Chơi điếu, tẩu cổ
Ngày nay, một số quý ông dù chẳng biết chút kiến thức gì về thuốc lá, thuốc Lào cũng tăm tia cho mình dăm ba cái bình điếu, ống điếu, ống tẩu về chỉ để ngắm nghía rồi tự hào khoe khắp bốn phương bằng hữu. Đó là những tay sưu tập điếu.
Mỗi người mỗi kiểu chơi theo phong cách khác nhau, tạo ra một thú chơi khá phong phú mà chỉ riêng cánh đàn ông mới dễ dàng nhập cuộc.
Vũ là một trong số những tay sưu tập như thế. Trong bộ sưu tập của Vũ, một tay chơi điếu, tẩu cổ, có những ống tẩu được làm bằng đất nung già có tuổi đời lên tới cả nghìn năm, được chôn sâu trong lòng đất.
Mở đầu câu chuyện sưu tập ống điếu của mình, Vũ kể: "Do máu mê đồ xưa, một lần, tôi ghé tiệm bán đồ cổ ngoài Lê Công Kiều, gặp ông khách Pháp đang lục lọi trong đám điếu đồng, lấy ra một cái khá đẹp, mân mê nó trên tay rồi ngả giá với chủ. Tôi lân la làm quen, nhân tiện làm phiên dịch giúp ông khách Pháp mua được cái điếu với giá khá rẻ. Ông khách rất vui và chia sẻ với tôi về thú sưu tập những ống điếu bằng đồng xưa, chỉ cho tôi những nét đẹp của các loại điếu đồng, từ hoa văn, hoạ tiết, đến các màu men (nổi teng xanh bóng).
Qua tìm hiểu, Vũ biết rằng dòng đồ cổ này có cả nghìn năm tuổi, rất phong phú, đa dạng. Dù vậy, ở Việt Nam, giới sưu tập chưa chú trọng vào dòng đồ này, thường chỉ có có các tay sưu tập nước ngoài chú ý đến. Từ đó, qua tiếp cận thêm các loại điếu đồng, điếu gốm bày bán rải rác ngoài chợ đồ cổ, Vũ đâm ra đam mê sưu tập loại hình này lúc nào không hay.
Vũ cho biết lý do của mình: "Chơi dòng đồ này ít khi bị hàng giả như chơi đồ gốm sứ, một phần vì giá trị của điếu tẩu ở thị trường Việt Nam chưa cao, công làm đồ giả bán ra còn đắt hơn cả đồ thật. Hơn nữa, dòng đồ này chưa được dân sưu tập chú ý, do đó mình có nhiều cơ hội để lựa chọn những ống tẩu hoàn hảo về chất lượng, kiểu dáng lạ và men đẹp".
Chủ nhân của những bộ sưu tập chọn điếu đóm với tiêu chí đầu tiên là phải có giá trị về mặt mỹ thuật. Tiêu chí thứ hai, món đồ ấy phải là đồ xưa. Nếu đáp ứng được yêu cầu "nhất cổ, nhì quái" thì càng tuyệt. Trong bộ sưu tập của Vũ, có những chiếc ống tẩu được làm bằng đất nung, có tuổi đời rất già lên tới cả nghìn năm, được chôn sâu trong lòng đất.
Trong khi ấy, những ống tẩu bằng đồng được làm khá cầu kỳ, nơi đầu têm thuốc thường thể hiện các hoa văn đặc trưng của người dân tộc, những hình tượng thú, tượng người. Phần thân tẩu được làm khá dài, có cái dài đến 50cm và trên thân tẩu cũng có những hoạ tiết hoa văn chi li được khắc rất tinh xảo, có giá trị về mặt mỹ thuật khá cao. Tuy nhiên, các ống đồng này qua thời gian chôn vùi khá lâu, nay đã phần nào mục nát. Các ống đồng này không còn sử dụng được nữa, chủ yếu để trưng bày, hoặc lồng vào khung kính treo trang trí trên tường.
Một loại bình điếu giá trị cao và khá hiếm là những bình điếu bằng gỗ, được nghệ nhân Huế cẩn ốc xà cừ cực kỳ tinh xảo. Tuy giá rẻ hơn điếu sứ đôi chút, nhưng bình điếu gỗ có nét đẹp riêng. Giữa nền đen mun, các nét ốc cẩn lên nước đỏ au, trông rất đẹp và ấn tượng. Loại bình điếu này xuất hiện cái nào là được dân chơi sưu tập vồ ngày.
Cũng có những bình điếu được chế lại từ nậm rượu, bình trà có tuổi đời vài trăm năm, nay bị gãy vòi, sứt cán, được tái chế làm thành bình điếu xuất sáng Campuchia. Dòng đồ này giá khá mềm, có công săn lùng cũng có thể tìm được một bình hoa văn khá đẹp.
Một trong những loại bình điếu được săn lùng nhiều nhất là bình điếu bằng sứ Tàu men xanh trắng (còn gọi là điếu bát). Những bình điếu này do các lái buôn gốm sứ đến từ Trung Quốc đem sang Việt Nam vào thời nhà Nguyễn. Cũng có một dòng bình điếu vào thời này này gọi là đồ sứ ký kiểu, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa. Dân gian thường gọi là dòng bình này là đồ Nội Phủ (đồ dành cho vua quan sử dụng).
Theo Thể Thao Ngày Nay