè “My hát hay quá, anh yêu em quá!” cũng đủ để những chiếc “bóng” được trở thành “người” trong phù du chốc lát. My cho tôi biết bài hát cô hát trong đêm đám ma ở quận 4 là bài Chiếc bóng của nữ nhạc sĩ Phương Uyên nhóm Ba Con Mèo sáng tác riêng cho ca sĩ Minh Thuận, mà trong “giới” của My ai cũng thuộc lòng vì nó nói lên đúng tâm trạng của những người đi tìm hình bóng của mình…

 

Tôi hỏi My: “Sao em không xin đi phẫu thuật chuyển giới tính?”. My cười chua chát: “Em đã đi khắp rồi, địa phương, bệnh viện, sở y tế, sở tư pháp... họ đều trả lời không được. Thậm chí có người còn khuyên em về đi điều trị bệnh tâm thần nữa vì cho là em điên.

 

Nếu điên được thì còn gì bằng, người điên lẫn lộn giữa thật và ảo, còn với em cái thật là con tim của một giới tính khác đang sống mỏi mòn trong cái giả là một thân xác của giới tính khác. Cho đến giờ khát khao sống duy nhất của em là được sống đúng với con tim mình: một người con gái!”.

 

Theo Binh Nguyên - Duy Bình

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Chuyển đổi giới tính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm