1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt

(Dân trí) - Chỉ trong vài giờ, hồ Cửa Đạt - công trình thủy lợi trị giá hàng ngàn tỷ đã không chịu nổi sức ép của con nước dữ. Bức tường thành sừng sững hàng chục mét phút chốc đã bị xuyên thủng, hàng trăm nghìn m3 đất đá bị nước cuốn phăng.

Chưa ai đứng ra thống kê con số thiệt hại của công trình thủy lợi thủy điện lớn nhất nước này, trước mắt chỉ biết mồ hôi nước mắt của hàng nghìn công nhân lao động trên công trình này đã trôi ra biển. Không biết bao lâu nữa công trình mới có thể tiếp tục thi công và số tiền đầu tư sẽ không còn như dự tính ban đầu.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 1

Đập chính của hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã bị vỡ.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 2

Phần thân đập chính thương tích nặng nề với những cuộn lưới thép gia cố đá lòng thòng trong nước lũ.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 3

Gần 100m thân đập chính với khoảng 600.000m3 đất đá giờ đã bị nước đẩy đi mất.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 4

Từ mặt nước nhìn lên cao trình 50m của đập Cửa Đạt sau khi nước tạm rút.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 5

Những hàm ếch trong thân đập bị nước lũ tạo thành trong đêm đập bị vỡ.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 6

Lá cờ tạm bợ trên thân đập báo hiệu sự nguy hiểm đang tiềm ẩn bên dưới.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 7

Những gì còn lại của 600.000m3 đất đá giờ tạo thành một bãi bồi bằng đá ngay giữa lòng sông Chu.

 

Chùm ảnh: Nước “xé” toang Cửa Đạt - 8

Những chiếc barie cô độc, hờ hững trên đường lên thân đập chính bù lại những ngày tháng nhộn nhịp với hàng nghìn công nhân lao động trên công trình này.

 

Hồ chứa nước Cửa Đạt được xây dựng tại khu vực sông Chu, thuộc địa bàn xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, cách trung tâm TP Thanh Hóa 65km về phía tây nam. Đây là công trình trọng điểm quốc gia đa mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, môi trường và phòng, chống lũ.

 

Đập chính ngăn dòng sông Chu là đập đá đầm nén với bản mặt bê tông cốt thép (CFRD - concrete face rockfill dam) trên sông có chiều dài 1023m, chiều cao ở vị trí giữa lòng sông là 119m (loại CFRD cao nhất vùng Đông Nam Á) và thể tích khối vật liệu khoảng 10 triệu m3 đá.

 

Việc chặn dòng được tiến hành từ ngày 2/12/2006, đến nay đã đạt cao trình +50.0. Theo tính toán của các chuyên gia, việc thực hiện ở cao trình này để lũ chính vụ năm 2007 tràn qua đập. Sau mùa lũ sẽ tiếp tục xây dựng. Thế nhưng, sau cơn bão số 5 đã làm thay đổi tất cả.

 

V.Hưng - Thái Sơn

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007